Nguyên tắc trồng rau hữu cơ của nông dân ven sông Hoài
Những người nông dân áp dụng nguyên tắc kiểm soát đầu vào, ra, phòng trừ sâu bọ bằng thủ công, thành hướng dẫn viên du lịch.
Vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông. Ảnh: Bizmedia
Ông Phạm Mèo (SN 1953) được bầu làm tổ trưởng của nhóm rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An ). Tham gia cùng ông còn 7 thành viên khác là những hộ trồng rau lâu đời tại thôn. Nhóm rau thành lập từ tháng 1/2013.
Sau khi trải qua lớp học 15 tuần, các thành viên được đi tham quan mô hình trồng tại nhóm rau hữu cơ Sóc Sơn, Hà Nội. Tháng 4/2014, nhóm chính thức bước vào sản xuất. Mỗi thành viên đảm nhiệm công việc khác nhau: quản lý đồng ruộng, thu hoạch, đầu vào, marketing.
Theo ông Mèo, làm nông nghiệp hữu cơ khó hơn so với làm nông thông thường nhưng sức khỏe người trồng, môi trường xung quanh được giữ gìn. Đồng thời, người trồng có thu nhập tăng. Để đảm bảo uy tín vùng rau và giữ gìn môi sinh trong vườn, nhóm đã xây dựng nhiều quy tắc trong sản xuất.
Nguyên tắc của 8 nông dân trồng rau hữu cơ ven sông Hoài
Kiểm soát đầu vào
Ông Phạm Mèo chia sẻ, yếu tố quan trọng trong trồng hữu cơ là giống, phân, thuốc, nước tưới. Khi trồng hữu cơ, người trồng không sử dụng giống biến đổi gen, không thuốc trừ sâu hóa học và dùng nguồn phân xanh, phân động vật để ủ phân hữu cơ. Nước tưới cũng phải là nguồn tại chỗ và đã được kiểm nghiệm đảm bảo.
Để đáp ứng các tiêu chí này, các thành viên của nhóm tự để giống các loại rau. Đồng thời, thành viên phụ trách chịu trách nhiệm toàn bộ về nguồn phân bò, phân xanh sử dụng.
Kiểm soát đầu ra
Ông Mèo cho biết, một quy định của các thành viên trong nhóm, loại rau đã được trồng hữu cơ thì ở vườn rau riêng của các thành viên không trồng để tránh trà trộn. Thành viên sai phạm, lần đầu tiên phạt 500.000 đồng, lần thứ 2 phạt một triệu đồng, lần thứ 3 thì ra khỏi nhóm.
Phòng trừ sâu bọ bằng thủ công, thảo mộc, dẫn dụ
Mỗi vườn rau đều có một tủ thuốc trừ sâu chứa các dung dịch tỏi, ớt, gừng và rượu đã ngâm khoảng vài tháng. Ông Phạm Mèo chia sẻ, các loại dung dịch này không thể trừ được sâu bệnh nhưng rất có hiệu quả khi sử dụng phun phòng và phun liên tục, định kỳ vào những giai đoạn khác nhau của cây.
Ngoài ra, các biện pháp như trồng hoa dẫn dụ, các loại cây có mùi hương như hành, tỏi, hương nhu, tía tô, húng, rau thơm… được trồng xen giữa các luống để phân tán, xua đuổi sâu bọ tấn công.
Với mướp đắng, các thành viên còn nghĩ ra cách sử dụng vỏ chai nhựa để lồng bên ngoài quả, tránh ruồi vàng đục quả nhưng vẫn đủ ánh sáng để phát triển.
Phòng ruồi châm quả mướp đắng bằng chai nhựa. Ảnh: Bizmedia
Nông dân thành hướng dẫn viên du lịch
Cách trung tâm thành phố Hội An không xa, các thành viên làng rau Thanh Đông đã mở cửa cho khách tham quan. Khách du lịch có thể đặt mua, đặt chế biến sẵn các món ăn từ rau hữu cơ Thanh Đông sau khi trải nghiệm. Vì vậy, ông Mèo định hướng các thành viên nắm rõ nguyên tắc, quy trình trồng hữu cơ, đồng thời vườn luôn phải đảm bảo các tiêu chí sạch, đẹp.
2 năm gần đây, trung bình làng rau đón 450 - 700 lượt khách đến tham quan mỗi năm. Phần lớn là người nước ngoài đi theo tour, tham quan các vườn rau quả và cùng với bà con làm đất, gieo trồng, bón phân, thu hoạch rau quả.
Các thành viên hướng dẫn, giải thích cho khách về quy trình trồng hữu cơ, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài trải nghiệm làm nông kiểu Việt. Giá vé 30.000 đồng cho người tham quan, 50.000 đồng cho việc trải nghiệm, số tiền thu được góp thêm kinh phí để đầu tư xây dựng nhà sơ chế, tu sửa hệ thống thủy lợi.
Hướng dẫn khách tham quan làm nông. Ảnh: Bizmedia
Làng rau Thanh Đông đã thay đổi diện mạo kể từ khi 8 nông dân rủ nhau trồng rau hữu cơ. Trước đây, mỗi năm, người dân chỉ trồng trọt được 6 tháng thì nay đã trồng được quanh năm, thu nhập cũng cải thiện rõ rệt.
Tháng 11/2017, ông Phạm Mèo vinh dự là một trong 3 người đại diện Việt Nam tham gia sự kiện gặp gỡ các nông dân tiêu biểu về làm nông hữu cơ trên thế giới, do Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) tổ chức. Trước đại biểu hơn 50 nước, ông Mèo trình bày về cách làm nông kết hợp giáo dục trẻ em của nhóm hữu cơ Thanh Đông với bạn bè.
Năm 2014, Cùng với nhóm Cánh Én (gồm 4 hộ sản xuất hữu cơ tại xã Cẩm Thanh), mô hình sản xuất hữu cơ tại Thanh Đông đã nhận được chứng nhận hữu cơ của hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS) Hội An, hình thành thương hiệu Hoian Organic.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ