Tin nông nghiệp Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò

Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò

Tác giả Quang Cường, ngày đăng 26/09/2018

Người dân vùng cao Na Hang thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò

Với thuận lợi về điều kiện tự nhiên cùng kinh nghiệm lâu năm, người dân vùng cao Na Hang, Tuyên Quang không chỉ thoát nghèo từ nuôi trâu mà còn góp phần gây dựng thương hiệu cho đàn trâu nơi đây.

Mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng được bà con áp dụng tại Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Nghề nuôi trâu đã có hàng chục năm nay ở huyện vùng cao Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, những xã có đàn trâu, bò lớn với chất lượng tốt phải kể đến Sinh Long, Đà Vị, Thượng Lâm…

Chúng tôi đến xã Sinh Long, xã có đàn trâu, bò chất lượng tốt nhất của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây từng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện miền núi Na Hang với trên 90% số dân là đồng bào Mông, Dao, ít đất canh tác, diện tích chủ yếu là đồi núi. Biến khó khăn về địa hình thành ưu thế, nhiều năm qua, bà con ở Sinh Long chú trọng chăn nuôi đàn gia súc để từng bước vươn lên. 

Gia đình ông Lầu Văn Nó, dân tộc Mông thôn Phiêng Ten, xã Sinh Long đã có trên 20 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, bò. Theo ông Nó, trước đây, bà con chăm nuôi trâu, bò theo cách truyền thống là chăn thả. Nguồn thức ăn ít, chủ yếu là cỏ dại và lá rừng. Do vậy, trâu bò còi cọc, cho giống yếu. Chưa kể đến dịch bệnh và thời tiết miền núi khắc nghiệt, sức khỏe trâu, bò thường xuyên bị ảnh hưởng. Sau khi chuyển đổi cách chăn nuôi kết hợp nuôi nhốt chuồng, chất lượng đàn trâu, bò thay đổi rõ rệt. 

Ông Nó cho biết, nuôi nhốt chuồng trâu, bò nhanh béo, cho giống tốt và hạn chế được tối đa các đợt dịch bệnh. Hiện nay, đàn trâu bò của gia đình ông luôn duy trì từ 14 - 17 con; trong đó, có một con bò lai Sind nặng gần 7 tạ được định giá khoảng gần 100 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình ông bán ra thị trường 15 - 20 con trâu, bò giống, thu về trên 200 triệu đồng. 

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi trâu, bò, ông Nó cho biết, chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò là một trong những việc hết sức cần thiết với cách chăn nuôi kết hợp chăn thả và nhốt chuồng. Với gia đình ông, cỏ voi và cây ngô là hai loại thức ăn chủ yếu cho trâu, bò. Đây là những nguyên liệu rất dễ trồng, lại nhiều chất dinh dưỡng. 

Gia đình ông Lầu Văn Vàng, thôn Phiêng Ten cũng là một trong những người có tiếng về nghề nuôi trâu, bò ở Sinh Long. Trong Hội thi trâu khỏe, trâu đẹp huyện Na Hang được tổ chức đầu Xuân 2017, con trâu của gia đình ông đã giành giải nhất. 

Hơn 30 năm gắn bó nghề nuôi trâu, bò, từ 1 - 2 con ngày mới nuôi, hiện giờ, đàn trâu, bò của gia đình ông Vàng lên đến 16 con. Lúc cao điểm gia đình có gần 30 con trâu, bò. Tổng giá trị tài sản đàn trâu, bò của gia đình khoảng 400 triệu đồng. Mỗi năm, thu nhập từ bán con giống cũng mang về gần 200 triệu đồng. 

Ông Vàng chia sẻ, muốn nuôi trâu khỏe, trâu tốt, phải không cho cày kéo sớm. Thời điểm tốt nhất là sau 3 năm tuổi trở lên, khi ấy, trâu, bò đã được chăm sóc kỹ, vừa có sức khỏe, vừa có đề kháng tốt. Kết hợp giữa chăn thả với nhốt chuồng để điều chỉnh được nguồn thức ăn, tránh dịch bệnh, nắm bắt được tình hình sức khỏe cho trâu, bò. Chủ động nguồn giống tốt để phối khi trâu, bò đến kỳ sinh sản, tránh việc lai giống cận huyết sinh ra những con nghé yếu, nhẹ cân, sức sống không cao. 

Năm 2012, gia đình anh Sùng Văn Bình, thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long mua từ nhà ông Lầu Văn Vàng một cặp trâu giống. Anh Sùng Văn Bình cho biết, trước đây, gia đình anh thường mua trâu giống ở Cao Bằng, Hà Giang hiệu quả không cao. Đến khi thay đàn, anh chọn mua con giống ngay tại Sinh Long. Đàn trâu của gia đình anh rất khỏe mạnh, béo tốt, đã cho hai nghé và có thể phục vụ sản xuất. 

Mặc dù không phải là địa phương có số lượng trâu, bò nhiều nhất, nhưng nhờ chăm sóc tốt, trâu, bò ở xã Sinh Long luôn có chất lượng tốt nhất huyện Na Hang. Ông Sùng Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết, hiện nay, đàn trâu, bò của xã có trên 200 con. Xã đang tổ chức tập huấn và tận dụng các nguồn vốn để cải tạo đàn trâu, bò với phương châm chú trọng nâng cao chất lượng chứ không tăng đàn ồ ạt. 

Bà Trần Thị Mến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, nhiều năm trở lại đây, Sinh Long là địa phương đứng đầu toàn huyện về chất lượng trâu, bò. Để đàn trâu ở Sinh Long phát triển ổn định và trở thành nguồn thu nhập chính cho bà con, Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường truyên truyền các nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đối với con trâu trên địa bàn huyện nói chung và xã Sinh Long nói riêng. 

Đồng thời, tuyên truyền đến bà con các chương trình vay vốn, mở các lớp tập huấn về chăn nuôi theo những tiêu chuẩn mới. Từ đó, góp phần duy trì và phát triển hơn nữa chất lượng đàn trâu ở Sinh Long nói riêng và toàn huyện Na Hang nói chung 

Những đàn trâu, bò khỏe mạnh đã giúp đồng bào dân tộc Mông, Dao…ở xã miền núi Sinh Long, Na Hang, Tuyên Quang đẩy lùi được đói nghèo góp phần xây dựng bản làng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Lão nông hơn 10 năm trồng măng cụt không dùng thuốc trừ sâu Lão nông hơn 10 năm trồng măng cụt… Khởi nghiệp và thành công từ hoa lan Khởi nghiệp và thành công từ hoa lan