Nuôi bò Người chăn nuôi cần làm gì trước nguy cơ dịch lở mồm long móng

Người chăn nuôi cần làm gì trước nguy cơ dịch lở mồm long móng

Tác giả KS.Lê Ngọc Thuận – Phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y, ngày đăng 09/05/2017

Người chăn nuôi cần làm gì trước nguy cơ dịch lở mồm long móng

Từ đầu năm 2013 đến nay, dịch lở mồm long móng đã xảy ra ở 45 xã thuộc 18 huyện của 9 tỉnh thành trong nước, làm nhiều gia súc mắc bệnh và tiêu hủy.  Hiện nay, dịch lở mồm long móng đã tái phát trở lại tại một số xã, huyện thuộc địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Trị và đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Trước tình hình trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 15/CĐ-BNN-TY ngày 24 tháng 10 năm 2013 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM gia súc.

Trong đợt dịch này đặc biệt đáng lo ngại là đã phát hiện gia súc bị bệnh lở mồm long móng typ A tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Trị và Quảng Nam và năm 2007 đã phát hiện vi rút lở mồm long móng typ Asia1 tại tỉnh Quảng Trị. Như vậy, hiện nay đã tìm thấy có 3 type vi rút lở mồm long móng đang lưu hành tại Việt Nam đó là: typ O, A, Asia1 trong đó typ O là typ gây bệnh chủ yếu, bao gồm typ O Panasia gây bệnh ở các tỉnh Nam bộ, typ O Myanmar 98 đang lưu hành ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên.

Tại Bến Tre trong 03 năm qua tuy không có ca bệnh xác định lở mồm long móng nhưng đứng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, bên cạnh đó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, mật độ chăn nuôi cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, các ổ dịch cũ đang là nguy cơ bùng phát dịch. Ngoài ra, từ nay đến tết Nguyên Đán việc vận chuyển gia súc tăng cao, trong khi đó Bến Tre có tuyến đường các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long vận chuyển gia súc về Thành phố Hồ Chí Minh đi ngang qua. Từ những yếu tố trên, Chi cục Thú y cảnh báo nguy cơ lây lan và phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất cao.

Trước nguy cơ dịch bệnh đe dọa để bảo vệ đàn gia súc, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần phải áp dụng ngay các biện pháp để phòng bệnh cho đàn gia súc:

1. Tiêm phòng ngay vắc xin Lở mồm long móng cho đàn heo, trâu bò, dê cừu. Hiện nay, Chi cục Thú y đang triển khai chương trình tiêm phòng miễn phí vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc của những hộ chăn nuôi qui mô gia đình có số lượng cụ thể như sau: dê sinh sản (dưới 100 con/hộ), dê nuôi thịt (dưới 200 con/hộ), trâu bò  sinh sản (dưới 10 con/hộ), trâu bò thịt (dưới 50 con/hộ). Do đó, đề nghị hộ chăn nuôi thuộc diện nêu trên liên hệ nhân viên Thú y xã để tiêm phòng miễn phí cho đàn gia súc của mình. Đối với hộ chăn nuôi không thuộc diện trên khuyến cáo mua vắc xin để tiêm phòng và chỉ sử dụng vắc xin lở mồm long móng đơn giá Typ O.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia súc như: có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng, đặc biệt vào những khi thời tiết bất lợi như nắng nóng kéo dài hoặc mưa nhiều, ẩm độ cao. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lưu hành.

3. Chủ nuôi hàng ngày phải theo dõi, giám sát đàn gia súc, khi thấy có dấu hiệu sốt, nổi mụn nước ở chân, miệng, lưỡi hoặc trâu bò chảy nước dãi, lở loét móng chân…phải báo cáo ngay với nhân viên Thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng dập tắt dịch tránh lây lan ra diện rộng. Tuyệt đối không được bán chạy gia súc mắc bệnh, không vứt xác gia súc bệnh, chết xuống kênh, rạch, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.

Thực hiện tốt các biện pháp trên là cách tốt nhất để phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc trong giai đoạn hiện nay.

Một số hình ảnh minh họa bệnh lở mồm long móng trên heo và trâu, bò:


Cách nhận biết và biện pháp phòng, chống Bệnh lở mồm long móng Cách nhận biết và biện pháp phòng, chống… Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…