Tin thủy sản Nhân giống thành công loài cá ngon nức tiếng, giá 500 ngàn/kg

Nhân giống thành công loài cá ngon nức tiếng, giá 500 ngàn/kg

Tác giả Đồng Văn, ngày đăng 10/12/2019

Nhân giống thành công loài cá ngon nức tiếng, giá 500 ngàn/kg

Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu nuôi vỗ và thử nghiệm kích thích sinh sản nhân tạo cho cá ong bầu.

Cá ong bầu con được sinh sản nhân tạo thành công tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Minh Tuấn

Cá ong bầu sống chủ yếu ở những vùng đầm phá với nguồn nước lợ. Kích thước không lớn nhưng thịt rất béo và thơm ngon. Đây cũng là loài cá đặc sản của vùng phá Tam Giang.

Tuy có giá trị kinh tế rất cao nhưng lâu nay việc khai thác cá ong bầu chủ yếu dựa hoàn toàn vào tự nhiên. Sản lượng loài cũng liên tục giảm mạnh, do bị khai thác quá mức, tận thu tận diệt. Việc nghiên cứu chuyên sâu về sinh sản và sản xuất cá giống của đối tượng này cũng chưa được quan tâm nhiều.

Cá ong bầu thuộc họ cá căng cát. Ảnh: Wikipedia.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu về quy trình nuôi vỗ và thử nghiệm kích thích sinh sản nhân tạo cho cá ong bầu. Đến nay, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu trên. Đề tài do PGS. TS. Lê Văn Dân, Trưởng khoa Thủy sản làm chủ nhiệm và được coi là nghiên cứu đầu tiên thành công ở Thừa Thiên Huế về ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo để sản xuất giống cho cá ong bầu.

Theo PGS. TS. Lê Văn Dân, các nghiên cứu về quy trình nuôi, kích thích sinh sản, kỹ thuật ấp trứng phù hợp với điều kiện tự nhiên của Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm với số lượng lớn. Loại cá này phù hợp với khí hậu địa phương và thích nghi trong nhiều điều kiện khác nhau, như: lồng, ao, vùng nước lợ, nước mặn.

Thức ăn trong quá trình chăn nuôi cá ong bầy cũng dễ tìm, từ các loại có sẵn trong tự nhiên hoặc thức ăn công nghiệp và có thể đạt đến 50 - 60gr/con trong 6 tháng nuôi. Cá ong bầu trong giai đoạn ấp trứng và ươm cá giống đều thích hợp ở độ mặn 25-30%o. Trong môi trường sinh sản nhân tạo, cá ong bầu có tỉ lệ sống và phát triển bình thường trên 60% tổng số lượng đàn.

Cá ong bầu mẹ. Ảnh: Minh Tuấn

Tháng 9/2017, nhận con giống cá ong bầu từ nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Lê văn Dân, ông Huỳnh Văn Bòn (thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) đã nuôi xen ghép với cá nâu và cá dìa trong vòng 6 tháng, sử dụng chung một loại thức ăn. Đến ngày thu hoạch, ông Bòn chỉ thu được lượng đáng kể cá ong bầu, còn cá nâu và cá dìa thì hao hụt gần hết.

Nguyên nhân khiến cá nâu, cá dìa chết nhiều, theo ông Bòn cho biết là do cuối năm 2017 có một bão lớn, độ mặn môi trường nước vùng đầm phá Tam Giang bị xuống dưới ngưỡng sinh tồn của cá nâu và cá dìa, trong khi đó cá ong bầu vẫn thích nghi được. Tỉ lệ cá sống và phát triển đạt mức 65% trở lên.

Ông Bòn nói thêm: Vì con cá ong bầu sống được ở tầng đáy, lẩn sâu dưới bùn nên có thể khó khăn thu hoạch, nhưng lại rất hợp với điều kiện khí hậu mùa đông ở Thừa Thiên Huế. Với lợi thế về diện tích mặt nước, nếu trong vụ 1 (6 tháng đầu năm) người dân nuôi tôm hoặc nuôi xen ghép tôm, cua, cá thì đến mùa mưa có thể thả nuôi con cá ong bầu. Thời gian thả nuôi từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch, vừa không lãng phí mặt nước vừa đảm bảo có nguồn thu kinh tế.

“Qua thử nghiệm nuôi một mùa cá ong bầu trong mùa đông, tôi nhận thấy trong cùng một điều kiện khí hậu, khi mà không có giống cá nuôi nào phù hợp thì cá ong bầu vẫn sống tốt và cho hiệu quả kinh tế. Nếu cá giống này được rải nhiều hơn ở các bãi đẻ trên phá Tam Giang thì cơ hội khai thác cho người dân vùng đầm phá rất cao. Chúng tôi hy vọng, sau khi đề tài nghiên cứu hoàn tất, quy trình này sẽ được nhân rộng và hỗ trợ chuyển giao cho người dân nuôi trồng thủy sản. Chắc chắn người dân vùng đầm phá được hưởng lợi rất nhiều về hiệu quả kinh tế”, ông Bòn nói.


Kẽm và đồng làm giảm tỉ lệ sống của cá nuôi Kẽm và đồng làm giảm tỉ lệ sống… Nông dân Ấn Độ trồng thảo dược trên bờ ao để nuôi cá Nông dân Ấn Độ trồng thảo dược trên…