Mô hình kinh tế Người Trồng Tiêu Bỏ Lỡ Cơ Hội Vàng

Người Trồng Tiêu Bỏ Lỡ Cơ Hội Vàng

Ngày đăng 25/03/2012

Người Trồng Tiêu Bỏ Lỡ Cơ Hội Vàng

Giá tăng, lãi cao

Vừa cào xong đống hồ tiêu đang phơi chưa đủ nắng, chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, phấn khởi cho biết: “Tiêu chưa kịp hái xuống thì đã có thương lái vào ngỏ ý mua với giá 132.000 đồng/kg, thấy được giá nên tôi đã nhận tiền cọc, bán đi hơn phân nửa để có tiền chi trả phân bón, nhân công. Số còn lại cất chờ biết đâu qua vụ giá còn tăng”.

Rồi chị Hoa nhẩm tính, với 1,2ha, chị hái được gần 3 tấn, nếu có giá bán hiện nay thì trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng. “Đây quả là giấc mơ “vàng” của những người trồng tiêu” - chị Hoa nói.

Nhiều người trồng tiêu biết cách chăm sóc bảo đảm vườn tiêu cho năng suất ổn định đã thu được lợi nhuận rất cao. Ông Nguyễn Văn Thu (ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, với diện tích tiêu 0,8ha, mặc dù năm nay mưa khá nhiều vào thời điểm trước khi tiêu trổ hoa, nhưng nhờ ông biết cách điều tiết lượng nước tưới hợp lý, do vậy vườn của ông cho sản lượng hơn 3,5 tấn. Nếu tính với giá hiện nay, vườn tiêu của ông Thu cho lợi nhuận khoảng 340 triệu đồng.

Tuy nhiên những trường hợp như chị Hoa, ông Thu không phải là nhiều, còn lại đại đa số người trồng tiêu trong tỉnh đều gặp cảnh “được giá, mất mùa”.

Bỏ lỡ “cơ hội vàng”

Với 1,5ha trồng tiêu nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Lợi (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) chỉ thu được 1,5 tấn tiêu. Nguyên nhân là do vườn tiêu năm nay mất mùa, vào thời điểm cây ra hoa lại gặp mưa nhiều. Ông Lợi ngậm ngùi: “Nếu không mất mùa cũng phải thu được gần 4 tấn, thấy tiêu tăng giá ầm ầm mà sốt ruột, mất 2,5 tấn tiêu là mất hơn 300 triệu đồng chứ đâu ít”.

Bên cạnh cây tiêu mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết, thì tại các vùng trồng tiêu lớn như ở huyện Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc, nhiều nông dân cho biết 5 năm trở lại đây bệnh chết nhanh, chết chậm đã làm nhiều vườn tiêu xơ xác. Nhiều vườn đã được gây trồng lại nhưng vẫn bị dịch bệnh hoành hành nên năng suất và chất lượng giảm sút.Mặc dù mấy năm trước, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do thời gian qua, dịch bệnh trên cây tiêu đã xảy ra khá nghiêm trọng, làm cho diện tích cây tiêu sụt giảm, sản lượng và chất lượng hạt tiêu cũng giảm đáng kể.

Theo nhiều nông dân, những năm trước, nhân họ vay vốn đầu tư cho cây tiêu thì tiêu bị rớt giá, bán tiêu không đủ trả nợ ngân hàng. Đến khi tiêu được giá thì mất mùa, trong khi đó vốn đầu tư cho cây tiêu năm qua tăng lên rất lớn do giá phân bón tăng gấp 3 - 4 lần, tiền thuê nhân công lao động cũng tăng theo. Cũng may là tiêu được giá, bà con cũng trang trải được một phần tiền nợ.

Các đại lý thu mua nông sản cho biết, so với cùng kỳ năm 2011, giá hồ tiêu đã tăng thêm hơn 40%. Theo dự đoán đây chưa hẳn là mức giá cao nhất, mà giá còn có thể cao hơn bởi hiện nay nhu cầu của thế giới tăng mạnh, trong khi đó sản lượng của các nước trồng nhiều tiêu như Ấn Độ, Indonesia... giảm mạnh. Đây có thể coi là “thời cơ vàng” cho người trồng tiêu, nhưng đối với nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu thì thời cơ này đã bị bỏ lỡ bởi hồ tiêu bị mất mùa và diện tích trồng tiêu đã bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 7.500ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành… Hàng năm, toàn tỉnh xuất ra thị trường khoảng hơn 10.000 tấn hạt tiêu, trong đó, xuất khẩu chiếm hơn 70% sản lượng.


Trồng Mía Trên Bờ Vuông Tôm: Làm Chơi Ăn Thật Trồng Mía Trên Bờ Vuông Tôm: Làm Chơi… Brazil Bắt Đầu Thử Nghiệm Sản Xuất Ethanol Từ Gạo Brazil Bắt Đầu Thử Nghiệm Sản Xuất Ethanol…