Người dân Hà Tĩnh áp dụng nhiều giải pháp chăm sóc tôm nuôi mùa nắng nóng
Để hạn chế tác động tiêu cực, thời gian này, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang tích cực áp dụng các giải pháp chống nóng, quản lý, xử lý tốt môi trường ao nuôi cũng như cách chăm sóc trong từng điều kiện thời tiết cụ thể để đảm bảo sản xuất được an toàn.
Vụ tôm Xuân Hè năm 2022, Công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận đóng tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh thả nuôi hơn 03 ha tôm thương phẩm. Để tôm phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng gây ra, thời gian này, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của tôm cũng như sự biến động môi trường nhằm phát hiện những bất trắc có thể xảy ra để kịp thời điều chỉnh và xử lý.
Anh Lưu Văn Hùng - Cán bộ Quản lý vùng nuôi tôm thực nghiệm- Công ty CP Thủy sản Thông Thuận Hà Tĩnh cho hay: “Với tình hình thời tiết nắng nóng thường làm tôm giảm ăn và chậm phát triển. Vì thế, thời gian này, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp để chăm sóc tôm nuôi như: cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ; giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 10 - 15 ngày bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng một lần,; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày một lần để xử lý nước và đáy ao nuôi; định kỳ 2 tuần một lần rải vôi xung quanh bờ ao để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống, nhất là những ngày có mưa dông. Đặc biệt, mực nước ao nuôi luôn được đảm bảo từ 1,2-1,5 mét để giảm biến động nhiệt độ nước nhằm ổn định môi trường để
Đối với tôm nuôi, nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là từ 26-32 độ C, vì thế khi nhiệt độ trên 33 độ C sẽ khiến cho tôm dễ bị sốc môi trường, dẫn tới sức khỏe yếu, tạo cơ hội cho dịch bệnh lây nhiễm. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng khiến tôm hoạt động nhiều, tiêu tốn năng lượng dẫn tới tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường và thải ra chất thải nhiều hơn. Nắng nóng cũng khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao bị chết, môi trường trở nên phú dưỡng, giúp tảo phát triển mạnh, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thuận, hiện nay nhiều cơ sở nuôi tôm thâm canh tại Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, xây dựng bể nuôi có mai che, lắp đặt hệ thống bạt che nắng. Đây là những biện pháp để bảo vệ tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh đảm bảo cho sự phát triển bình thường của tôm ngay cả khi nắng nóng.
Anh Trần Văn Minh, chủ hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Mấy ngày gần đây, nhiệt độ ngoài trời từ 36 – 38oC kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng lên, tôm nuôi rất dễ mắc bệnh. Để chống nóng cho tôm, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao nuôi. Từ khi có nhà lưới, nhiệt độ trong ao nuôi đã giảm 7 – 8o C, đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt”.
Cũng theo anh Minh, từ kinh nghiệm cho thấy khi nhiệt độ tăng cao, kéo dài, tôm thường hay bị dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Bên cạnh sự bất thường của thời tiết thì trạng ô nhiễm môi trường, những bất cập trong hệ thống thoát thải cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên tôm.
Nắng nóng cũng khiến 10 hộ dân ở vùng nuôi tôm Hà Lầm (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long -Thạch Hà) hết sức lo lắng. Vì thế, các hộ nuôi phải thường xuyên ra đầm kiểm tra, theo dõi và sử dụng các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trung Hoa – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm cho biết nâng cao mực nước cho ao nuôi, sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào ban đêm từ 22h đêm đến 4h sáng... là những biện pháp mà các hộ dân ở đây áp dụng nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.
Tăng cường quạt nước cho ao nuôi tôm trong mùa nắng nóng
Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 2.000/2.750 ha diện tích nuôi tôm xuống giống. So với lịch thời vụ, vụ tôm đầu năm nay chậm hơn một tháng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu ra gặp khó nên người dân thận trọng trong việc đầu tư thả nuôi.
Trước nhận định năm nay có thể xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó, đơn vị chuyên môn đã tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường để đưa ra các cảnh báo kịp thời nhằm ứng phó hiệu quả.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các loại thủy sản trước những tác động tiêu cực của thời tiết là hết sức cần thiết, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ