Nhà Vườn Hoa Tết Vào Mùa
Đến hẹn lại lên, những nhà vườn trồng hoa Tết lại bắt tay vào một vụ mới để mang đến những đóa hoa tươi thắm tô điểm cho mỗi nhà khi mùa xuân sang. Khắp vùng ven đô, thi thoảng lại bắt gặp những mảnh vườn xanh ngắt màu của cúc hay những mầm lay ơn mới vượt khỏi mặt đất đỏ thẫm, lấp lánh sương mai…
“Thức” cùng hoa cúc
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, đôi bàn tay của bà Trần Thị Thắm (tổ dân phố 3-phường Thắng Lợi-TP. Pleiku) đã kinh qua, gắn bó với biết bao loài hoa: từ hướng dương, cẩm chướng, mãn đình hồng hay cát tường… Với một niềm yêu thích đặc biệt, bà đã bao lần đưa những loại giống hoa vốn lạ lẫm với đất đỏ xứ cao nguyên Pleiku này. Vậy nhưng, như cơ duyên với cuộc đời, với nghề, cúc Tết cứ gắn bó mặn mòi với gia đình bà qua bao mùa hoa Tết. Sau bao thăng trầm, bà nhất quyết chỉ dành tình yêu của mình cho những đóa cúc vàng như sắc nắng ngày xuân.
“Trời cho nên Tết năm nào vườn cúc nhà tôi cũng đạt. Tết năm ngoái đấy, trời lạnh, có mấy nhà cúc chịu nở cho đúng ngày xuân đâu. Ấy vậy mà chưa đến 25 Tết, khách đã tới vườn nhà tôi chở sạch. Hơn 1.000 chậu cúc mà không tốn một công chở ra chợ hoa Tết hay vỉa hè, góc phố nào”-bà Thắm, chia sẻ.
Năm nay cũng vậy. Ăn Tết xong, gia đình bà đã nhanh chóng chuẩn bị chậu, mua phân bò về ủ thật hoai để chuẩn bị cho mùa hoa cúc sang năm. Đến độ cuối tháng 7 Âm lịch là chuẩn bị cho đất vào chậu, ngày mùng 2 tháng 8 Âm lịch bắt đầu đặt cây giống con. “Trời năm nay ít mưa hơn nên giống cúc vì thế cũng kém đẹp. Khoảng tháng 5 Âm lịch nhà tôi đã phải đặt giống hoa bên Đà Lạt rồi. Giá giống năm nay 170 ngàn đồng/thiên. Năm nay tôi lấy 80 thiên cúc pha lê và cúc đóa nhưng giống không đẹp lắm, trồng khá hao giống”-bà Thắm, cho biết.
Hoa cúc đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người làm cúc Tết ngay từ khi đặt cây con giống đã phải thức cùng hoa. “Mỗi tuần phải tưới phân đen cho cúc một lần, chưa kể phun thuốc sâu, nhặt sâu cho cúc. Ngọn non của cúc sâu rất thích, vì thế mỗi ngày khi thăm vườn phải để ý kỹ. Sơ sểnh là hỏng một cây cúc như chơi. Lại còn phải thường xuyên nhổ sạch cỏ, thêm đất, ngắt bớt lá già, tỉa cây ốm yếu… Người trồng cúc Tết không chăm chỉ, cần mẫn thì khó lòng được ăn”-bà Thắm, nói.
Từ lúc cúc bắt đầu cao ngang gối, người trồng cúc cứ căn theo tiết trời mà điều tiết nguồn nhiệt. “Cúc ưa ấm áp nên cứ từ khoảng cuối tháng 10 Âm lịch là phải thắp bóng điện từ 9 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Chi phí trồng cúc vì thế không hề nhỏ”-bà cho biết thêm.
“Nếu vườn cúc nở đẹp, bán được giá, mỗi vụ trồng cúc Tết chừng 1.000 chậu đã đem về cho gia đình mức lãi trăm triệu đồng không là chuyện quá. Cực thật đấy, giấc ngủ không yên. Tới Tết bán được không sao, lỡ “tắc” lại hàng, có khi đêm 30 còn ngược xuôi ngoài chợ Tết. Vậy nhưng đã quen rồi, nghề thấm vào máu, không làm không được. Xung quanh đây, người ta cũng học theo nghề rồi mở ra trồng cúc Tết. Nếu con phố nhỏ này thiếu đi những vườn cúc Tết hẳn sẽ buồn lắm”-bà Thắm, tỏ lòng.
An Phú vào mùa hoa
Lâu nay, An Phú nổi tiếng là vựa hoa lớn nhất tỉnh. Hoa của người nông dân An Phú vượt khắp nẻo đường, đem cánh hoa mùa xuân đến những miền đất xa xôi. Cận kề những tháng cuối năm, nhà vườn trồng mai, cúc, lay ơn, huệ… đều rạo rực và gấp gáp trong một guồng quay mới.
“Năm nay nhà tui trồng chừng 25 thiên lay ơn. Giá giống năm nay khá rẻ và chất lượng giống tốt hơn năm trước. Lay ơn nhú mầm rồi đó, trước mắt thấy thời tiết vầy là ổn rồi, không biết mấy nữa sao”-bà Cái Thị Hà (thôn 12-xã An Phú-TP. Pleiku), chia sẻ.
Theo bà Hà, nông dân quanh thôn 12 này cứ tới độ giữa tháng 9 là lo dọn dẹp lấy một phần đất tốt dành để trồng hoa xuân. “Hoa lay ơn tai vuông phải đặt giống sớm hơn, thường thì khoảng đầu tháng 10 Âm lịch là bỏ giống. Lay ơn giống đỏ mật thì xuống giống muộn hơn chừng nửa tháng. Còn phải căn cứ trên đất khô, đất ướt để tính tới lui ngày đặt giống sao cho hoa nở trúng Tết”-bà Hà chia sẻ kinh nghiệm.
Vụ lay ơn Tết năm trước, nhiều nông dân An Phú ngậm ngùi chịu thất bát do thời tiết lạnh kéo dài làm chậm chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Trước Tết bông lay ơn hãy còn non, sau Tết trời có nắng ấm, lay ơn mới chịu bung nở. Giá lay ơn bán ngoài chợ có lúc giảm chưa đầy 10 ngàn đồng/chục. Giá thu mua tại vườn còn thê thảm hơn, hoa đẹp có khi cũng chỉ 3-5 ngàn đồng/chục bông lay ơn. “Mong trời mưa thuận gió hòa, chứ lạnh căm căm như năm ngoái, người trồng hoa cực chẳng đã”-bà Hà, nói.
Với người trồng hoa Tết, thời tiết chính là yếu tố quyết định nhất tới sự mất-được của một mùa hoa. “Cây giống, kỹ thuật chăm sóc thì ngày càng tốt, duy chỉ có tiết trời ngày càng khó ưa thôi”-bà Hà hóm hỉnh, nói.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, để chuẩn bị cho mùa hoa Tết năm nay, toàn xã An Phú ước tính gieo trồng khoảng 73 ha, tập trung ở hầu khắp các thôn. Trong đó, bao gồm các loại hoa chủ yếu, như: hoa cúc (27 ha), lay ơn (21 ha), hoa huệ (19 ha), đồng tiền… “Diện tích hoa Tết tương đương so với mọi năm.
Tình hình thời tiết đến thời điểm hiện tại khá thuận lợi cho người trồng hoa Tết, đặc biệt là đã xuất hiện mưa với lượng mưa không quá lớn, đủ cho các vườn hoa cũng như rau màu khác sinh trưởng tốt. Chính quyền địa phương sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân các kỹ thuật, kỹ năng canh tác các loại cây, hoa khi bà con có nhu cầu”- anh Nguyễn Phi Khanh-cán bộ phụ trách nông nghiệp xã An Phú, cho biết.
Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201412/nha-vuon-hoa-tet-vao-mua-2356549/
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ