Tin thủy sản Người nuôi cá bè lo lắng vì nước mặn xâm nhập

Người nuôi cá bè lo lắng vì nước mặn xâm nhập

Tác giả CAO NGUYÊN, ngày đăng 01/04/2016

Người nuôi cá bè lo lắng vì nước mặn xâm nhập

Tỉnh Tiền Giang có khoảng 120 hộ nuôi cá bè với hơn 1.200 bè cá, tập trung nhiều nhất ở phường Tân Long và xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) và xã Tân Phong, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) với các loại cá, như: điêu hồng, cá chim, cá lóc, cá lăng, cá basa. Trước Tết Nguyên đán 2016, nước mặn bắt đầu xâm nhập sớm hơn so với cùng kỳ mọi năm và xâm nhập đến địa phận TP Mỹ Tho. Hiện tại, mặn xâm nhập sâu đến các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Theo các hộ nuôi các bè, với các bè cá mới thả hay thả với mật độ dày thì bị hao hụt nhiều do bị ảnh hưởng của nước mặn. Riêng các bè cá thả khoảng 4 tháng trở lên ít hao hụt hơn, do độ mặn tăng dần, cá lớn không bị sốc nước. Tuy nhiên, mỗi bè cá, người nuôi đầu tư hàng trăm triệu đồng và độ mặn trên sông đang có xu hướng tăng dần, nên người dân không khỏi lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Lượm, phường Tân Long, TP Mỹ Tho, cho biết: "Tôi mới bán hết 2 lồng bè với giá 31.000 đồng/kg. Giá bán này vừa đủ tiền thức ăn, công bỏ ra xem như mất hết. Cá chưa lớn lắm nhưng không dám cầm chừng lâu vì sợ độ mặn tăng cao bất thường cá chết. Thương lái biết mình sợ nước mặn ảnh hưởng nên cứ thoải mái "khen chê" cá để ép giá. Hiện tại, tôi còn 5 bè cá khoảng 2 tháng nữa mới bán được.

Gia đình tôi ăn ngủ không yên! Sáng ra thấy cá không nổi, ăn khỏe là thở phào nhẹ nhõm". Anh Lâm Văn Tánh ở phường Tân Long, TP Mỹ Tho có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè. Tính đến nay, cá chim của anh mới thả được hơn 2 tháng với khoảng 300.000 con (10 bè), chi phí cá giống hơn 300 triệu đồng. Nếu tính sơ, hằng ngày anh Tánh phải tốn khoảng 3 triệu tiền thức ăn cho cá. Thế nhưng, từ những ngày mới thả, do nước mặn xâm nhập nên cá bị ghẻ lở, nổi trắng.

Mỗi ngày, anh Tánh vớt 2 cữ cá chết với khoảng 200 - 300kg. Ước tính đến thời điểm hiện tại, các bè nuôi cá của anh Tánh bị thiệt hại khoảng 30% và mức độ thiệt hại còn tăng cao do độ mặn trên sông cứ tăng dần. Ngồi bên thùng cá chết vừa vớt lên, anh Tánh buồn rầu nói: "Cá chết như thế này lỗ là chắc chắn rồi. Cá thả nuôi 5 - 6 tháng mới có thể bán được, đằng này mới thả có 2 tháng là cá đã nổi trắng…

Không biết tới khi bán còn được mấy con!?". Nhiều bè cá basa cũng do ảnh hưởng của nước mặn nên cá nổi ghẻ, ăn ít nguy cơ cá chết là rất cao. Anh Trần Hữu Định, một hộ nuôi cá bè tại xã Tân Phong (Cai Lậy) lo lắng cho biết: "Hơn 10 ngày trở lại đây, độ mặn trên sông bắt đầu tăng cao. Cá basa của tôi nuôi có dấu hiệu bị sốc, nổi lờ đờ, ăn rất ít và bị ghẻ lở rất nhiều. Nhiều con cá chết vớt lên thấy ghẻ đỏ lốm đốm nổi khắp thân. Cá còn khoảng 3 tháng nữa mới bán được… Lo thì lo nhưng không biết làm sao!".

Trước diễn biến thất thường của thời tiết cũng như độ mặn trên sông tiếp tục tăng cao, Phòng Kinh tế TP Mỹ Tho cũng như các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên thả cá giống, chủ động thu hoạch cá không nên đợi chờ giá. Nếu cá chưa đạt kích cỡ thì cần chủ động san thưa, không để mật độ cá quá dày, tránh thiệt hại có thể xảy ra. Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP Mỹ Tho, khuyến cáo: "Khi nào độ mặn trên sông có khả năng tăng lên khoảng 7‰, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có phương án di dời lồng lè đến vùng nuôi an toàn nhất hoặc chuyển các đối tượng nuôi vào hệ thống ao đất, vùng nuôi phù hợp, đảm bảo mức thiệt hại thấp nhất để người dân yên tâm tái đàn".


Hướng liên kết mới cho con cá tra Hướng liên kết mới cho con cá tra Tôm tăng giá kỷ lục người mừng, kẻ lo Tôm tăng giá kỷ lục người mừng, kẻ…