Mô hình kinh tế Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề

Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề

Ngày đăng 29/06/2013

Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề

Giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người chăn nuôi hiện vẫn phải chịu lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ thịt.

Không thể bỏ chuồng trống, người chăn nuôi khu vực Đông Nam Bộ đang phải chật vật bám nghề.

Lợn, gà đều mất giá

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 27.6, giá lợn hơi tại khu vực Trảng Bom (Đồng Nai) ở mức 38.000 - 39.000 đồng/kg; giá thu mua tại những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, lợn không được đẹp thì chỉ ở mức 37.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất tại các trại ở mức 42.000 - 43.000 đồng/kg.

Bà Tô Thị Hà - chủ trang trại lợn tại ấp Đông Kim (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, để phục vụ đàn lợn gần 700 con (cả nái và thịt), trang trại của bà sử dụng gần 3 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi ngày. Tính chung cả tháng, bà Hà tốn khoảng 900 triệu đồng chi phí thức ăn chăn nuôi và khoảng 20 triệu đồng tiền kháng sinh phòng bệnh cho lợn định kỳ, chưa kể các chi phí khác như thuốc chữa bệnh, tiền điện, nước... Trong khi đó, mỗi tháng, bà Hà xuất chuồng được khoảng 200 lợn thịt. Với giá bán như hiện nay, bà chỉ thu về khoảng 800 triệu đồng.

Các hộ chăn nuôi gà tại các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang chật vật vì giá thấp. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, từ đầu năm đến nay, giá gà tiếp tục giảm mạnh. Cùng với đó, nhiều chi phí đầu vào tăng cao như giá thức ăn chăn nuôi, giá điện nước... khiến người chăn nuôi càng khó khăn hơn.

Hiện giá gà tam hoàng (gà lông màu) chỉ còn 38.000 - 40.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 12.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2.2012. Giá gà công nghiệp (gà lông trắng) hiện cũng đã giảm sâu xuống mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm gần 15.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2013. “Nuôi gà vất vả nhiều nhưng giá bán mỗi ký thịt chỉ bằng giá bầu bí, rau cải trong siêu thị, có khi còn thấp hơn thì nông dân chịu sao nổi!" - chủ một trại gà tại huyện Bến Cát (Bình Dương) so sánh.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, toàn vùng hiện còn tồn đọng gần 1 triệu con gà thịt. Số lợn tới lứa xuất chuồng nhưng chưa bán được do giá thấp cũng rất lớn. Trong khi đó, người chăn nuôi không thể bỏ chăn nuôi vì đó là kế sinh nhai của gia đình.

Chật vật bám nghề

Thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cũng cho biết, toàn vùng hiện có khoảng 15.000 trại gà có vốn đầu tư từ 2 tỷ đồng/trại trở lên, tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những trang trại nhỏ lẻ có vốn đầu tư dưới 2 tỷ đồng/trang trại. Người chăn nuôi do đó đang phải cố bám nghề...

Bà Đào Thị Hon, ngụ ấp Bình Lộc, xã Xuân Thiệu (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết, không còn vốn nên gia đình chỉ thả nuôi lợn cầm chừng, mỗi lần xuất bán được 20 con, lần nào cũng lỗ trên dưới 10 triệu đồng. Đến nay, tiền vay ngân hàng để xây chuồng vẫn còn nợ hơn 100 triệu đồng.

Cùng cảnh ngộ, bà Tô Thị Hà cũng cho biết, để giảm bớt chi phí đầu tư đang rất lớn mỗi ngày, bà đã phải mua nguyên liệu về tự trộn cám cho lợn ăn, năng suất lợn nái cũng như lợn thịt do đó đã giảm sút hơn trước. Bà Hà phải giảm đàn nái từ 130 con xuống còn 80 nái, đàn heo thịt từ 1.000 con nay chỉ còn nuôi hơn 600 con để giữ nghề. "Giờ có bán đất, bán nhà để trả tiền cám với tiền lãi ngân hàng hằng tháng thì cũng phải chấp nhận. Từng này tuổi rồi, bỏ chăn nuôi thì biết làm nghề nào khác để kiếm sống bây giờ" - bà Hà cười chua chát


Con Bò “Cứu” Cây Lúa Con Bò “Cứu” Cây Lúa Vải Thiều Trên Cao Nguyên Vải Thiều Trên Cao Nguyên