Tin nông nghiệp Người đàn ông tự nhận ít chữ và bí quyết ép cây đẻ quả trái vụ

Người đàn ông tự nhận ít chữ và bí quyết ép cây đẻ quả trái vụ

Tác giả Đắc Thành, ngày đăng 17/02/2016

Người đàn ông tự nhận ít chữ và bí quyết ép cây đẻ quả trái vụ

Đó là lời của ông Trần Văn Chung (SN 1954, ở thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chủ trang trại 4.000 cây xoài Tứ Quý, 300 cây bưởi da xanh, 100 gốc chanh và hàng chục gốc chôm chôm.

Vườn nam bộ trên đất Quảng

Đến thị trấn Núi Thành, tôi hỏi về thôn Tú Mỹ nhiều người còn chưa rõ.

Nhưng xướng tên ông Trần Văn Chung trồng xoài thì họ bảo rằng, tưởng ai, chứ ông ấy thì quá dễ.

Từ đây, chạy theo đường 617, đến đoạn Km 13, nhìn về phía tay trái.

Nơi đó giống như miệt vườn Nam bộ.

Quả đúng như người chỉ đường, nhìn xuống là một khuôn viên bạt ngàn cây ăn quả.

Bước vào nhà, vợ ông Chung đón tiếp, chúng tôi ngỏ ý muốn gặp ông chủ thì bà bảo: "Để tôi đi gọi, chắc ông lại ra vườn rồi".

Sau chừng 20 phút, hai vợ chồng ông về.

Ông bảo tôi chờ lát, rồi chạy ra vườn hái những đọt chè xanh mới nhú lên pha nước uống.

Ông hỏi: "Các chú là sinh viên thực tập về tìm hiểu kỹ thuật tôi trồng xoài à!".

Tôi đáp: "Không phải, chúng tôi đến tìm hiểu những kỹ thuật của bác để chuyển đến độc giả".

“Chú thông cảm, trang trại này tôi tiếp đón khách thường xuyên.

Từ các nhà nghiên cứu, sinh viên thực tập… nên tôi đoán vậy”, ông nói.

Giữa núi rừng, ngôi nhà ông lẻ loi, rất tĩnh mịch.

Tôi mạo muội nhận xét.

Vừa dứt lời, ông Chung đáp ngay: “Chú nói không đúng, tôi ở đây vui lắm, có đến hàng ngàn người bạn thân thiết của mình.

Chỉ bước ra khỏi nhà mấy bước nào là xoài, bưởi, chanh đầy vườn.

Mỗi lúc tôi có công việc ra khỏi nhà, tôi lại nhớ nó vô cùng”.

 

Uống chén nước, ông Chung kể: "Nếu tôi ham học thì nay làm cán bộ to rồi, nhưng cái chữ không ưa tôi thì phải! Do đó tôi mới quay về quê hương lập nghiệp".

"Cây ăn quả của tôi đang bị bệnh ruồi vàng chích quả rất nhiều, khiến xoài, bưởi da xanh rụng vô kể, gây thất thoát rất lớn.

Tôi đã sử dụng rất nhiều loài thuốc sinh học phòng trừ nhưng không đem lại kết quả.

Sản xuất VietGAP nên phải tìm ra loại thuốc đặc trị đúng tiêu chuẩn, tôi mong muốn các nhà nghiên cứu có được loại thuốc sinh học giúp bà con nông dân như tôi điều trị được bệnh trên xoài." - Ông Trần Văn Chung.

Theo lời ông Chung, trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, gia đình ông có truyền thống cách mạng nên chế độ Mỹ Ngụy không cho đi học.

Đến năm 1972, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, được đào tạo làm lính đặc công.

Đến năm 1974, cả ba anh em đều tham gia quân ngũ.

Nhưng quan niệm của cha mẹ, nếu ba người không may hi sinh thì không có người nối dõi.

Sau đó họ xin cho ông Chung được chuyển ngành.

Trong năm ấy, được điều chuyển công tác về Ủy ban Kiểm tra Đảng của Tỉnh ủy Quảng Đà, ông Chung đi học bổ túc văn hóa...

Chiến tranh kết thúc, ông xung phong tham gia công tác phong trào, được điều động làm kinh tế ở các huyện miền núi.

Đến năm 1981 xin nghỉ chế độ một lần.

Tại đây, ông và bà Nguyễn Thị Ngọc nên duyên vợ chồng.

Ông tiếp tục tham gia làm cán bộ tại xã, nhưng thời bao cấp, tiền nong đều hưởng theo kiểu trợ cấp.

Trong khi cả gia đình có 4 miệng ăn, những khoản đó không đủ trang trải cuộc sống.

Năm 1992, cha mẹ ông xây dựng cho vợ chồng căn nhà, ông bàn với vợ, để con cái có miếng ăn, mình lên rừng lập nghiệp.

Lời nói của ông được vợ đồng ý liền.

Ông bán căn nhà và nương vườn được 2,5 chỉ vàng, lên vùng đất dưới núi Nọ Đình (nay là trang trại) mua lại đất của một hộ dân hết 1,5 chỉ vàng.

Tài sản của gia đình còn 1 chỉ vàng, để có túp lều ở và mua sắm vật dụng, ông tiếp tục bán số vàng còn lại.

Các khoản này hết 1 phân vàng, còn lại 9 phân ông dùng mua cây giống bạch đàn, keo để trồng.

Còn lại bao nhiêu diện tích, hằng ngày hai vợ chồng ra sức cải tạo để trồng sắn, mía kiếm thu nhập.

Đến năm 2003, ông có dịp vào huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thăm một người bạn.

Một vùng đất hoa trái đầy vườn, chủ những vườn cây thu lợi nhuận rất lớn.

Sau nhiều ngày ở đây, ông nảy sinh ý định đem những giống cây này về quê.

Thế nhưng kiến thức không có đã đành, nguồn vốn lại ít ỏi, ông phải tự bảo mình, có làm liều, có ý chí thì ắt sẽ thành công.

Ông bám trụ tại nhà người bạn một thời gian học hỏi, sau khi có chút kinh nghiệm, về quê vay mượn tiền của người thân.

Ông mua 3.000 cây xoài ghép Tứ Quý về trồng (35.000 đồng/cây).

Từng hố đất được đào xuống để thả cây giống.

Thấy việc ông làm, người dân bàn tán xì xào, cho ông bị khùng.

Bởi cây trái Nam bộ khó thích nghi với khí hậu miền Trung, trồng lên không cho quả.

Ông bỏ mọi chuyện ngoài tai, cây trồng lên đến mùa khô hạn thiếu nước, ông mua ống dẫn nước từ trên núi về tưới.

Sau 4 năm, những cây xoài bắt đầu cho thu hoạch.

Bình quân mỗi cây thu 30 kg, với giá bán 10.000 đ/kg, mỗi vụ ông thu khoản tiền không nhỏ.

Có chút vốn, trong khi diện tích đang còn nhiều, ông nhập giống bưởi da xanh, chanh ở Nam bộ về trồng tiếp.

Đến nay trang trại ông có diện tích hơn 15 ha tương đối bằng phẳng.

Trong đó có 8 ha xoài, 1 ha chanh, 1 ha bưởi da xanh… Ngoài ra còn có diện tích lớn để trồng keo.

Riêng cây ăn quả, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng, còn cây keo, sau chu kỳ 5 - 7 năm cho thu gần chục tỷ đồng.

“Trả" xoài cho miền Nam

Dẫn chúng tôi tham qua trang trại, từng gốc xoài nối đuôi nhau trải dài theo triền dốc, ông Chung bày tỏ: “Giờ trang trại của tôi đừng nói những đại gia muốn sở hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng có ý định mua.

Nếu bán, trị giá trên 10 tỷ đồng, nhưng tôi không gật đầu.

Trang trại này cho tôi thu nhập, nó nuôi các con tôi ăn học.

Trong tương lai, tôi còn nhiều dự định để buộc chúng “đẻ tiền” cho hai vợ chồng nhiều hơn”.

Ông nói tiếp: “Ngày trước đặt chân đến đây là một vùng đất hoang vu, địa hình nhấp nhô, đá nhiều hơn đất.

Sống cô độc trong núi, hằng ngày vợ đào, chồng vác đá, gần mấy chục năm trời mới ra được khu đất bằng phẳng như ri.

Có những lúc cũng định buông xuôi, nhưng mình bỏ vùng đất này thì lấy đâu ra tiền nuôi gia đình.

Thực sự hai vợ chồng tôi có ý chí, nay mới có cơ ngơi này”.

Theo ông Chung, gần 4.000 gốc xoài của ông ra hoa từ tháng 3 âm lịch và cho thu hoạch vào tháng 7.

Tất cả sản lượng thu được đều đưa vào TP Hồ Chí Minh, giá bán 20.000 - 25.000 đ/kg.

Tôi hỏi, miền Nam là xứ của xoài, sao lại đưa vào đó làm gì? Ông cười, đó mới là điều nghịch lý, nhưng ông đã tính toán rất kỹ càng.

Mỗi vụ thu gần 100 tấn xoài, loại giống này quả to trên 1 kg, người miền Trung không ưa.

Trong khi đó, vụ xoài ở Nam bộ tháng 6 âm lịch đã kết thúc, còn tôi tháng 7 mới thu hoạch.

Như vậy lúc đó ở miền Nam không còn xoài để bán.

Tôi hỏi tiếp, nhưng cây trái ở miền Trung ra hoa vào tháng Giêng, sao xoài của ông lại đến tháng 3? Ông chia sẻ, cuối năm ông cắt tỉa ngọn để cho cây ngủ đông, đầu năm đổ thuốc xuống gốc kích thích cây không cho ra hoa.

Đến chừng tháng 3, lúc này đổ thuốc kích thích cây ra hoa.

Cách làm này đã ép được cây xoài ra hoa đúng ý muốn của người trồng.

Ngoài cây xoài, ông đã áp dụng thành công đối với bưởi da xanh, cây chanh ra quả theo ý muốn.

Các sản phẩm ông làm ra đều bán trái vụ nên giá cao.

Có một điều đặc biệt, cây xoài thân cao lớn, nhưng hơn 4.000 gốc xoài của ông cây cao nhất chỉ 3,5m.

Ông Chung bộc bạch, đó cũng là một đặc điểm để cây xoài bám trụ được ở vùng đất khắc nghiệt này.

Quảng Nam thường xuyên có gió bão, nếu cây vươn cao thì bị ngã đổ, quả sẽ rụng hết.

Do đó, phải hạn chế chiều cao của cây, phần nữa đến kỳ thu hoạch rất thuận lợi.

Hiện trang trại của ông Chung được cấp chứng chỉ VietGAP nên thị trường rất ưa chuộng.

Mới đây có công ty đặt vấn đề thu mua tất cả sản lượng xoài hằng năm của trang trại để xuất khẩu.

Nếu sự liên kết thành công thì chắc sẽ đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.


Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh Thuận Hái lộc đầu năm cùng diêm dân Ninh… Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng vào dịp Tết Nông dân Ninh Thuận nhộn nhịp ra đồng…