Tin nông nghiệp Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021

Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021

Tác giả Phương Thúy, ngày đăng 09/03/2021

Nguồn cung đậu tương của Brazil sẽ ổn định trở lại vào tháng 3/2021

Brazil thường thu hoạch đậu tương trong ba tháng đầu năm, tuy nhiên, quá trình thu hoạch của Brazil đã bị trì hoãn do hạn hán năm 2020 làm chậm quá trình phát triển của cây trồng, chưa kể thời tiết có mư

Sự chậm trễ trong thu hoạch ngũ cốc ở Brazil, nước sản xuất đậu tương hàng đầu thế giới, đang khiến các nước nhập khẩu, dẫn đầu là Trung Quốc chuyển sang thị trường Mỹ.

Nhu cầu ổn định đối với đậu tương của Mỹ đã thúc đẩy sự sụt giảm lịch sử đối với nguồn cung hạt có dầu của nước này và có thể tiếp tục đẩy giá đậu tương lên cao.

Lo ngại về nguồn cung đậu tương toàn cầu thắt chặt sau khi Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu trong những tháng gần đây, khiến giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng 4,5% trong tháng 2 - lên mức cao nhất trong 6,5 năm qua.

Brazil thường thu hoạch đậu tương trong ba tháng đầu năm, chấm dứt sự thống trị nguồn hàng xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch của Brazil đã bị trì hoãn do hạn hán năm 2020 làm chậm quá trình phát triển của cây trồng, chưa kể thời tiết có mưa vào thời điểm thu hoạch đã làm trì hoãn hoạt động.

Dữ liệu thương mại của Brazil cho thấy các lô hàng đậu tương của nước này trong tháng 1 thấp hơn 28 lần so với một năm trước đó (ở mức 49.500 tấn), khối lượng không đủ để chất đầy một tàu chở hàng.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Trong tháng 2/2021, Mỹ đã xuất khoảng 8,9 triệu tấn đậu tương trong tháng, đây được xem là mức cao kỷ lục.

Giám đốc Anec Sergio Mendes xác nhận tình trạng thiếu hụt hiện tại ở Brazil có thể mang lại lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh.

“Chúng tôi cho rằng điều này đang xảy ra”, Giám đốc Anec Sergio Mendes cho biết qua điện thoại, đồng thời cho biết thêm nguồn cung đậu tương thấp của Brazil đang kéo dài thời gian xuất khẩu của Mỹ.

Cũng trong thời điểm này, các lô hàng đậu tương Brazil có thể chỉ đạt 6 triệu tấn, giảm so với 8,5 triệu tấn dự kiến ban đầu.

Nguồn cung đậu tương của Brazil dự kiến sẽ bình thường trở lại vào tháng 3/2021. Điều này có thể gây ra sự hỗn loạn tại các cảng của Brazil, vì vào tháng 3 và tháng 4, đậu tương sẽ phải cạnh tranh với đường do khả năng bốc hàng hữu hạn.

Một thương nhân cho biết họ đang khai thác các nhà cung cấp ngũ cốc ở Mỹ và Argentina. Phần lớn gánh nặng sẽ tập trung vào Mỹ, vì vụ thu hoạch đậu tương của Argentina phải đến tháng 3 mới bắt đầu.

Các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng cường mua ngũ cốc và hạt có dầu trong thời gian đại dịch để đề phòng gián đoạn vận chuyển hoặc tăng giá thêm đối với các mặt hàng nông sản.

Trung Quốc mua ngũ cốc và hạt có dầu từ Nam và Bắc Mỹ để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nước này đang khôi phục lại đàn lợn sau khi dịch bệnh làm chết hàng triệu con.

Gần 5,6 triệu tấn ngũ cốc được chuyển đến Trung Quốc từ các cảng của Mỹ vào tháng 1/2021, là các chuyến hàng có khối lượng đậu tương lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ tới thị trường tỷ dân.

Dữ liệu của USDA cũng cho thấy các lô hàng trong tháng 1/2021 tới các nước mua đậu tương hàng đầu khác của Mỹ là Mexico và Ai Cập cũng là những lô hàng lớn nhất được ghi nhận.

Dự trữ đậu tương của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm ngay trước khi vụ thu hoạch ở Bắc bán cầu diễn ra vào tháng 9/2021.

Theo phân tích của Reuters về dữ liệu của USDA, tại thời điểm đó, nước này dự kiến sẽ chỉ có nguồn cung đậu tương đủ xuất trong 9,5 ngày, mức thấp kỷ lục và giảm mạnh so với nguồn cung 7 tuần được giữ vào cùng thời điểm năm 2020.

Bất chấp việc thu hoạch bị trì hoãn, Brazil- quốc gia bán phần lớn đậu tương cho Trung Quốc, đã sẵn sàng thu hoạch vụ mùa kỷ lục 133 triệu tấn trong những tháng tới.

Thị trường ngũ cốc Mỹ

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều tăng trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/3, trong đó giá ngô dẫn đầu đà tăng. 

Giá đậu tương giao tháng 5/2021 nhích quanh mức kháng cự quan trọng lên trên 14,30 USD/bushel nhưng không đạt được mức cao mới của hợp đồng. Tuy nhiên, đậu tương vẫn dẫn đầu xu hướng tăng giá.

Số liệu thương mại tháng 2/2021 của Cục Thống kê Dân số Mỹ (USCB) được công bố ngày 5/3 cho thấy Mỹ đã xuất khẩu một lượng kỷ lục 324,4 triệu bushel đậu tương trong tháng này, tháng thứ năm liên tiếp xuất khẩu đậu tương ghi nhận mức cao kỷ lục.

Số liệu xuất khẩu đậu tương do USCB đưa ra cao hơn so với con số của Cơ quan kiểm tra ngũ cốc liên bang (FGIS) trong nhiều tháng qua.

Mỹ đã xuất khẩu 229 triệu bushel ngô trong tháng 2/2021, tăng 47 triệu bushel so với tháng 12/2020 và tăng 131 triệu bushel hay 134% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ xuất khẩu ngô của Mỹ đang tăng lên khi Trung Quốc dự kiến nhập khẩu trung bình từ 17-24 triệu bushel ngô mỗi tuần vào cuối niên vụ này.

Xuất khẩu lúa mỳ tháng 1/2021 của Mỹ đạt 73 triệu bushel, bằng tháng 12 nhưng cao hơn 3 triệu bushel so với cũng kỳ năm 2020.

Tốc độ xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ vẫn đều đặn nhưng có thể cải thiện trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) thiếu hụt nguồn cung và Nga áp thuế xuất khẩu.

Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa sẽ ít đi tại khu vực Argentina và Nam Brazil trong ngày 16/3, và mưa trên mức thông thường ở miền Bắc Brazil.

Thời tiết ẩm ướt ở Mato Grosso khiến chất lượng đậu tương và ngô bị giảm 25%. Việc thiếu ánh nắng Mặt Trời và độ ẩm đất quá cao đang làm chậm quá trình trồng ngô vụ đông của Brazil.


Chọn tạo thành công giống cà chua lai VT15 Chọn tạo thành công giống cà chua lai… Thị trường lúa gạo - Diễn biến không theo thông lệ Thị trường lúa gạo - Diễn biến không…