Người dân ven biển thu nhập khá nhờ chăn nuôi
Đây đều là những mô hình chăn nuôi ít vốn, nhanh thu hoạch, lại tận dụng được các phế phẩm của vật nuôi.
Chim cút thích hợp khí hậu ven biển
Anh Nguyễn Văn Lại ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) cho hay, ở vùng ven biển này, nhà nào có điều kiện thì đóng tàu ra khơi, hay mua đất ở miền Tây Nguyên trồng cà phê, cây ăn trái.
Đối với gia đình anh Lại, không có nhiều đất đai chỉ biết “bám” vào xe hủ tiếu.
Tình cờ gặp “vua chim cút” ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), anh Lại được giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim cút.
Nhận thấy nuôi chim cút vốn đầu tư ít, quy mô chăn nuôi nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, nên cách đây bốn năm, anh Lại quyết định nuôi chim cút.
Và đây là hộ nuôi chim cút đầu tiên ở xã Bình Châu.
Chim cút là một trong những vật nuôi phù hợp với khí hậu vùng ven biển, vốn đầu tư ít, nhanh thu hoạch.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc chim cút có phù hợp với khí hậu ven biển có hơi sương muối không, thì anh Lại chia sẻ liền: “Chim cút là loài vật phù hợp với khí hậu có nhiều hơi nước giúp làm mát môi trường chuồng nuôi, nên chim cút phát triển khỏe mạnh hơn”.
Nuôi chim cút quan trọng là giữ vệ sinh chuồng trại, cứ hai ngày là dọn phân và chú ý phòng bệnh cho chim.
Nhờ vậy, 4 năm qua, dù quy mô chuồng trại không lớn như các trại chim cút ở các huyện khác, lúc nhiều nhất trong chuồng có 4.000 con chim cút, bù lại chế độ chăm sóc cút kỹ lưỡng, gia đình anh Lại vẫn có thu nhập ổn định.
“Trung bình nuôi 1.000 chim cút thì lãi 100.000 đồng/ngày.
Ngoài thu hoạch chim cút thịt, trứng chim cút, bán cút giống thì ngay cả các phế phẩm của chim cút cũng có giá trị.
Như phân chim cút bán làm phân bón cho các hộ trồng rau, cây ăn trái với giá 50.000 đồng/bao, hay lông chim cút phơi khô có giá 6.000 đồng/kg.
Những năm qua, nhờ vào nuôi chim cút vừa tạo việc làm cho lao động trong nhà lại giúp có thu nhập ổn định”, anh Lại cho hay.
Nuôi trùn quế - lợi cả đôi đường
Năm 2005, lúc nhiều người chưa biết đến hiệu quả kinh tế của con trùn quế thì ông Kiều Đức Bình ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) đã đầu tư chuồng trại nuôi trùn quế.
Trong một lần đến huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), ông Bình biết đến mô hình nuôi trùn quế.
Sau khi tìm hiểu, ông Bình biết kỹ thuật nuôi trùn quế đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu ít, chỉ thời gian ngắn sau là người nuôi tự tạo được nguồn con giống.
Nhất là việc nuôi trùn quế chỉ cần diện tích nhỏ có che bóng mát, nguồn thức ăn cho trùn quế chủ yếu là phân bò dễ tìm ở địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển.
Chỉ với chuồng nuôi trùn quế rộng 50m2, ngoài việc thu lãi từ bán trùn quế cho các hộ gia đình nuôi gia cầm, bán sinh khối trùn quế làm trùn giống và phân bón cho cây trồng, còn giúp ông Bình tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn rất lớn cho đàn ba ba.
Ông Bình cho hay, từ việc nuôi trùn quế khiến ông nghĩ đến thêm một đối tượng nuôi khác để tận dụng trùn quế làm thức ăn.
“Bất cứ vật nuôi nào thì tiền mua thức ăn cũng là “gánh nặng” nhất cho người chăn nuôi.
Trong khi chuồng trại nuôi trùn quế đã ổn định, trùn quế là con vật tự sinh sản rất nhanh, là nguồn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nên tôi đầu tư vào nuôi ba ba.
Vừa xoay vòng lấy trùn quế làm thức ăn cho ba ba, vừa tận dụng bèo lục bình sinh sôi trên mặt hồ nuôi ba ba, vớt ra phơi khô trộn với phân bò làm thức ăn cho trùn quế, lợi cả đôi đường!”, ông Bình nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ