Mô hình kinh tế Người Tiên Phong Nuôi Cá Lồng Trên Sông Lục Đầu Giang

Người Tiên Phong Nuôi Cá Lồng Trên Sông Lục Đầu Giang

Ngày đăng 17/05/2014

Người Tiên Phong Nuôi Cá Lồng Trên Sông Lục Đầu Giang

Đến thăm khu lồng cá trên sông Lục Đầu Giang thuộc địa bàn xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), chúng tôi rất mê những lồng cá đầy ắp và tiếng cá quẫy, vùng vẫy liên tục.

Chủ lồng cá là một thanh niên ngoài 30 tuổi cười tươi và bảo rằng: "Một lồng cá dưới sông tương đương 2 mẫu ao trên đất liền. Bao vùng sông nước có hơn gì mình đâu mà họ vẫn làm, tại sao dân quê ta lại không dám làm. Em xuống đây trước để mọi người cùng xuống cho vui…”.

Anh Trịnh Xuân Viết là người đầu tiên nuôi cá lồng trên sông Lục Đầu Giang. Ảnh kể, vợ chồng anh đi làm ăn trong Nam đã nhiều năm và có nhà cửa đàng hoàng trong đó rồi. Sau những lần về quê, thấy sông nước vùng quê Cao Đức và Gia Bình mênh mông mà chưa thấy ai nuôi cá lồng, thế là anh tự đi học hỏi làm cho bằng được. Thấy vậy nhiều người bảo anh “khùng”, đổ tiền của xuống sông, nhưng anh vẫn tin tưởng là sẽ thành công.

Đến giữa năm 2013, vợ chồng anh đã đặt mua, làm khu lồng cá ngay tại chân đập mới thuộc khu kè Tân Tiến đến Kênh Phố. Toàn bộ khu lồng cá gồm 6 lồng và một gian nhà khoảng 30 m2 để trông coi và chứa thức ăn nuôi cá. Trên diện tích đó, anh thả 1 vạn con giống, bao gồm: 2 lồng cá trắm, trắm cỏ, 2 lồng cá chép, 01 lồng cá lăng và 01 lồng cá diêu hồng (điêu hồng), với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, trong đó riêng chi phí làm các lồng cá tốn trên 400 triệu đồng.

Theo anh Trịnh Xuân Viết, một lồng cá trên sông có thể nuôi số lượng cá tương đương 2 mẫu ao (0,72 ha) trên đất liền. Với khu lồng nuôi hiện có của anh tương đương khoảng 4,5 ha, từ tháng 7/2013 đến giáp tết 2013 anh bán hơn 3 tấn cá trắm và chép.

Tháng 3/2014, anh Viết cũng bán trên 3 tấn cá diêu hồng - khoảng nửa số cá trong lồng. Và đầu tháng 5/2014 anh bán 1,5 tấn cá chép. Tính tổng số lượng cá bán đến nay đã được khoảng 7 tấn. Theo anh Viết, trong quá trình nuôi anh phải bán bớt đi cho cá lớn nhanh và đỡ chật lồng.

Anh Viết cho biết, đối với cá chép lúc anh thả chỉ 15 con/kg, sau 6 tháng cá đạt 2-3 kg/con; sau 10 tháng, cá đạt từ 3-4 kg/con, nhiều con nặng tới 5-6 kg/con. Anh bật mí, để cá lớn nhanh như thế, anh phải chú ý chăm tốt, cho ăn nhiều, ngoài cám công nghiệp là chính, vợ chồng anh còn cho thêm nhiều loại thức ăn thô như cỏ cây, cá, tép, ốc và rau củ.

Với giá bán cá trắm chép dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, cá diêu hồng 62.000 – 65.000 đồng/kg, tnh tổng thu sau 10 tháng anh đã có 400 triệu đồng. Theo anh, cá diêu hồng nuôi cho lãi cao lơn cá chép vì thời gian nuôi ngắn hơn, khoảng 8 -10 tháng thu hoạch để bán, hơn nữa thức ăn cũng không tốn nhiều nên có thể lãi 30-40%. Cá trắm cũng có thể cho lãi cao hơn hẳn so với cá chép và cá lăng.

Anh Viết Khẳng định: “Nuôi cá lồng trên sông ít bị bệnh, môi trường nước sạch, cá nhanh lớn hơn trên đất liền. Tất nhiên khâu bảo vệ cá cũng rất cần thiết, cần có kỹ thuật, thiết kế lồng khoa học và nuôi cá lồng cũng không vất vả nhiều như trên bờ”

Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương, chưa rõ hiệu quả nhưng nuôi cá lồng trên sông là khá liều lĩnh và mạo hiểm. Việc đầu tư cho nuôi cá cũng hết sức tốn kém và có nhiều khó khăn.

Khi chúng tôi hỏi anh Viết rằng “Làm khu lồng cá trên sông vợ chồng anh có sợ và thấy mạo hiểm không?”. Anh cười bảo: “Mình thấy nhiều nơi sông nước họ có được như quê mình đâu mà họ còn làm, làm tốt thì sao dân mình không làm. Nên tôi ra làm để mọi người cùng xuống nuôi cá lồng cho vui. Tới đây tôi sẽ mở rộng quy mô thêm 4 lồng để quay vòng vốn nhanh hơn…”.

Mặc dù vậy nuôi cá lồng trên sông là tự phát, anh Viết còn cho chúng tôi biết, dù được chính quyền cho phép và ủng hộ nuôi, nhưng anh vẫn thấy lo vì nhiều người dân bên kia sông vẫn đi đánh bắt cá và gây ô nhiễm dòng sông.

Theo ông Nguyễn Dân - Phó chủ tịch UBND xã Cao Đức (Gia Bình) cho biết, hiện ở trên địa bàn xã Cao Đức đã có hai khu lồng nuôi cá trên sông nước. Đây là một hướng đi, cách làm mới ở địa phương. Còn về mặt chủ trương, Đảng uỷ, UBND xã rất đồng tình ủng hộ.

Song để thành nền nếp thì cần được quan tâm, hỗ trợ của các cấp các ngành từ tỉnh đến huyện, đồng thời cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường và phát triển nhân rộng bền vững trên địa bàn huyện Gia Bình.

Rõ ràng đầu tư làm ăn nuôi thả cá lồng trên sông là điều mới lạ, có hiệu quả gấp nhiều lần so với nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền. Sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm, có sáng tạo trong sản xuất như anh Trịnh Xuân Viết ở Cao Đức, đang tạo đà cho Gia Bình khai thác tiềm năng vùng sông nước dài trên 30 km và góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương.


Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Vùng Nước Ngọt Nhiều Hệ Lụy Về Môi Trường Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Vùng Nước Ngọt… Dưa Bở Mất Mùa, Mất Giá Dưa Bở Mất Mùa, Mất Giá