Tin nông nghiệp Ngưỡng mộ người đàn ông bắt cánh đồng khô cằn nhả vàng

Ngưỡng mộ người đàn ông bắt cánh đồng khô cằn nhả vàng

Tác giả Võ Văn Dũng, ngày đăng 18/03/2019

Ngưỡng mộ người đàn ông bắt cánh đồng khô cằn nhả vàng

Người ta từng nói ông “dở hơi” khi tích tụ vùng đất bạc màu để sản xuất. Thế nhưng đất không phụ công người, sau gần 10 năm, cánh đồng Mả Hoa đã cho gia đình ông “trái ngọt”.

Đàn lợn rừng giúp gia đình ông Trường thu về trên 200 triệu đồng/năm

Năm 2009, khi tích tụ ruộng đất, ông Lê Xuân Trường tại thôn Phú Thượng 1, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khiến nhiều người bất ngờ khi tiên phong nhận cánh đồng màu cao cưỡng Mả Hoa. Đây là vùng đất, nếu sản xuất rau màu thì chân đất ướt; nếu làm lúa thì bở hơi lấy nước vào ruộng. Mả Hoa lại sát ngay khu vực nghĩa trang, khu vực sản xuất lò gạch thủ công cũ, đất cằn cỗi, chuột bọ nhiều vô kể nên gần như nông dân trong thôn không ai dám nhận.

Vậy mà, sau khi tích tụ toàn bộ đất đai của gia đình, bên nội, bên ngoại, ông vẫn thuê thêm đất của những hộ liền kề để sản xuất lúa với tổng diện tích gần 3ha. Sáu năm đầu làm lúa cũng chỉ đủ để gia đình ông trang trải cuộc sống.

Cuối năm 2015, sau khi đi tham quan nhiều mô hình trang trại, ông Trường quyết chuyển đổi toàn bộ diện tích sang mô hình trang trại tổng hợp. Ông đào 4 sào ao (2.000m2) thả cá chình; xây chuồng trại nuôi dê, lợn rừng và trồng các loại bưởi. Cá chình trong ao nuôi của ông được cho ăn bằng cá tạp mua từ vùng biển về. Sau hơn 3 năm nuôi, trọng lượng trung bình đạt 2 kg/con. Ước tính, cuối năm 2019, ông sẽ thu về 2 tấn cá thương phẩm, có thể đút túi trên dưới 500 triệu đồng.

Trên 1.000 cây bưởi đang thời kỳ bói quả, chỉ vài năm nữa sẽ cho thu nhập ổn định. Giữa những luống trồng bưởi, ông trồng cau tứ quý bởi theo lý giải của ông, cau sẽ có tác dụng ngăn bớt gió bão, giúp cây ăn quả giảm gãy đổ và che bớt ánh nắng gay gắt khi mùa hè đến.

Người ta chọn lợn rừng lai để nuôi nhưng ông Trường lại chọn lợn rừng gốc. Chúng hung dữ hơn nên rất khó để cho uống thuốc, tiêm vắc xin. Theo ông Trường, thời gian lợn nái sinh sản phải tuyệt đối tách riêng 1 chuồng vì bản năng của chúng khi đánh hơi mùi máu thì lợn trưởng thành sẽ ăn thịt lợn con.

Nói về những chú lợn rừng trong chuồng nuôi, ông Trường cho biết, năm 2015, ông lên các huyện miền núi Thanh Hóa mua 4 con lợn giống rừng gốc về thả. Đến nay, ông đã nhân giống và chọn lọc 4 con lợn nái sinh sản. Để có được nguồn giống tốt, ông đi khắp các huyện chọn mua được 1 con lợn đực giống về phối giống cho đàn lợn nái.

“Khi lợn con được 1 tháng tuổi phải thiến, hai tháng thì sẽ cho lợn đực vào ở chung chuồng với lợn cái. Lợn con được 4 tháng tuổi mới tách mẹ nuôi riêng một chuồng. Lợn thương phẩm nuôi 1,5 - 2 năm là có thể xuất chuồng với trọng lượng 45 - 50 kg.

Ngoài thức ăn là dây khoai lang, cỏ trong vườn chiếm 95% khẩu phần ăn, trung bình, suốt chu kỳ nuôi, mỗi con lợn rừng ăn từ 150 - 200 gr tinh bột ngô, lúa/ngày và không cho ăn bất kỳ một loại bột công nghiệp nào. Chính vì thế, chúng chậm lớn nhưng đảm bảo thịt ngon, da giòn, người tiên dùng rất ưa thích. Còn dê là giống chỉ ăn cỏ và uống nước, chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận cao” – ông Trường chia sẻ.

Trang trại tổng hợp của ông Trường đem lại nguồn thu trên 400 triệu đồng/năm

Bình quân, mỗi năm ông Trường xuất chuồng 50 - 70 con lợn thương phẩm. Với giá bình quân 100 nghìn đồng/kg, ông thu về trên 200 triệu đồng. Với gần 20 dê nái, mỗi năm gia đình ông xuất chuồng 45 - 50 con dê thương phẩm, thu về trên 160 triệu đồng. Theo ông Trường, nuôi dê và lợn rừng, chi phí đầu vào chủ yếu là công chăm sóc nên có thể lãi ròng trên 50%.

“Tôi vẫn thường thuê nhân công làm cỏ vườn cây chứ không phun thuốc diệt cỏ. Cỏ sau khi được nhổ sẽ đem vào chuồng cho lợn ăn. Như vậy, mỗi người làm cỏ vườn cũng đồng thời là người chăm sóc lợn. Tính ra, công chăm sóc vườn, chăm sóc vật nuôi cũng không đáng là bao”, ông Trường cho biết thêm.

Được biết, ngoài cá chình, lợn rừng, dê, ông Trường còn nuôi thêm gà chọi. Mỗi năm, từ đàn gà chọi ông cũng thu về trên dưới 100 triệu đồng.

Chỉ tay vào đàn lợn rừng thương phẩm gần 50 con, ông Trường khẳng định: “Chúng hỗn lắm, sẵn sàng cắn cả người cho ăn. Nhưng nuôi lâu cũng, có kinh nghiệm ứng xử với chúng thì mọi việc lại rất đơn giản. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đối tượng nuôi này và mở rộng quy mô trong năm nay. Giá cả ổn định, ít dịch bệnh, nguồn cung hiện không đủ nên đây sẽ là vật nuôi chủ lực của tôi trong những năm tiếp theo”.


Tảo có thể làm tăng năng suất chăn nuôi gia súc Tảo có thể làm tăng năng suất chăn… Nuôi thỏ nhẹ vốn, đầu ra ổn định Nuôi thỏ nhẹ vốn, đầu ra ổn định