Mô hình kinh tế Người Nuôi Tôm Gặp Khó

Người Nuôi Tôm Gặp Khó

Ngày đăng 27/05/2014

Người Nuôi Tôm Gặp Khó

Thời tiết diễn biến thất thường là nguyên nhân khiến cho hàng loạt đầm nuôi tôm công nghiệp vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết ngay từ đầu vụ thả. Hàng trăm hộ nuôi tôm ở các địa phương này đang đối mặt với nguy cơ trắng tay do dịch bệnh. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn một cách đồng bộ, dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng...

Quỳnh Xuân là phường có diện tích nuôi tôm lớn nhất của Thị xã Hoàng Mai với trên 84 ha. Trong mấy năm trở lại đây, từ nghề nuôi tôm, hàng chục hộ dân đã phất lên làm giàu một cách nhanh chóng. Theo ông Vũ Duy Từ - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân, riêng nguồn thu từ nuôi tôm, mỗi năm mang về cho tổng thu ngân sách của địa phương từ 30 đến 40 tỷ đồng.

Năm 2013, đợt lũ lịch sử trong tháng 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi toàn khu vực Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu. Người nuôi ở Quỳnh Xuân cũng không phải là ngoại lệ. Hàng trăm hồ nuôi bị ngập nước, tôm chết, hệ thống ao, đầm hư hỏng nghiêm trọng. Bởi thế, bà con rất háo hức bước vào mùa thả giống năm nay với hy vọng có thể gỡ lại phần nào những thiệt hại đó.

Tuy nhiên, mới bước vào đầu vụ bà con đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về giống, điều kiện thời tiết và nhất là dịch bệnh tôm. Theo ghi nhận, dịch năm nay đến sớm, có hồ vừa chỉ thả giống được 5 ngày tôm đã bắt đầu chết.

Một diễn biến khác thường nữa của dịch là tôm chết ở bất kỳ thời điểm nào: có thể 5, 6 ngày tuổi, có đầm đã qua 60 ngày tuổi tôm vẫn chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Thậm chí, các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGap của tổ nuôi tôm cộng đồng gồm 20 hộ tại phường Quỳnh Xuân cũng gần như bị xóa sổ.

Anh Hồ Trọng Hoan, người nuôi tôm ở vùng Diêm Trường phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai ngao ngán nói: “Ở khu vực này tôm nuôi chết hàng loạt, mất trắng đến 90%. Riêng gia đình tôi có 2 đầm hơn 1 ha mất cả 2. Đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân”.

Gia đình anh Phạm Văn Lý ở xã Quỳnh Liên, Thị xã Hoàng Mai có 4 ao nuôi tôm với diện tích 2 ha ở vùng nuôi tôm công nghiệp thuộc xã Quỳnh Bảng. Sau khi xử lý ao đầm, đầu tháng 4, anh đã tiến hành thả trên 75 vạn con giống tôm thẻ chân trắng của Công ty giống UB và Quốc Trị tỉnh Quảng Trị.

Mới được 20 ngày nuôi, qua kiểm tra ao đầm anh thấy ở 2 ao nuôi lác đác có tôm chết nổi trên mặt nước. Sau đó vài ngày thì tôm bắt đầu chết hàng loạt làm mất trắng và gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Nguyên nhân tôm bị chết chưa được xác định do môi trường hay tại giống.

Không riêng hộ anh Phạm Văn Lý mà hàng chục hộ nuôi tôm đang lúng túng và vô cùng lo lắng trước diễn biến của bệnh trên tôm. Ngoài các ao đầm có mẫu xét nghiệm dịch đốm trắng, các loại dịch bệnh khác hiện nay chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng, diện tích nuôi tôm toàn vùng lớn, có nhiều hộ nuôi khi tôm chết báo cáo rồi chờ 2 - 3 ngày chưa có người đến lấy mẫu xử lý.

Theo quy trình, sau khi tôm chết, cán bộ thú y lấy mẫu kiểm tra để xác định dịch bệnh, vớt tôm chết, xử lý nước bằng hóa chất Chlorine, tháo cạn và tiếp tục xử lý nền ao bằng vôi bột, phơi đáy ít nhất 1 tháng có thể thả lại. Song do khó khăn trong việc đầu tư lại lần 2, trong đó, riêng tiền hóa chất dùng cho việc xử lý 1 ha đầm nuôi đã trên dưới 20 triệu đồng.

Chủ trương của tỉnh chỉ hỗ trợ cho những ao đầm có mẫu test bị nhiễm bệnh đốm trắng, vì thế, nhiều bà con đã tự ý xả nước khi chưa kiểm tra, chưa có kết luận và chưa qua xử lý. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi dòng nước có tôm bị chết thải ra môi trường tiềm ẩn vô số nguy cơ dịch bệnh khác. Đáng lo ngại, hiện nay, nguồn nước ở sông Mai Giang có dấu hiệu ô nhiễm.

Các năm trước đây, vào mùa thả giống, các ngành chức năng trên địa bàn thường lấy mẫu nước trên con sông này qua từng xã cụ thể, kịp thời thông báo với người nuôi bằng nhiều hình thức, từ đó giúp họ chủ động trong việc xử lý dịch bệnh, hạn chế được thiệt hại. Riêng năm nay, đến tận thời điểm dịch tôm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, những kết luận về nguồn nước vẫn chưa đến với người dân.

Cũng theo anh Nguyễn Trọng Hoàn, ngay sau khi phát hiện tôm chết, anh đã báo cáo với thú y địa phương, nhưng sau gần nửa tháng vẫn chưa thấy cán bộ thú y đến lấy mẫu, kiểm tra. Chờ không được, 3 ngày sau anh đã thực hiện các bước quy trình xử lý.

Là người nuôi tôm lâu năm, anh rất mong sự đồng hành của ngành chức năng. Bởi đây là ngành có vốn đầu tư lớn, thu nhập cao nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Anh Lê Văn Hoan, phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai đề nghị: “Các ngành liên quan cần hỗ trợ tích cực cho chúng tôi, chứ cứ để người nuôi tôm “tự bơi” trong ao đầm nhà mình thì cứ luân phiên năm được năm mất”.

Riêng đối với mô hình nuôi tôm sạch theo hướng VietGap, các tổ nuôi cũng chỉ mới được trang bị hệ thống loa truyền thanh. Từ việc kiểm định chất lượng tôm giống, đến điều kiện các cơ sở sản xuất tôm giống, chất lượng thuốc thú y và thức ăn cho tôm chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Đặc biệt, việc hỗ trợ người nuôi về kỹ thuật vô cùng thiếu thốn do lực lượng cán bộ thú y của Trạm thú y huyện Quỳnh Lưu quá mỏng.

Chỉ mới sau 2 tháng thả nuôi, đã có gần 70 ha tôm ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai bị chết hàng loạt. Tính mức thấp nhất, cũng đã thiệt hại đến gần 10 tỷ đồng, cộng với kinh phí tái đầu tư cũng xấp xỉ con số này. Người nuôi tôm đang cầu mong dịch bệnh bỏ qua đầm nuôi của gia đình mình, để không phải đối mặt với nguy cơ nợ chồng nợ...


Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra, Nông Dân Điêu Đứng Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra,… Hồi Sinh Nghề Rập Cua Hồi Sinh Nghề Rập Cua