Mô hình kinh tế Người Nông Dân Đam Mê Sáng Chế

Người Nông Dân Đam Mê Sáng Chế

Ngày đăng 02/05/2014

Người Nông Dân Đam Mê Sáng Chế

Hơn một tháng nay, bà con nông dân TP Kon Tum (Kon Tum) rất vui mừng bởi anh nông dân "chân đất" Phan Ngọc Tấn đã cải tiến thành công chiếc máy cày hoạt động hiệu quả trên địa hình đồi dốc.

Thành công của anh Tấn đã góp phần cải tiến hàng chục chiếc máy cày thuộc dự án "cơ giới hóa sản xuất mía" của Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang trong tình trạng đắp chiếu đi vào hoạt động, làm lợi gấp năm, sáu lần so với ngày công lao động cho bà con nông dân nơi đây.

Từ sáng chế máy xới cỏ...

Tháng 3-2012, sau gần hai năm mày mò nghiên cứu, anh Phan Ngọc Tấn (55 tuổi), trú ở tổ dân phố 3, phường Trần Hưng Ðạo, TP Kon Tum (Kon Tum) đã chế tạo thành công máy xới cỏ từ chiếc máy nổ của xe mô-tô đã cũ và một số sắt thép có sẵn trên thị trường. Sáng chế của anh được bà con nông dân trong vùng tìm đến đặt mua.

Kể về thành công đầu của mình, anh Tấn cho biết, tháng 8-2011, gia đình anh đang làm trang trại ở khu vực lòng hồ Thủy điện Ya Ly với gần 25 ha đất trồng mía và ba ha đất trồng sắn. Do diện tích canh tác nhiều, lực lượng lao động của gia đình quá ít nên phải thường xuyên đi tìm kiếm người làm.

Từ những ngày vất vả đi tìm lao động làm cỏ mía, anh tự hỏi: "Tại sao mình không chế tạo một cái máy xới cỏ để giảm bớt công lao động và chi phí cho gia đình?" Nghĩ là làm, anh Tấn bắt tay vào việc thiết kế bản vẽ và sáng chế máy xới cỏ...

Ðể có được chiếc máy xới cỏ, anh Tấn nghiên cứu khá kỹ lưỡng và thiết kế bản vẽ khá chi tiết và chuyển đến cho thợ cơ khí ở thành phố Kon Tum sản xuất. Chi tiết của máy gồm: một động cơ mô-tô trị giá một triệu đồng (loại động cơ được lấy từ những chiếc xe máy hư hỏng đã thanh lý); một số nguyên vật liệu là thép lá, thép ống có sẵn trên thị trường; một số phụ kiện trong hệ thống điện; hệ thống bánh răng, dây xích... cộng thêm 2,5 triệu đồng tiền công trả cho thợ cơ khí, anh Tấn đã có được một chiếc máy xới cỏ hoàn chỉnh, với tổng trị giá 3,5 triệu đồng.

Nói về năng suất của chiếc máy xới cỏ do mình sáng chế, anh Tấn cho biết: Mỗi ngày động cơ hoạt động tiêu thụ khoảng bốn lít xăng, trị giá khoảng 100 nghìn đồng. Cùng với đó là hai người thay nhau điều khiển; tiền công để trả cho hai người này là 240 nghìn đồng.

Tất cả các chi phí chỉ khoảng 400 nghìn đồng, nhưng diện tích cỏ xới được gần 10 nghìn m2. Trong khi cũng diện tích ấy, nếu thuê nhân công lao động sẽ cần từ 16 đến 18 người/ngày; mỗi ngày công lao động hiện tại trên thị trường phải trả từ 150 đến 160 nghìn đồng và tổng chi phí sẽ từ 2,5 đến ba triệu đồng; lớn hơn gấp sáu lần so với sử dụng chiếc máy xới cỏ do anh chế tạo.

Bên cạnh đó, ngoài việc xới cỏ, chiếc máy của anh có thể vun gốc các loại cây trồng khác như sắn, bắp, lạc, đậu, kể cả xới cỏ cao-su. Ðể có được nhiều tính năng như vậy, anh Tấn chỉ việc chế tạo thêm ba bộ lưỡi gồm: lưỡi đơn, lưỡi đôi và lưỡi xạc cỏ, máy có thể xới đất với độ sâu từ 10 đến 15 cm, gấp ba đến bốn lần dùng sức người.

Với nhiều tính năng, hiệu suất công việc cao, giá thành chi phí thấp..., nhiều gia đình ở Kon Tum và khu vực Tây Nguyên đã đặt anh sản xuất máy xới cỏ cho họ.

... Ðến việc cải tiến máy cày

Giữa năm 2013, từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Dự án "Cơ giới hóa trong sản xuất mía", Trạm Khuyến nông TP Kon Tum hỗ trợ bà con nông dân 16 chiếc máy cày (gần 30 triệu đồng/chiếc). Nhưng vấn đề là cả 16 chiếc máy này đều không sử dụng được vì thiết kế không phù hợp với địa hình đồi dốc ở địa phương.

Trước sự lãng phí của dự án, anh Tấn lại một lần nữa mày mò nghiên cứu để cải tiến chiếc máy này. Sau nhiều ngày nghiên cứu nhược điểm của máy, cuối cùng anh đã tìm ra đáp án.

Trước hết, anh nâng mặt tiếp xúc của bánh từ 10 cm lên 28 cm. Theo anh Tấn, với việc mặt tiếp xúc đất của bánh được mở rộng, sẽ tăng khả năng tiếp xúc và độ bám của máy, khiến lực đẩy khỏe hơn. Tiếp đến là tăng thời gian hoạt động của máy nổ. Theo anh Tấn, khi chưa cải tiến, máy chỉ hoạt động được chừng từ 15 đến 20 phút là nóng ran nên dễ xảy ra tình trạng chết máy giữa chừng.

Ðể khắc phục, anh Tấn gắn thêm một két nước làm mát cho máy. Ðược gắn thêm két nước làm mát, máy có thể hoạt động được cả ngày mà vẫn êm ru. Với việc khắc phục hai nhược điểm trên, chi phí chỉ tốn 2,5 triệu đồng nhưng hiệu quả rất cao.

Nói về hiệu quả kinh tế của máy, anh Phan Ngọc Tấn cho biết: Hiện tại, máy có thể xới cỏ mía, cỏ bắp, kể cả cỏ cao-su; cày xới đất; vun luống sắn... với năng suất rất cao. Mỗi ngày, máy vun luống sắn đạt diện tích từ một đến 1,2 ha; với diện tích này nếu thuê bò cày sẽ tốn khoảng 1,2 triệu đồng, trong khi sử dụng máy này chỉ tiêu hao 300 nghìn đồng tiền dầu và một ngày công lao động của người điều khiển máy.

Hiện tại, đã có gần 30 hộ gia đình ở TP Kon Tum tìm đến học tập sáng kiến cải tiến của anh Tấn để về cải tiến chiếc máy của gia đình mình được cấp. Bên cạnh đó, 16 chiếc máy cày thuộc Dự án "Cơ khí hóa trong sản xuất mía" ở TP Kon Tum cũng nhờ sáng kiến cải tiến của anh Tấn mà thoát khỏi tình trạng "bỏ không".

Với hiệu quả trên, ngày 28-3, Trạm khuyến nông TP Kon Tum đã tổ chức đợt tham quan mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại rẫy mía gia đình anh Tấn ở xã Ia Chim (TP Kon Tum); buổi tham quan thu hút gần 100 cán bộ, hội viên nông dân thuộc 13 xã, phường trên địa bàn thành phố.


Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Xây…