Ngừa Sóc Cắn Phá Ca Cao Bằng Những Biện Pháp Đơn Giản Ở Bến Tre
Ngày đăng 01/06/2012
Nhiều năm gần đây, tình trạng sóc cắn phá trái cacao gây thiệt hại nặng nề cho hàng ngàn hộ nông dân trồng loại cây này trên khắp các địa phương trong tỉnh Bến Tre, đặc biệt là huyện Châu Thành. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, hạn chế sự phá hoại của loại gặm nhấm này vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân chính là không có phương thức nào thật sự hữu hiệu, trong khi những cách truyền thống như đặt bẫy, đánh bã, xua đuổi rất kém hiệu quả.
Theo nhiều nông dân trồng cacao trong tỉnh, thiệt hại do sóc cắn phá chỉ đứng thứ hai sau bệnh thối trái do nấm Phytopthosa gây ra. Việc các cơ sở thu mua chế biến hạt yêu cầu trái ca cao phải có độ chín từ 50% trở lên cũng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn hơn, bởi sóc tập trung cắn phá nhiều nhất từ khi trái cacao bắt đầu già và chuyển sang chín. Từ trước tới nay, nhiều hộ trồng cacao chủ động hái sớm để tránh tình trạng này.
Theo Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh, địa phương thực hiện tốt nhất việc ngăn ngừa sóc phá cacao là xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành. Tại xã Phú An Hòa, hàng chục nông dân đã tìm ra những cách hữu hiệu để bắt sóc. Cách làm của nông dân Phú An Hòa không có gì mới, nhưng chính kinh nghiệm và sự kiên nhẫn đã giúp họ thành công. Các chủ hộ này cho biết: để bắt sóc dễ dàng, đầu tiên là quan sát để nắm chắc đường đi của chúng. Loài này di chuyển nhiều vào lúc sáng sớm và chiều tối, điều đặc biệt là chúng đi và về trên cùng một đường. Người nông dân chỉ cần nắm chắc đường đi này là coi như thành công một nửa. Việc tiếp theo là đặt bẫy tại chính đường đi này. Cần chọn cành thẳng, chắc, cột bẫy chắc chắn vào cành. Mồi nhử có thể là mít, chuối hoặc dừa khô. Nông dân cũng cần hết sức kiên nhẫn bởi có thể phải chờ cả tháng trời sóc mới dính bẫy, nguyên do là loài này hết sức tinh ranh và nhanh nhạy, bất kỳ thay đổi nào trên đường đi của chúng cũng đều có thể khiến chúng thận trọng hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ngụ ấp Phú Ngãi chia sẻ, nhà ông có 7.000 m2 chuyên canh cacao, sản lượng năm vừa qua khoảng 10 tấn trái tươi. Theo quan sát của ông, sóc cắn phá nhiều nhất tại những khu vườn vắng người, rậm rạp và hoạt động nhiều nhất vào tháng 3 – 5 dương lịch hàng năm. Để hạn chế sự cắn phá của loài này, người trồng cacao có thể chọn hai cách. Đặt bẫy là cách rất hữu hiệu. Ngoại trừ những bí quyết trên đây, để chắc ăn hơn, tại các vị trí đặt bẫy, nông dân nên chừa trái cacao đã chín lại để dụ sóc tới hoặc chẻ dừa thành từng miếng bằng ngón tay cái để khắp vườn để sóc ăn tự do cho quen. Khi đặt bẫy cũng dùng miếng dừa giống như vậy để sóc khỏi đề phòng. Cách thứ hai là dùng thuốc chuột. Tuy nhiên, chỉ có thể nhét thuốc một cách khéo léo vào những trái ca cao đã bị cắn dở bởi sóc thường quay lại để tiếp tục cắn phá những trái này. Riêng việc tẩm thuốc vào các loại mồi khác thường rất ít hiệu quả.
Ông Trần Văn Nam, cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Phú An Hòa cho biết, việc hàng chục hộ dân trồng nhiều cacao bắt sóc hiệu quả khiến các vườn xung quanh hưởng lây bởi sóc di chuyển rất nhiều và cắn phá rất mạnh. Mỗi chú sóc có trọng lượng trên dưới 250 gram và có thể cắn phá hàng chục trái cacao mỗi ngày nên gây thiệt hại rất lớn cho nông dân nếu không có những cách ngăn ngừa hiệu quả.
Ông Đoàn Văn Hòa, chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, Hội đã mở nhiều lớp chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân và nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã đến học tập kinh nghiệm và triển khai việc bắt sóc. Nếu không có những biện pháp hiệu quả, sóc có thể cắn phá sạch vườn ca cao bởi chúng sinh sản rất nhanh và nông dân có thể mất kiên nhẫn với loại cây này trong khoảng chừng 2 – 3 năm nữa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ