Cây cao su Người dân trồng cao su cần theo quy hoạch và khuyến cáo

Người dân trồng cao su cần theo quy hoạch và khuyến cáo

Tác giả PV, ngày đăng 30/09/2016

Người dân trồng cao su cần theo quy hoạch và khuyến cáo

Bỏ qua khuyến cáo của nhà khoa học

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp, từ năm 2009 đến 2013, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp (DN), các hộ gia đình trên địa bàn huyện ồ ạt trồng mới trên 2.925 ha cao su, tập trung ở các xã Cư M’Lan, Ea Bung, Ia T’mốt, trong đó diện tích cao su do các hộ gia đình tự trồng là 1.721 ha.

Đối với diện tích thuộc các dự án do các DN trồng đều được chuyển đổi từ diện tích rừng khộp, đất lâm nghiệp; còn với 1.721 ha diện tích cao su tiểu điền là do người dân tự chuyển đổi diện tích đất nương rẫy trước đây trồng ngô, đậu đỗ các loại hoặc các cây trồng ngắn ngày không hiệu quả…

Theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp huyện qua các năm theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cao su, khả năng thích nghi của cây đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn ở mức hạn chế, tỷ lệ cây chết trên đơn vị diện tích cao, chi phí đầu tư cao hơn so với các nơi khác.

Các hộ gia đình cũng như các DN có vườn cây cao su ở Ea Súp cho biết, cây cao su được trồng trên đất rừng khộp sinh trưởng ở mức trung bình, chưa phát hiện sâu bệnh cũng như các hiện tượng bất thường khác, một số vườn cây trồng trên tầng đất hữu ích dày, thoát nước tốt, được chăm sóc đúng quy trình thì phát triển tương đối tốt, với chiều cao cây 3- 4,5 m, đường kính gốc đạt 9-15 cm.

Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng, sản lượng mủ đối với những diện tích cao su trồng thử nghiệm ở huyện Ea Súp cho thấy, sản lượng đạt mức trung bình với 0,1 kg/1 cây. Tuy nhiên, có nhiều vùng trồng trên diện tích bị úng nước nên bị vàng lá, sinh trưởng kém hoặc chết.

Khuyến cáo của các nhà khoa học tại các hội thảo về chuyển đổi đất rừng khộp sang trồng cao su cho biết, đất rừng khộp ở huyện Ea Súp chủ yếu là đất xám bạc màu, đất cát pha, tầng đất mỏng, thời tiết lại rất khắc nghiệt, mùa khô thì khô hạn, nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi lớn; mùa mưa thường bị ngập úng, ít thích nghi với các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su. Việc bỏ qua sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường…

Cái giá phải trả

Theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện Ea Súp, tính đến cuối năm 2015 toàn huyện có hơn 1.700 ha cao su do người dân trồng tự phát, sau một thời gian dài đầu tư, tốn biết bao công sức, tiền của, cao su bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch thì cũng là lúc mủ cao su rớt giá thê thảm, nhiều hộ dở khóc, dở cười. Bởi cây cao su bắt đầu vào thời kỳ kinh doanh cho mủ mà không dám cạo, vì thu chẳng đủ bù chi. Nhiều hộ đang cạo dở thì bỏ mặc vì giá mủ tươi hiện tại chỉ còn 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, thu không đủ để trả tiền công nhân.

Ông Nguyễn Hữu Du, một hộ dân ở thị trấn Ea Súp trồng hơn 5ha cao su cho biết: “Trước đây, 1kg mủ cao su mấy chục ngàn, nhưng năm ngoài thì giá mủ xuống còn 6 ngàn đồng, năm nay giá mủ tăng lên cũng dừng lại ở 11 ngàn đồng/kg. Nhưng giá 11 ngàn đồng/kg để chi phí cho công nhân cạo, đầu tư phân bón chăm sóc vườn cây thì số tiền còn lại cũng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình chứ không có dư giả”.

Không chỉ lao đao với giá mủ xuống quá thấp, nhiều hộ dân còn gánh cả nợ nần bởi chạy theo phong trào đổ xô đi trồng cao su không theo quy hoạch và khuyến cáo, nên chỉ sau một thời gian ngắn số diện tích cao su trồng trên địa bàn huyện Ea Súp không thích ứng với thổ nhưỡng, phát triển còi cọc hoặc chết khô hàng loạt. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 300 ha cao su bị chết và có khoảng 100 ha cao su đã bị các hộ dân chặt bỏ để trồng các loại cây trồng khác.


Một số kỹ thuật chăm sóc và khai thác cao su tiểu điền có hiệu quả Một số kỹ thuật chăm sóc và khai… Cách Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao Su Cách Phòng Trừ Bệnh Hại Trên Cây Cao…