Mô hình kinh tế Người phụ nữ đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển giống gà xương đen

Người phụ nữ đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển giống gà xương đen

Ngày đăng 05/09/2015

Người phụ nữ đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển giống gà xương đen

Các phong trào thi đua gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến. Trong số đó có chị Phạm Thị Út Mai. Chị là điển hình trong chăn nuôi bảo tồn và phát triển gà xương đen (còn gọi là gà H'mông), một giống gà đặc sản vùng cao Tủa Chùa.

Trong chuyến công tác lên huyện Tủa Chùa, tôi có dịp ghé thăm gia đình chị Phạm Thị Út Mai ở đội 9, xã Mường Báng, là cơ sở nuôi và cung cấp giống gà xương đen lớn nhất huyện Tủa Chùa khi chị đang tất bật chuẩn bị xuất hơn 2.000 con gà giống xương đen để cung ứng cho Chương trình 135 và chương giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Chị Mai cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu thu mua, nuôi giống gà xương đen từ năm 2010. Ban đầu, khi chưa gây được nguồn giống ổn định, chúng tôi phải thu gom mua lẻ gà từ bà con dân bản trên toàn huyện về nuôi, đến khi gà đủ tuổi xuất chuồng sẽ bán một phần, còn lại tiếp tục nuôi đẻ và cho ấp gà giống.

Cứ như vậy tích lũy dần kinh nghiệm và đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, năm 2014, gia đình tôi đã xuất ra thị trường 3 tạ gà thịt. Vừa qua, tôi ký hợp đồng với Ban Quản lý Dự án giảm nghèo các xã phân phối hơn 6.000 con gà xương đen giống cho hộ nghèo".

Ngoài ấp gà giống và nuôi gà thịt, gia đình chị Mai vẫn duy trì thu mua gà trưởng thành của người dân rồi xuất bán ra thị trường TP. Điện Biên Phủ. Đặc biệt, thị trường Hà Nội đã biết và rất ưa chuộng sản phẩm gà đen Tủa Chùa.

Chị Mai đóng đóng hộp gà con chuẩn bị xuất bán theo đơn đặt hàng

Tham quan cơ sở chăn nuôi của chị với gần 500 m2 chuồng trại được xây dựng kiên cố và chia ra các khu vực chăn nuôi gà thịt, gà sinh sản, khu vực đặt lò ấp nở. Với gà đen sinh sản, chị nuôi khoảng 500 con gà bố mẹ, mỗi tháng đẻ được khoảng 8000 trứng.

Chị bán một nửa số trứng, số còn lại chị cho vào ấp, mỗi tháng cơ sở chị cho ra nở luân phiên 3 - 4 mẻ với khoảng 3000 gà giống. Gà giống mới bóc trứng bán ra với giá 15.000 đồng/con; gà giống 21 ngày tuổi giá 35.000 đồng/con (tùy theo thời điểm); gà thịt nuôi mỗi năm 2 lứa gần 200 con xuất bán bình quân 1,5 - 1,8 kg/con với giá 170.000 đồng/kg. Từ nguồn bán giống, bán gà thịt và kinh doanh mua bán gà thịt, mỗi năm chị thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Trải qua hơn 5 năm duy trì và phát triển, mặc dù nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đàn gà của gia đình chị vẫn khỏe mạnh. Có được kết quả đó là nhờ chị đã tuân thủ nghiêm ngặt việc áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh từ khâu nhập con giống, chăm sóc cho tới xuất bán sản phẩm.

Ngay khi gà được 1 ngày tuổi, gia đình chị Mai đã tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh. Tùy theo tốc độ sinh trưởng, phát triển, gia đình chị tiêm các loại vắc xin như: bệnh niu-cát-xơn, tụ huyết trùng, cúm… kết hợp chế độ ăn, uống phù hợp, giữ vệ sinh chuồng trại và định kỳ tiêu độc, khử trùng.

Chị thực quy trình chăn nuôi sạch và sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng. Chị dự định trong thời gian tới, khi nhu cầu khách đang ngày một tăng, chị Mai tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi, tiến tới nhận đơn đặt hàng hàng tuần theo yêu cầu.

Việc duy trì và phát triển mô hình gà xương đen của chị Mai không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế và nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà đây còn là một mô hình tiêu biểu góp phần bảo tồn và phát triển giống gà quý ,chất lượng thịt ngon để tiến tới quảng bá được thương hiệu ra thị trường cả nước.

Ngoài chăn nuôi sản xuất giỏi, chị Mai rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, chăm lo cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi. Sự nỗ lực cố gắng của chị và gia đình đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Năm năm liền, gia đình chị được công nhận là hộ gia đình làm kinh tế giỏi và danh hiệu Gia đình văn hóa. Với thành tích trên chị Mai đã được tham dự và biểu dương trong Hội nghị điển hình tiên tiến trong ngành nông nghiệp của tỉnh là gương sản xuất giỏi, là người đi đầu trong việc bảo tồn và phát triển giống gia xương đen ở địa phương. Chị xứng đáng tấm gương điển hình cho bà con học tập và làm theo.


Tập trung khống chế dịch cúm H5N1 tái xuất hiện trên đàn vịt Tập trung khống chế dịch cúm H5N1 tái… Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm những tháng cuối năm Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc,…