Tin nông nghiệp Người dân Gio Mỹ thu nhập cao từ cây mướp đắng

Người dân Gio Mỹ thu nhập cao từ cây mướp đắng

Tác giả Thục Quyên, ngày đăng 09/02/2017

Người dân Gio Mỹ thu nhập cao từ cây mướp đắng

Bên cạnh các loại cây rau màu truyền thống như lạc, dưa gang, khoai lang... những năm trở lại đây, người dân xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đã đưa cây mướp đắng vào trồng với diện tích khá lớn. Với những ưu điểm như dễ trồng, ít sâu bệnh, giá cả ổn định... cây mướp đắng đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Trong ảnh: Người dân thôn Lại An, xã Gio Mỹ, Gio Linh thu hoạch mướp đắng

Bà Nguyễn Thị Dỏ ở tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ có gần 2,5 sào trồng mướp đắng từ năm 2012 đến nay. Những năm trước bình quân mỗi sào trồng mướp đắng bà thu được gần 1 tấn quả, với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg thì mỗi sào mang lại cho bà thu nhập gần 15 triệu đồng. Vụ đông xuân 2016 - 2017, được sự hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện nên mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng cây mướp đắng vẫn phát triển tốt.

Theo bà Dỏ, mỗi vụ mướp đắng trồng trong thời gian từ 45 - 60 ngày thì bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 4 - 5 tháng. Ngay cả khi đã vào cuối vụ cây mướp đắng vẫn rất sai quả. Cứ 3 ngày bà thu hái 1 lần, mỗi lần từ 50 - 80 kg quả. Do chất lượng mướp đắng đã được thị trường ưa chuộng nên mấy năm trở lại đây thương lái về tận vườn để thu mua mướp đắng của người dân Gio Mỹ. “Năm nay do thời tiết không thuận lợi, trồng rau màu gặp nhiều khó khăn nên mướp đắng của tôi bán được giá hơn, bán tại vườn khoảng 35.000 đồng/kg, còn nếu chịu khó mang vào chợ Đông Hà thì được từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Với 2,5 sào mướp đắng này tôi dự kiến thu được gần 90 triệu đồng”, bà Dỏ cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng mướp đắng, bà Dỏ cho rằng trồng cây mướp đắng rất đơn giản. Lúc trồng chỉ cần đảm bảo đúng mật độ cây cách cây khoảng 0,8 - 1 m, làm giàn rộng từ 3 - 4 m. Giàn mướp nên làm cao từ 1,5 - 1,7 m tạo không gian thoáng đãng để cây có thể hấp thu ánh mặt trời. Về chăm sóc cho cây mướp đắng thì sử dụng phân hữu cơ sinh học kết hợp với phân chuồng hoai mục để bón lót. Ngoài ra cần thường xuyên cắt tỉa lá già, lá úa tạo ra sự thông thoáng cho giàn, hạn chế sâu bệnh gây hại. Đặc biệt vụ mướp đắng năm nay, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Trạm TT&BVTV huyện, người dân đang trồng mướp đắng theo mô hình an toàn. Theo đó trong quá trình trồng, người trồng tuân thủ hoàn toàn quy trình mà cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục thuốc được sử dụng trên cây rau, đảm bảo thời gian cách ly... Ông Nguyễn Văn Đắc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Lại An cho biết: Gio Mỹ là vùng đất cát, độ phì nhiêu thấp nên các loại cây trồng đều cho hiệu quả thấp. Tuy nhiên cây mướp đắng lại tỏ ra rất thích hợp với đất cát. Từ hiệu quả kinh tế của cây mướp đắng nên ban đầu chỉ vài hộ trồng, đến nay toàn xã Gio Mỹ đã phát triển được hơn 20 ha mướp đắng, tập trung chủ yếu ở thôn Lại An với gần 200 hộ tham gia trồng. Hàng năm bình quân mỗi sào mướp đắng cho thu nhập gần 15 triệu đồng. Nhờ có thu nhập từ mô hình trồng cây mướp đắng mà cuộc sống của nhiều gia đình xã viên trong HTX đã dần ổn định, một số gia đình đã thoát nghèo.

Theo ông Đắc, vụ mướp đắng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều nên cây mướp đắng phát triển chậm hơn. Tuy nhiên bù lại thì giá bán lại cao hơn do vậy dự kiến mỗi sào người trồng mướp đắng thu được hơn 20 triệu đồng, cao gấp từ 15 - 20 lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác. “Trong vụ hè thu tới chúng tôi dự kiến sẽ vận động bà con nông dân trồng khoảng 10 ha mướp đắng. Mặc dù trồng trái vụ thì sẽ tốn nhiều công chăm sóc hơn nhưng bù lại giá bán sẽ cao hơn, góp phần khai thác tốt vùng cát, tăng thu nhập cho nông dân”, ông Đắc cho biết thêm.


Hướng Hiệp phát triển cây tràm lai Hướng Hiệp phát triển cây tràm lai "Thâm canh rừng" - Hướng phát triển lâm…