Mô hình kinh tế Ngư Dân Không Mặn Mà Với Bảo Hiểm Nghề Cá

Ngư Dân Không Mặn Mà Với Bảo Hiểm Nghề Cá

Ngày đăng 14/01/2014

Ngư Dân Không Mặn Mà Với Bảo Hiểm Nghề Cá

Nếu như lâu nay, bảo hiểm đối với ô tô, xe máy cũng như các phương tiện vận tải đường bộ khác đều đã áp dụng chính sách bảo hiểm bắt buộc thì bảo hiểm trên lĩch vực nghề cá đang bị xem nhẹ. Ngư dân không mấy mặn mà dù cho những rủi ro trên biển thường xuyên xảy ra...

Chúng tôi đến xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vào một ngày biển động do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường. Dọc lạch biển giáp ranh giữa hai xã Diễn Bích và Diễn Kim, hàng trăm tàu thuyền đậu kín, chờ trời yên, biển lặng để ra khơi. Từ bao đời nay, nghề chính của người dân trong xóm Quyết Thắng là bám biển, đánh bắt thủy hải sản.

Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, chuyển từ tàu nhỏ sang tàu công suất lớn, chuyển đánh bắt từ vùng lộng ra vùng khơi, năng suất, sản lượng cao hơn trước. Mặc dù vậy, việc chuyển vùng đánh bắt, tiến ra khơi xa chứa nhiều rủi ro.

Anh Phạm Văn Hải, chủ tàu cá có công suất 90CV cho biết: Đã có tình trạng tàu cá của ngư dân xóm Quyết Thắng bị sóng đánh chìm, ngư dân tử vong nhưng hầu như người dân không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào ngoài chính sách thăm hỏi của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện đến xã vì tàu cá của họ không mua bảo hiểm thân, vỏ tàu, ngư dân cũng không mua bảo hiểm dành cho thuyền viên. Mới đây nhất, trong cơn bão số 10, tàu cá của anh Trần Văn Tâm ở xóm Quyết Thắng khi đang trên đường trở về nơi trú ẩn gặp sóng dữ, tàu bị đánh chìm ở cửa lạch.

Nhiều chủ tàu khác đã có mặt để thực hiện việc cứu người, anh Tâm được tàu bạn cứu sống nhưng con tàu tiền tỷ thì bị hư hỏng hoàn toàn, không trục vớt được. Cũng vì không mua bảo hiểm thân, vỏ tàu nên anh Trần Văn Tâm không nhận được sự hỗ trợ nào. “Cả xóm này chưa có ai mua bảo hiểm thân, vỏ tàu, cũng chưa ai mua bảo hiểm thuyền viên”, anh Nguyễn Trúc Giang, chủ tàu cá đang neo đậu ngay dưới cầu Diễn Kim khẳng định.

Toàn xã Diễn Bích có 192 tàu cá, trong đó có 60 chiếc trên 90CV với gần 1.000 lao động nghề cá hoạt động trên biển. Tất cả số tàu thuyền này đều không mua bảo hiểm thân, vỏ và chỉ có một số ít ngư dân bỏ tiền để mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên của các công ty bảo hiểm. Xã Diễn Ngọc có 7/12 xóm theo nghề đánh bắt hải sản ở vùng lộng và vùng khơi với gần 420 tàu thuyền cùng hàng ngàn lao động nghề biển, mỗi năm sản lượng cá đạt gần 14 ngàn tấn.

Cũng như ngư dân xã Diễn Bích, người dân Diễn Ngọc hầu hết đều không mua bảo hiểm cho thân, vỏ tàu và bảo hiểm tai nạn cho các thuyền viên làm việc trên tàu. Theo thống kê, trong số hơn 1.400 tàu thuyền của huyện Diễn Châu thì chỉ có khoảng 60 tàu công suất lớn mua bảo hiểm thân, vỏ và có chưa đến 100 thuyền viên trong tổng số gần 7.000 lao động nghề biển của huyện mua bảo hiểm rủi ro trên biển.

Rời hai trọng điểm Diễn Ngọc, Diễn Bích, men theo con đường ven biển, chúng tôi quay ra vùng biển huyện Quỳnh Lưu. Làng biển Minh Thành, xã Quỳnh Long những ngày cuối năm khá ảm đạm, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tàu cá NA 93240-TS bị đắm bất ngờ vào giữa tháng 12 khiến 8 người bị chìm.

Trong số 8 người này thì có tới 6 người là công dân của làng Minh Thành. Vì không mua bảo hiểm thân vỏ tàu nên khi gặp nạn trên biển đã không được bồi thường gì. Trước đó, tàu cá của một số ngư dân khác gặp nạn ở huyện Quỳnh Lưu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ông Phạm Anh Tiến, cán bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, trước tình trạng phức tạp của thời tiết, ngày càng có quá nhiều vụ tai nạn trong lúc đi biển, trong những năm qua, chính quyền xã và Hội Nghề cá luôn vận động bà con mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên và bảo hiểm thân, vỏ tàu. Đã có 100% lao động ở Quỳnh Long mua bảo hiểm tai nạn rủi ro nhưng các chủ tàu cá lại không mặn mà với loại bảo hiểm thân, vỏ tàu.

Hiện nay, toàn xã có 174 chiếc tàu cá, trong đó 110 chiếc công suất trên 90CV, rất ít số chủ tàu thuyền này mua bảo hiểm thân vỏ. Ông Tiến cho biết, hầu hết số tiền bảo hiểm tai nạn là do thuyền viên tự mua với giá khoảng 200 ngàn đồng/người/năm, còn chủ tàu thuyền không chịu mua bảo hiểm thân, vỏ vì phí bảo hiểm quá đắt, từ 15 – 20 triệu đồng/năm.

Tại các xã khác của huyện Quỳnh Lưu như Sơn Hải, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa ngư dân cũng không hào hứng với các loại bảo hiểm nghề cá. Anh Nguyễn Đình Trúc, cán bộ phòng Nông nghiệp phụ trách tàu thuyền của huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện hiện có gần 1.200 tàu thuyền, trong đó có 1 nửa là loại tàu công suất lớn, trên 90CV, nhưng hiện nay, không có con số thống kê cụ thể tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ, bao nhiêu thuyền viên đã mua bảo hiểm rủi ro.

Tình trạng người dân thờ ơ với các loại bảo hiểm nghề cá không chỉ xảy ra ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu mà là thực trạng chung ở các huyện ven biển như Nghi Lộc, Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai. Theo Quyết định số 289 ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chỉnh phủ thì ngư dân khi mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất máy từ 90CV trở lên hoặc chuyển đổi máy tàu cũ sang loại máy mới tiêu hao ít nhiên liệu hơn đối với loại tàu từ 40CV trở lên sẽ được hỗ trợ tiền.

Một trong những điều kiện để nhận được hỗ trợ là tàu phải có bảo hiểm thân, vỏ, thuyền viên làm việc trên tàu phải có bảo hiểm tai nạn rủi ro. Quyết định số 289 cũng quy định Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hàng năm cho tàu đánh bắt hải sản có công suất 40CV trở lên,…

Bên cạnh đó, trong quyết định này, Nhà nước cũng hỗ trợ tiền dầu cho chủ tàu có tàu đánh bắt hải sản đã hoàn thành thủ tục mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, có đăng kiểm, đăng ký lưu hành phương tiện đánh bắt hải sản theo quy định của pháp luật. Mỗi chuyến ra khơi được hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng… Đến năm 2010, những chính sách hỗ trợ trong quyết định này hết hiệu lực, người dân không mua bảo hiểm nữa.

Một nguyên nhân khác là các thủ tục để nhận được tiền bảo hiểm khá rườm rà. Các tai nạn tàu thuyền thường diễn ra trên biển, việc giám định nguyên nhân tai nạn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các chủ tàu cá cũng cho rằng chi phí bảo hiểm thân, vỏ từ 15 – 20 triệu đồng/năm là một con số lớn, trong khi các lao động thuyền viên trên tàu cá ở Nghệ An hầu hết đều là lao động tự do, không ký hợp đồng với chủ tàu nên việc chủ tàu không mua bảo hiểm cho họ cũng là điều dễ hiểu.

Nghệ An có hơn 4000 tàu thuyền đánh cá và hơn 19.000 lao động đang hoạt động bằng nghề biển nhưng chỉ có một số ít mua bảo hiểm thân, vỏ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khóa XVI, đã có Nghị quyết số 28/2011, NQ-HĐND ngày 9/12/2011 về việc hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên thuộc hộ nghèo, chính sách tham gia đánh bắt thủy sản ngoài khơi trên tàu từ 90CV trở lên. Tuy nhiên, theo ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết, chính sách này cũng không được ngư dân hưởng ứng vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ rà soát lại việc thực hiện bảo hiểm nghề cá, đồng thời có quy định tất cả các loại tàu thuyền trên 90CV đều phải mua bảo hiểm thân, vỏ, thuyền viên làm việc trên tàu đều phải mua bảo hiểm rủi ro. Đây được xem là điều kiện bắt buộc để các tàu cá được đăng kiểm, ra khơi, tiến tới việc phổ cập bảo hiểm nghề cá cho tất cả ngư dân cũng như các chủ tàu thuyền.

Cũng như các loại bảo hiểm rủi ro khác, đây là những loại bảo hiểm hết sức quan trọng đối với những ngư dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại, giảm bớt chi phí mỗi khi xảy ra các sự cố trên biển. Trong khi người dân chưa tự ý thức được tầm quan trọng của các loại bảo hiểm này thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân.

Các công ty hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm nghề cá cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ bằng tài chính, bằng việc đơn giản hóa thủ tục đền bù, giám định để giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận loại bảo hiểm quan trọng này, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn lên làm giàu bằng nghề cá và giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.


“Mở Đường” Cho Con Cá Tra “Mở Đường” Cho Con Cá Tra Chuyện Nuôi Thủy Sản Ở Bản Ven Biên Chuyện Nuôi Thủy Sản Ở Bản Ven Biên