Mô hình kinh tế Người KHo Thoát Nghèo Từ Dâu Tây

Người KHo Thoát Nghèo Từ Dâu Tây

Ngày đăng 11/08/2014

Người KHo Thoát Nghèo Từ Dâu Tây

Không chỉ những nông hộ có truyền thống trồng dâu tây, hiện nhiều bà con người dân tộc K’Ho ở thị trấn Lạc Dương cũng đã gắn bó với loại trái cây đặc sản này. Cây dâu tây đã trở thành cây trồng quen thuộc và ngày càng được mở rộng diện tích tại đây.

Vườn dâu tây của gia đình ông K’rajăn Syl, thôn Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương đã được 3 tuổi. Vừa chỉnh ống phun nước, ông K’rajăn Syl vừa kể lại công việc của mình. Trước đây, cũng như bà con xung quanh, ông Syl trồng những loại rau phổ thông như sú, cải. Ông nói: “Trồng rau ba bốn tháng mới có thu hoạch, lúc được giá thì có ăn nhưng có khi rớt giá thu không đủ tiền phân.

Thấy người khác trồng dâu, tôi cũng mua giống dâu về tự nhân, trồng hết diện tích 5 sào vườn. Trồng dâu được cái giá cả ổn định, có thu hàng ngày nên kinh tế khá hơn trồng rau”. Khác với dâu tây trồng ngoài Đà Lạt thường phủ luống bằng cỏ khô, dâu trồng tại Lạc Dương bà con thường phủ mặt luống bằng “đặc sản” rừng núi: lá thông khô.

Ông Syl cho biết, bà con trồng dâu tại đây thường lên lưng núi quét lá thông khô giòn về phủ luống. Lá thông khô thơm và bền hơn, lâu hoại mục hơn cỏ khô đồng thời không tốn tiền, có thể tự kiếm được nên được sử dụng phổ biến. Cây dâu 3 năm tuổi đã bắt đầu giảm năng suất, ông Syl đang lên kế hoạch thay dần giống dâu mới.

Trồng dâu tây với bà con K’Ho, khó nhất là vấn đề kỹ thuật, những khi dâu mắc bệnh. Anh K’rajăn Srôn có 6 sào dâu tại thôn Đăng Gia và cũng như nhiều người khác, dâu nhà anh cũng gặp những khó khăn khi dâu bị bệnh. Những khi đó, anh Srôn cho hay, anh thường tới các tiệm thuốc bảo vệ thực vật và các chủ vườn dâu khác để hỏi.

Các chủ vườn ai cũng đều chia sẻ cho anh các bí quyết chữa bệnh hiệu quả. Sự chia sẻ này giúp anh nhanh chóng quen với các triệu chứng bệnh của cây dâu tây.

Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc anh được cập nhật qua các lớp tập huấn của thị trấn tổ chức cho nông dân.Với anh Srôn, trồng dâu đã thay đổi cuộc sống gia đình anh, thu nhập tăng lên, người trong nhà đều có việc làm, không còn cảnh thiếu thốn. Không chỉ sử dụng lao động trong nhà, vườn dâu của anh còn thuê thường xuyên 5-6 lao động bên ngoài với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết vấn đề việc làm địa phương. 

Đánh giá về sự mở rộng của diện tích dâu tây trong vùng đồng bào dân tộc của thị trấn Lạc Dương, lãnh đạo chính quyền rất nhiệt tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ: “Hiện, toàn thị trấn có trên 50 hộ trồng dâu tây, trong đó số hộ là người dân tộc K’Ho gần 20 hộ và con số này ngày càng tăng lên. Trồng dâu tây giúp bà con có thu nhập hàng ngày, giải quyết được hết số lao động tại địa phương, thật sự là thay đổi khá hơn khi trồng rau.

Chúng tôi hết sức hỗ trợ bà con tiếp cận với cây trồng mới bằng việc tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dâu, giúp bà con nắm được kỹ thuật để trồng ra những trái dâu sạch”. Không chỉ cung cấp dâu trái cho thị trường, hiện các vườn dâu của bà con còn làm phong phú cho hoạt động du lịch của địa phương.

Với lợi thế gần khu du lịch núi Lang Biang, các vườn dâu đều mở cửa miễn phí để du khách vào vườn tham quan, tìm hiểu đời sống của cây dâu, hái trái và mua trái. Đây là hoạt động vừa mang lại thu nhập cho người nông dân, vừa phục vụ du khách “du lịch vườn”, thu hút đông đảo du khách. Du khách tới leo núi Lang Biang cũng đánh giá cao việc tham quan vườn dâu và đây dần trở thành hoạt động quen thuộc khi khách tới với Lạc Dương.

Cây dâu tây đặc sản đang mang lại no ấm cho người K’Ho dưới chân núi Lang Biang.


Trồng Đậu Phụng Trên Đất Lúa Lãi Ròng Gần 21 Triệu Đồng/ha Trồng Đậu Phụng Trên Đất Lúa Lãi Ròng… Niềm Vui Lúa Cuối Vụ Niềm Vui Lúa Cuối Vụ