Tin nông nghiệp Người Raglay đã biết trữ thức ăn cho gia súc

Người Raglay đã biết trữ thức ăn cho gia súc

Tác giả Hà Khánh, ngày đăng 17/03/2016

Người Raglay đã biết trữ thức ăn cho gia súc

Với đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), bên cạnh việc trồng lúa, rau màu thì chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của bà con. Tuy nhiên, do tình trạng khô hạn kéo dài nên nguồn thức ăn ngoài tự nhiên cạn kiệt, dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho gia súc.

Đặc biệt là năm qua, do không dự trữ thức ăn nên khi hạn hán lên đến đỉnh điểm, huyện Bác Ái đã có 505 gia súc có sừng bị chết do thiếu thức ăn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Từ bài học này, sau vụ mùa, bà con Raglay ở Bác Ái đã chủ động thu gom phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ bắp, đóng thành bao để dự trữ thức ăn cho gia súc hoặc trồng cỏ. Anh Ka Tơr Suối ở xã Phước Đại (Bác Ái) nói: “Rơm rạ mình cắt ngoài đồng, do nắng hạn quá nên mình cho trâu bò chở về nhà trữ lại. Nếu mình không chở về thì trâu bò mùa hạn không có gì ăn, mua rơm thì quá đắt”.

Năm 2015, khi hạn hán kéo dài, huyện Bác Ái đã trích 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn để hỗ trợ thức ăn tinh cho đàn gia súc, nhưng giải pháp này không phát huy hiệu quả bằng việc dùng phụ phẩm từ nông nghiệp dự trữ và trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Để hỗ trợ cho bà con, vụ đông xuân năm nay, huyện Bác Ái đã cung ứng cho người chăn nuôi 305 tấn cỏ giống để trồng ở những vùng cuối kênh. Bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp ủ thức ăn chua để tăng nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi.

Ông Hồ Xuân Tin - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bác Ái nói: Qua mùa hạn kéo dài vừa rồi, người dân đã có ý thức tự dự trữ phế phụ phẩm trong gia đình, thu gom các phế phụ phẩm trên đồng ruộng. Đây là một trong những thay đổi đáng kể trong nhận thức của đồng bào. Hiện toàn huyện Bác Ái có trên 16.000 con gia súc có sừng, do vậy, việc chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trước mùa hạn là góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, ổn định kinh tế cho trên địa bàn.


Nguy cơ lây lan dịch tụ huyết trùng vì thói quen xuất ngoại trâu bò Nguy cơ lây lan dịch tụ huyết trùng… Việt Nam đề nghị FAO hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam đề nghị FAO hỗ trợ tái…