Người dân Kiên Giang bất lực nhìn chuột hoành hành
Hiện nay, hàng trăm ha lúa hè thu ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang bị chuột cắn phá dữ dội làm sản lượng lúa bị thất thoát nghiêm trọng. Ruộng đồng vừa trải qua đợt hạn mặn, diện tích lúa bị thiệt hại chưa kịp hồi phục thì nay đến nạn chuột hoành hành, làm cho cuộc sống của nhiều nông dân đã khó lại càng khó khăn hơn.
Anh Lê Hoàng Phương, ở xã Vĩnh Điều dẫn chúng tôi ra cánh đồng hơn 11ha của gia đình đang bị chuột cắn phá gần hết. Anh Phương cho biết, đã dùng nhiều cách để diệt chuột nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng anh đành phải bỏ đất, mặc cho lũ chuột cắn phá, ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Ở xã Tân Khánh Hòa có bà Phạm Hòa Bình, gia đình có 2ha lúa bị mất trắng hoàn toàn do chuột cắn phá. Bà Phạm Hòa Bình nói: “Tôi có 2ha lúa tới 35 ngày tuổi bị chuột ăn hết 90%. Tôi đầu tư vào đó 30 triệu đồng, giờ bị thất trắng rồi, chồng tôi phải đi làm thuê kiếm tiền. Nhờ chính quyền các cấp có hỗ trợ cho dân chúng tôi”.
Vụ lúa hè thu sớm năm nay, bà con nông dân huyện Giang Thành gieo sạ gần 16.000 héc ta. Đến giai đoạn lúa trổ đã bị chuột cắn phá dữ dội, diện tích thiệt hại khoảng 500 ha.
Trước nạn chuột cắn phá, nhiều người dân vì xót của nên đã dùng bẫy điện để diệt chuột. Việc làm này đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. Cụ thể, ngày 21/6 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Phong, 32 tuổi ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú ra đồng thăm bẫy điện diệt chuột, không may anh bị trượt chân chạm vào dây điện, dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ, cha anh Phong đau buồn nói: “Nếu làm lúa mà không diệt chuột thì không có để ăn được nên bắt buộc phải dùng điện diệt chuột. Cũng vì vậy nên cho con tôi chết nhưng hiện giờ lúa như thế, chuột vẫn vào cắn phá”.
Ông Nguyễn Thành Được, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành cho biết, năm nay diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều là do nông dân không tuân thủ theo lịch thời vụ, gieo sạ không đồng loạt, dẫn đến thu hoạch lúa rải rác, tạo điều kiện để chuột có nơi trú ẩn, sinh sản và cắn phá diện tích lúa gieo sạ và thu hoạch. Ngành đã khuyến cáo nông dân cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, sử dụng nhiều biện pháp thủ công để diệt chuột; tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột.
Ông Nguyễn Thành Được khuyến cáo bà con nông dân không sử dụng biện pháp dùng điện để diệt chuột, có thể sử dụng các phương pháp khác như đặt rập, thuốc hoá học, đuổi lon để diệt chuột, hạn chế thiệt hại đến tính mạng của bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ