Người Trồng Thanh Long Tính Chuyện Lâu Dài
Chưa bao giờ vào vụ mùa mà giá thanh long cao và khan hiếm như năm nay. Nhiều hộ trồng thanh long chấp nhận cắt bỏ vài lứa trái hàng mùa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi dây chuẩn bị cho vụ chong đèn. Từ cách thức canh tác “bào mòn” sức phát triển của cây đến nay người trồng thanh long Bình Thuận đang hướng đến sản xuất bền vững, lâu dài…
Xác định vụ “bội thu”
Giá thanh long đang ở mức cao kỷ lục xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng thanh long thu lợi nhuận còn hơn cả vụ chong đèn. Mặc dù giá cao, nhưng số lượng thanh long hiện có ở mỗi nhà vườn không đáng bao nhiêu so với những năm trước đây.
Chị Huyền, người chuyên mua thanh long ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Chưa có năm nào việc mua thanh long vụ mùa lại khó khăn như năm nay. Hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 thiên, còn hộ bình thường chỉ 2 đến 3 thiên. Dạo quanh một số vườn trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, điều dễ nhận ra là vườn nào cũng có khá nhiều trái thanh long bị cắt bỏ.
Dù những trái này còn non và có bề ngoài khá bắt mắt. Sở dĩ người trồng thanh long cắt bỏ khá nhiều trái non vì hiện nay thanh long hàng mùa dễ bị nhiễm bệnh. Lúc trái nhỏ thì không phát hiện ra bệnh, nhưng lớn lên một chút là bị nấm, bán không được giá.
Do vậy, người trồng chấp nhận cắt bỏ để không tốn tiền phân thuốc vừa có thời gian để cây nghỉ ngơi, phát triển. “Năm nay giá hàng mùa cao nhưng ít người dám để toàn bộ số trái trong vườn. Rất nhiều hộ dân ở đây đã cắt bỏ vài lứa thanh long hàng mùa. Ngay như nhà tôi cũng đã bỏ hai lứa trái từ đầu vụ mùa đến nay.
Vì trái thanh long vụ mùa rất dễ bị nhiễm các loại nấm, nên có để lại cũng chưa chắc tất cả đều là trái đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, vụ chong đèn vừa qua có nhiều hộ chong đến 3 lần nên cây bị suy kiệt, ra trái nhỏ. Một số hộ chấp nhận bỏ vài lứa trái vụ mùa, tập trung đầu tư cung cấp chất dinh dưỡng cho cây hồi sức chuẩn bị cho vụ chong đèn”, ông Nguyễn Thanh Hùng, một hộ dân trồng thanh long ở xã Hàm Chính cho biết.
Người trồng thanh long hiện nay đã xác định vụ chong đèn mới là vụ “bội thu”, vụ mang lại thu nhập chính trong năm. Vụ mùa mặc dù chi phí đầu tư ít hơn, nhưng cũng mang lại thu nhập thấp.
Sự xuất hiện của nhiều loại bệnh trong vụ mùa khiến người trồng không còn đặt hy vọng nhiều nữa. Vụ mùa hiện nay với người dân chỉ là vụ “thu nhập lai rai”, bù chi phí phân thuốc và là khoảng thời gian để cây phục hồi…
Bước ngoặt sản xuất
Đây là có thể coi là bước chuyển biến đáng mừng trong tâm lý sản xuất của người trồng thanh long. Trước đây, người trồng thanh long không kể vụ mùa hay vụ chong đèn họ đều để cây ra trái quanh năm. Đỉnh điểm của việc “ép” cây ra trái diễn ra ở vụ chong đèn cuối năm 2013 đầu năm 2014.
Khi mà giá thanh long luôn ở mức trên 20.000 đồng/kg, người trồng thanh long đua nhau chong đèn. Hộ ít cũng 2 lần có hộ tới 3, 4 lần chong đèn trên cùng một diện tích. Hệ quả của việc này là cây kiệt sức, trái thanh long nhỏ không đạt chuẩn bán chỉ vài nghìn đồng/kg. Cùng với đó là trái thanh long bị nhiễm các loại nấm khiến hộ trồng lỗ nặng ở lần chong đèn thứ 3, thứ 4.
Cá biệt có những hộ đầu tư vài chục triệu đồng chong đèn nhưng khi bán thu về chỉ được vài triệu đồng. Việc xác định vụ mang lại thu nhập chính trong năm của người trồng thanh long đang diễn ra là một trong những tín hiệu cho thấy người trồng thanh long có sự thay đổi nhận thức trong sản xuất.
Cùng với việc thay đổi phương thức sản xuất, người trồng thanh long Bình Thuận dần nhận ra sự “bấp bênh” khi tin vào thị trường Trung Quốc. Trước đây, nhiều hộ gia đình đã quay lưng với chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thì nay người dân đã lắng nghe, làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Họ thực sự đã nhận ra hiệu quả lâu dài của việc sản xuất thanh long an toàn. Đầu năm 2014, thanh long Bình Thuận được một số nước trên thế giới chấp nhận nhập khẩu, cùng sự thay đổi trong quan niệm sản xuất của người dân đã và đang là tín hiệu vui cho tương lai của trái thanh long…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ