Mô hình kinh tế Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam

Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam

Ngày đăng 21/06/2013

Người Đi Đầu Trong Áp Dụng Cơ Giới Hóa Sản Xuất Lúa Ở Hà Nam

Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha. Sau 1 năm thực hiện, mô hình này đã giảm được chi phí bình quân 219.400 đồng/sào so với sản xuất cá thể, làm thay đổi phương thức sản xuất từ cá thể sang nhóm hộ, quy hoạch được vùng sản xuất theo từng giống lúa, đảm bảo chất lượng cao.

Thôn Vị Hạ có đồng ruộng manh mún, nông dân sản xuất theo cá thể, quy mô sản xuất nhỏ; luôn thiếu lao động vào lúc chính vụ, đặc biệt là lúc gieo cấy và thu hoạch; sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều do mỗi nhà sản xuất một loại giống không cùng trà. Là trưởng thôn, ông Tân luôn trăn trở với điều đó, nhưng chưa có cách nào để khắc phục giúp người dân trong thôn có một hướng đi mới. Năm 2008, thôn Vị Hạ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ xây dựng mô hình tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa. Đây là một mô hình mới, lần đầu tiên được thực hiện tại thôn Vị Hạ nên cán bộ phụ trách và người dân triển khai gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ.

Ông Tân đã không ngại khó, đến từng hộ gia đình trong thôn vận động mọi người tham gia xây dựng mô hình. Qua nhiều buổi họp dân, bà con trong thôn đã thống nhất thành lập một tổ hợp tác gồm 134 hộ dân. Đây là tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở tự nguyện của các hộ nông dân trên cùng cánh đồng. Các hộ cùng bàn bạc từ khâu lựa chọn giống, vật tư, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường và thống nhất với nhau về cơ chế hoạt động, mức thu các dịch vụ các khâu trong quá trình sản xuất.

Tổ hợp tác nhất trí bầu chọn ông Nguyễn Tác Tân làm chủ nhiệm và lựa chọn kế toán, thành lập đội cơ giới, thực hiện ghép - đổi ruộng, đóng góp kinh phí. Tổ hợp tác của thôn Vị Hạ chính thức hoạt động từ tháng 8 năm 2008. Với quy mô diện tích 26 ha, tổng dự toán kinh phí thiết bị xây dựng mô hình là 392 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 181.480.000 đồng, tổ hợp tác chung tay đóng góp 210.520.000 đồng.

Kết quả do mô hình tổ hợp tác đem lại là đã giảm được chi phí sản xuất cho nông dân, cụ thể: giảm 30% ở khâu làm đất; 30% ở khâu ngâm ủ, sạ lúa; 40% ở khâu phun thuốc trừ sâu và 50% chi phí ở khâu gặt đập. Đồng ruộng được quy hoạch sản xuất 2 giống lúa chính là: Nhị ưu 838 và Bắc thơm (năng suất lúa lai Nhị ưu 838 là 200 kg/sào x 3.700 đồng/kg; năng suất lúa Bắc thơm là 190 kg/sào x 5.100 đồng/kg). Đặc biệt, đây là mô hình lần đầu tiên triển khai đã giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, quy hoạch được vùng sản xuất theo từng giống lúa, đảm bảo chất lượng cao, không bị lẫn giống.

Mô hình tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa ở thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam do ông Nguyễn Tác Tân làm chủ nhiệm đã được bà con nông dân ở Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, ngoại thành Hà Nội đến tham quan, học hỏi và dự kiến triển khai tại địa phương vào năm 2011.


Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái Thoát Nghèo Nhờ Dưa Hấu Thoát Nghèo Nhờ Dưa Hấu