Người nuôi ong miền Tây thoải mái di dời đàn
“Từ trước đến nay, tôi vẫn đi thuê đất tại các nơi gần vườn cây ăn trái để lập trại nuôi ong lấy mật, chưa gặp phải sự cản trở nào của người dân và chính quyền địa phương” - anh Võ Minh Điền (ngụ xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dùng, Sóc Trăng) cho hay.
Anh Điền cho biết: “Nếu đi đến các xã ở xa, tôi sẽ đăng ký tạm trú tại địa phương bởi thời gian lưu trú phải từ 3 tháng trở lên. Trong quá trình di chuyển đàn ong, tôi chưa vấp phải sự ngăn cản nào. Không riêng gì tôi mà các anh em trong nghề cũng không ai bị cản trở khi di chuyển đàn ong”.
Trong ảnh: Anh Võ Minh Điền thường xuyên di chuyển các vùng để cung cấp đủ mật cho đàn ong Ý của mình. Ảnh: C.L
Cũng theo anh Điền, nghề nuôi ong lấy mật buộc người nuôi phải di chuyển nhiều nơi để tận dụng nguồn mật hoa. Hiện vợ chồng anh Điền đang nuôi ong Ý và thường xuyên tìm đến các vườn cây ăn trái ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), huyện Châu Thành (Đồng Tháp), Giồng Giềng (Kiên Giang) để ong hút mật.
Ông Huỳnh Văn Mười (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), người có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi ong lấy mật chia sẻ, trước đây nhiều bà con lo ngại đàn ong sẽ gây hại cho hoa màu, nhưng khi giải thích rõ và chứng minh cho họ thấy đàn ong không những không gây hại mà còn giúp cây thụ phấn, cân bằng hệ sinh thái và giảm thiểu côn trùng gây hại... thì họ rất vui vẻ cho người nuôi ong nơi khác đến thuê vườn đặt tổ.
“Hiện tôi có 2 trại ong với tổng số 600 đàn ong, một ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), một ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Trong một năm, tùy theo điều kiện tôi phải di chuyển nhiều lần để cung cấp đủ mật hoa cho ong. Thường thì từ tháng 3-7, chúng tôi khai thác mật hoa nhãn, sau đó phải di chuyển tìm nguồn mật từ cây tràm và một số loại cây ăn trái khác” – ông Mười thông tin thêm.
Theo nhiều hộ nuôi ong lấy mật ở ĐBSCL, khi đến một vùng nào đó ở ĐBSCL, cần đến chính quyền xã để đăng ký tạm trú, sau đó sẽ làm hợp đồng thuê đất với chủ đất nơi lập trại ong. Nhiều hộ “dễ tính” thì chỉ cần làm hợp đồng miệng, có hộ còn cho người nuôi ngủ nhờ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong.
Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hoạt động nuôi ong lấy mật không những không gây ảnh hưởng gì đến mùa màng, cây trồng mà còn có lợi cho việc cân bằng hệ sinh thái, nên không có lý do gì để chính quyền và ngành nông nghiệp ngăn cản, kể cả những hộ ở tỉnh khác đến. Tại ĐBSCL, không riêng Hậu Giang mà ở các tỉnh khác cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ phát triển nuôi ong lấy mật, tăng thu nhập chính đáng và đúng pháp luật”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ