Tin nông nghiệp Người lính Cụ Hồ thành triệu phú trên cao nguyên

Người lính Cụ Hồ thành triệu phú trên cao nguyên

Tác giả Quốc Hải, ngày đăng 20/05/2016

Người lính Cụ Hồ thành triệu phú trên cao nguyên

Đây cũng là mô hình sản xuất mới, lần đầu tiên xuất hiện tại vùng đất Bảo Lộc. Chỉ gần 2 năm sau, ông trở thành triệu phú “Bảy lá” nổi tiếng với thị trường vươn ra các tỉnh phía Bắc…

Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Tuấn Anh- Chủ tịch Hội Nông dân phường 1 (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), cho biết: “Những mô hình sản xuất được đầu tư bài bản theo công nghệ cao như của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy đang được địa phương khuyến khích và có hướng hỗ trợ để phát triển. Hiện, Hội Nông dân phường 1 đang lấy làm mẫu để phổ biến cho các hội viên nông dân trên địa bàn tham quan học hỏi và đầu tư phát triển trong tương lai”.

Dấu ấn người lính trên “mặt trận kinh tế”

Rời quân ngũ năm 1986, ông Nguyễn Văn Bảy khi ấy 23 tuổi, trở về vùng đất Bảo Lộc, xin vào làm công nhân một công ty cà phê với đồng lương chỉ đủ nuôi sống gia đình qua ngày. Năm 1996, ông Bảy xin chuyển sang làm việc ở một công ty hoa lan. Nhờ siêng năng, chịu khó cùng với những kiến thức tích cóp dần trong quá trình học hỏi, làm việc, ông Bảy được đề bạt lên chức quản đốc.

“Quá trình làm việc tại công ty hoa lan, tôi tiếp cận nhiều loại cây lá cảnh. Khi ấy, tôi chợt nhận ra, bất kỳ bó hoa hay lẵng hoa nào đều phải có các loại lá để trang trí, làm nền để sắc hoa thêm nổi bật và đẹp hơn. Tuy nhiên, dù nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung ứng lại khan hiếm nên tôi ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với nghề trồng lá cảnh” - ông Bảy nhớ lại.

Nghĩ là làm, ông Bảy bắt đầu để ý tìm giống về nhà trồng thử và thấy hiệu quả hơn nhiều so với các giống cây trồng truyền thống của vùng đất Bảo Lộc là cà phê, chè. Năm 2005, ông Bảy quyết định phối hợp với một người bạn, rời công ty về quê đầu tư trồng cây cảnh tại huyện Bảo Lâm với diện tích ban đầu khoảng 4.000m2. Dù vậy, do chưa có đủ kinh nghiệm, nguồn giống chưa tốt, lại khó khăn trong việc kiếm đầu ra nên mô hình ban đầu chỉ mang lại hiệu quả kinh tế “nhỉnh hơn một chút” so với trồng cà phê, chè.

Có hướng đi nhưng chưa hiệu quả, ông Bảy quyết định cùng con trai là anh Nguyễn Thanh Tú “khăn gói quả mướp” lên Đà Lạt học kinh nghiệm trồng lá cảnh của các nhà vườn. Sau khi học được kinh nghiệm, tháng 4.2014, ông Bảy quyết định “làm ăn lớn”, phá vườn cà phê 5.000m2 đang cho thu hoạch của gia đình ở Bảo Lộc, đầu tư 2 tỷ đồng làm nhà kính, hệ thống tưới phun sương, trang thiết bị, giá thể và nhập hàng chục loại cây giống lá cảnh từ Hà Lan, Nhật Bản như dương xỉ, trúc đốm, ráng rồng, tùng nhỏ, thiên môn, nguyệt quế, đuôi chồn… về trồng và lựa chọn cây tốt nhân giống.

Sau 8 tháng, những loại cây này bắt đầu cho thu hoạch. Với 5.000m2 vườn, 1 tuần cho thu hoạch 3 lần, mỗi lần khoảng 5.000 cành các loại, tính bình quân giá mỗi cành 2.000 đồng cũng mang về doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể 4.000m2 vườn lá cảnh đầu tư chung với bạn ở huyện Bảo Lâm cũng cho doanh thu vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Được biết, hiện gia đình ông Bảy đã ký hợp đồng với hơn 10 đầu mối tại Đà Lạt, Huế, TP.HCM và Hà Nội để cung ứng các loại lá cảnh. Để cung ứng nguồn lá đủ cho các mối, ngoài sản phẩm của gia đình, ông Bảy còn thu mua thêm ở các nhà vườn để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng.

Tự  “PR” sản phẩm


Anh Nguyễn Thanh Tú giới thiệu với các hội viên hội nông dânTP.Bảo Lộc cách chăm sóc cây hồng môn Hà Lan.  Ảnh: Q.H

Kể về quá trình đưa sản phẩm lá cảnh ra thị trường, ông Bảy cho biết, ban đầu khi chưa mạnh đầu ra, ông phải tự đi “chào hàng” ở các chợ hoa đầu mối tại Đà Lạt, TP.HCM. Dần dần, sản phẩm lá cảnh của gia đình ông Bảy trồng đã vươn ra cung cấp khắp các tỉnh thành trong nước. “Nhờ sản phẩm chất lượng tốt nên nhiều bạn hàng tìm đến, thậm chí nhiều bạn hàng tôi không biết mặt, họ chỉ biết tiếng ông “Bảy lá” và tin tưởng gọi điện thoại đặt hàng, chuyển tiền và tôi chuyển hàng, vậy mà chưa có ai than phiền gì cả”- ông Bảy nói.

Hiện nay, đa số thời gian ông Bảy dành để đi mở rộng thị trường lá cảnh và nghiên cứu các loại cây cảnh mới. Việc chăm sóc các loại lá cảnh trong vườn đều giao cho cậu “quý tử” Nguyễn Thanh Tú (25 tuổi) đảm nhiệm. Anh Tú dẫn chúng tôi đi tham quan và giới thiệu từng loại cây trồng, chế độ chăm sóc. Theo anh, các loài cây này đều khá dễ trồng, đa số chỉ đòi hỏi giữ vườn thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C, pha trộn chất trồng như trấu đốt, đất, xơ dừa phù hợp là được. Tuy nhiên, tùy theo loại cây mà cách bón phân, tưới nước khác nhau. Sâu bệnh với các loài cây này cũng rất ít, chủ yếu phòng trừ nấm cho cây.

“Cái kỵ của các loại cây này là thuốc cỏ. Để tránh tình trạng thuốc cỏ bị lẫn vào nguồn nước, thì bể chứa nước để tưới các loại kiểng lá trong vườn phải luôn được đảm bảo nguồn nước tưới sạch nhất”- anh Tú chỉ hồ chứa nước tưới và nói.

Theo quan sát, trong tổng diện tích gần 5.000m2 trồng lá cảnh của gia đình ông Bảy, có đến hơn 1/2 diện tích trồng cây dương xỉ. Theo anh Nguyễn Thanh Tú, dương xỉ đang trồng trong vườn nhà đa số là dương xỉ Pháp, dương xỉ mềm và dương xỉ rồng… Các giống dương xỉ này nhập trực tiếp từ Nhật Bản và Hà Lan. Sở dĩ dương xỉ chiếm phần lớn diện tích vì lá cây này đang được thị trường tiêu thụ nhiều và giá bán cao. Hiện trung bình 1 bó lá dương xỉ (100 lá) ông Bảy bán với giá từ 100.000 - 250.000 đồng, mỗi tuần ông cắt 4 lần với khoảng hơn 100 bó/lần cắt.

Ngoài việc trồng các loại kiểng lá, ông Bảy còn đầu tư trồng các giống hoa treo để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện, các giống hoa treo mà ông đang chú trọng đầu tư là dạ yến thảo, lan vũ nữ và cẩm chướng. Đặc biệt, giống hồng môn có nguồn gốc từ Hà Lan cũng đang được gia đình ông chú trọng đầu tư với diện tích chiếm gần 1/3 khu nhà kính.

Hiện mô hình trồng lá cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Điều quan trọng hơn, ông còn khẳng định thương hiệu hoa của mình ở mảnh đất cao nguyên Bảo Lộc này.


Nông sản sạch cháy hàng Nông sản sạch cháy hàng Sống khỏe với nghề nuôi bò sữa Sống khỏe với nghề nuôi bò sữa