Ngư Dân Đối Mặt Với Nghề Nguy Hiểm
Quá ham kiếm đồ cổ từ biển, anh Huỳnh Minh Sơn (thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bất chấp nguy hiểm lặn sâu tới 80-100m, và bị tai nạn liệt nửa người.
Sau tai nạn, anh trở thành “nhân chứng sống” cảnh báo cho các ngư dân về “nghề nguy hiểm” này.
Nửa đời bám biển
Nhà anh Sơn có đến 11 anh em trai, cả nhà đều bám biển mà sống. Anh theo cha ra biển năm 12 tuổi. Năm 20 tuổi, anh Sơn chuyển sang lặn biển. Anh có thể lặn sâu 50-60m dưới đáy biển và lặn trong thời gian dài. Anh cũng đã nhiều lần đi lặn cá, tôm ở Trường Sa.
Anh cho biết: “Trường Sa đi một chuyến bằng cả mấy chục chuyến đi gần bờ. Tối đến, chúng tôi lặn xuống, chỉ cần dùng vợt mà xúc cá, tôm. Mỗi chuyến đi kéo dài chừng nửa tháng. Hồi đó, một lần đi thu về mấy chục tấn cá, tôm”.
Một chiều năm 2003, bạn thuyền rủ anh đi biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) lặn vớt đồ cổ. Bạn anh bảo, khu vực này mấy năm trước có một chiếc tàu đắm, trên thuyền vô số cổ vật. Lặn xuống quả đúng như vậy. Lần đầu, anh được chia 7-8 cây vàng. Từ đó, cuộc sống gia đình khá hẳn lên, sắm tivi, sửa lại nhà… “Hồi đó cứ như phép màu nên càng ham” – anh chia sẻ.
Đến lần thứ 2 đi lặn đồ cổ, anh lặn sâu tới gần 80m liên tục dưới đáy biển. “Tôi cầm trên tay bao đồ cổ và cảm thấy trong người thấm mệt, tôi chỉ nghĩ đơn giản là do lặn sâu và lâu nên mệt, nhưng sau đó, tôi ngất đi ngay giữa lòng biển, may là các anh em kịp đưa lên thuyền, nhưng…”– anh nghẹn ngào.
Anh được bạn thuyền đưa về trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. 3 tháng trời anh nằm tại BV Đa khoa Đà Nẵng, chị Huỳnh Thị Đông - vợ anh, lần lượt bán hết của cải trong nhà lo chạy chữa cho anh, nhưng chỉ cứu sống được anh, còn đôi chân của anh đã không bao giờ lành lại.
Đó cũng là khoảng thời gian 3 đứa con của anh, là Huỳnh Minh Cảnh, Huỳnh Minh Thuận, Huỳnh Thị Mỹ Loan đang học phải bỏ giữa chừng vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Hiện chỉ còn người con trai út Huỳnh Minh Kiều đang học lớp 5 Trường Tiểu học Bình Đông.
“Nhân chứng sống” truyền thông phòng tai nạn biển
Không đi lại được, anh có cảm giác như mình đang trở thành gánh nặng của gia đình. Anh quyết định: Phải đi được, phải bám biển. Anh đã luyện tập từng bước đi một với cây nạng gỗ. Sau nhiều tháng kiên trì, anh đã có thể đi lại trên nạng gỗ. Anh bảo chị Đông sắm chiếc thúng nhỏ để anh đi đánh lưới…
Anh cho biết, những ngày biển lặng được khoảng chục kg cá, chủ yếu là cá nhỏ, bán được 100-200 nghìn đồng/ngày, lúc trúng mùa thì được 400-500 nghìn đồng/ngày.
Anh nói: “Tôi không còn đi chung với anh em nữa mà chỉ đi gần bờ, từ chiều đến sáng hôm sau về. Kinh nghiệm lặn cá, tôm lâu năm đã giúp tôi xác định được vùng nào có cá, có tôm để thả lưới”.
Tuy nhiên, tai nạn làm anh đau đớn. Anh Sơn nói: “Mỗi đêm về, tôi đều suy nghĩ nếu cho tôi quay lại, tôi sẽ không lặn đồ cổ. Nếu tôi không bị như thế này, con tôi không phải vì tôi mà nghỉ học”. Vì những hối hận đó, anh Sơn luôn tư vấn cho các ngư dân khác cách lặn an toàn, tránh lặn quá sâu, tránh các nguy hiểm rình rập trong nghề lặn biển...
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng thôn Sơn Trà, cho biết: “Thôn Sơn Trà có 860 hộ, thì có đến 600 hộ đi biển. Những kiến thức anh Sơn tư vấn cũng giúp các ngư dân khác tự phòng tránh tai nạn cho chính mình”.
Nghề lặn biển được coi là nghề nguy hiểm khiến hàng ngàn ngư dân bị thương hoặc tử nạn. Ngoài các làng chài ở Quảng Ngãi, nhiều làng chài khác có ngư dân kiếm sống bằng nghề lặn biển cũng ghi nhận nhiều tai nạn như Ninh Vân (TX. Ninh Hòa, Khánh Hòa) có hàng trăm người bị tai nạn, bệnh tật, ngớ ngẩn, liệt người, cụt chân tay…
Hàng chục người đã chết. Làng Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cũng có hàng trăm người từng bị tai nạn, trong đó có nhóm tới 20 thuyền có thợ lặn gặp luồng nước độc, bị nạn phải cấp cứu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ