Người Dao đỏ mê trồng quế hữu cơ
Xây dựng thương hiệu quế hữu cơ
Chúng tôi gặp chị Lý Thị Chạn ở thôn Tống Hạ (xã Nậm Đét) tại rừng quế hữu cơ của gia đình chị, khi chị và các thành viên trong nhóm đang tất bật thu tỉa quế. Vừa làm chị Chạn vui vẻ nói: “Trồng quế hữu cơ khác với cách làm truyền thống là không dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Cỏ mọc trong rừng quế nhiều, các thành viên trong nhóm đều bảo nhau phát nương làm cỏ để bảo vệ hệ sinh thái trong rừng, chứ tuyệt đối không đốt hay phun thuốc diệt cỏ. Còn khi khai thác, thay vì phơi vỏ quế thành phẩm trực tiếp trên nền đất ẩm thấp như trước thì chúng tôi đã biết phơi trên bạt khô ráo, sạch sẽ”.
Nghề trồng quế đã có ở xã Nậm Đét từ hơn 40 năm nay, người đi trước truyền nghề cho người đi sau. Thay vì mạnh ai nấy làm như trước đây thì từ tháng 9.2014, bà con được tổ chức thành nhóm sở thích trồng quế hữu cơ. Mọi quy trình từ trồng, khai thác đến chế biến quế đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo chuẩn hữu cơ quốc tế.
Hiện chị Chạn đang trồng 6 ha quế hữu cơ. Chị cho hay, chu kỳ khai thác trắng của quế từ 13 – 15 năm, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ năm thứ 5, bà con có thể thu tỉa cây, cành, lá bán dần. Hiện, mỗi năm chị Chạn thu tỉa quế bán được 30 – 40 triệu đồng/năm.
Nhờ có thu nhập ổn định từ quế, gia đình chị Chạn đã có tiền cho con cái ăn học đàng hoàng, mua sắm đồ đạc trong nhà. “Làm quế hữu cơ tuy vất vả và cầu kỳ hơn nhưng vỏ, cành và lá thu được từ quế đã có Công ty cổ phần Techvina cam kết bao tiêu sản phẩm, vì thế chúng tôi rất yên tâm và phấn khởi” - chị Chạn chia sẻ.
Trong ngôi nhà mới xây khang trang đẹp đẽ, ông Triệu Kim Hín – Trưởng thôn Tống Hạ không giấu được niềm vui: “100% hộ dân thôn Tống Hạ đều là người Dao đỏ. Những năm gần đây, giá quế ổn định, bà con trong thôn có thu nhập khá cao từ cây quế. Nhiều hộ đã xây được nhà đẹp, mua được xe máy xịn, không còn cảnh đứt bữa như trước đây. Tôi có hơn nửa tỷ đồng để xây căn nhà này cũng từ tiền trồng quế mà ra”.
Liên kết bền vững
Ông Bàn A San – Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết, Nậm Đét là xã miền núi khó khăn. Tổng diện tích rừng quế của xã là hơn 1.300ha, trong đó diện tích trồng mới năm 2016 là 60,5ha. 6 tháng đầu năm 2016, nhân dân đã thu hoạch bán vỏ quế khô, gỗ quế, cành lá bán tinh dầu trị giá trên 9 tỷ đồng. Trong đó, vỏ quế khô chiếm giá trị kinh tế cao nhất với tổng thu gần 7 tỷ đồng.
Với hiệu quả mà cây quế đem lại cho bà con, xã Nậm Đét coi cây quế là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo. Để cây quế mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, UBND xã đã liên kết Công ty cổ phần Techvina thành lập 5 nhóm sở thích với hơn 200 hộ dân người Dao đỏ tham gia dự án trồng quế hữu cơ, với diện tích hơn 400ha.
Ông Lâm Ngọc Bính – Giám đốc Công ty cổ phần Techvina Chi nhánh Lào Cai cho biết: Hiện công ty đang hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận “Quế hữu cơ quốc tế” cho các nhóm sở thích nông dân trồng quế ở Nậm Đét. Đây được xem như “giấy thông hành” để sản phẩm quế của Nậm Đét đi vào thị trường Mỹ và các nước EU. Hiện, mỗi năm công ty thu mua từ 5.000 - 7.000 tấn cành, lá quế của bà con trên địa bàn tỉnh Lào Cai để chế biến tinh dầu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này mới đáp ứng được khoảng 60% công suất hoạt động của dây chuyền. Thời gian tới khi có nguồn nguyên liệu vỏ quế hữu cơ, công ty sẽ đầu tư thêm dây chuyền sấy vỏ hiện đại. Công ty sẽ chia sẻ những thông tin về sản phẩm, cũng như chia sẻ lợi nhuận với nông dân, tạo nên sự hợp tác bền vững” - ông Bính khẳng định.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp
phụ nữ tỉnh Lào Cai: Phụ nữ DTTS được quyết định nhiều hơn
Lào Cai chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt còn nhiều hạn chế. Đối với việc tham gia chuỗi liên kết trồng quế, các thành viên trong nhóm (gồm phụ nữ và nam giới) cùng các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cơ sở được tập huấn tập trung về kỹ thuật sản xuất bền vững (canh tác, gieo ươm, chế biến), quản lý chất lượng sản phẩm quế.
Việc làm này đã giúp người phụ nữ nâng cao vai trò làm chủ kinh tế gia đình. Phụ nữ DTTS được tham gia quyết định nhiều hơn trong một số khía cạnh liên quan đến chuỗi trồng quế, các quyết định của gia đình cũng đã có sự bình đẳng hơn và được thể hiện thông qua sự bàn bạc, cùng đưa ra quyết định giữa vợ và chồng.
Ông Ninh Quý Tạo – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lào Cai: Sẽ tăng diện tích trồng quế lên 2,5 lần
Toàn tỉnh hiện có 11.198,5ha quế, phân bố trên 50 xã thuộc 4 huyện. Việc quản lý và phát triển bền vững cây quế là rất cần thiết, do đó UBND tỉnh đã giao cho Sở NNPTNT xây dựng “Quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2025”.
Theo đó, sẽ mở rộng vùng trồng quế lên 25.000ha từ nay đến năm 2025, tăng gấp gần 2,5 lần diện tích quế hiện nay. Nhằm gắn rừng sản xuất với chế biến và tiêu thụ, Lào Cai đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm quế. Tỉnh cũng có chế tài cần thiết để quản lý hoạt động của các cơ sở chưng cất, chiết xuất tinh dầu quế.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ