Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao
Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.
Vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, xã Vân Nam ước tính cho thu lãi 200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Quốc Vương, Cụm 1, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ - chủ vườn chuối 2ha chia sẻ, nhờ chất đất bãi phù sa màu mỡ nên cây chuối tiêu hồng lớn nhanh, quả mập, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều công chăm sóc. Ngoài 2.000 gốc chuối tiêu hồng, gia đình ông còn trồng thêm 2.500 gốc chuối tây để tăng thêm thu nhập. "Dịp Tết Giáp Ngọ này, vườn chuối của tôi cho thu hoạch 4.500 buồng, với giá bán trung bình 100.000 đồng/buồng chuối tiêu hồng và 200.000 đồng/buồng chuối tây, gia đình tôi thu về 700 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 400 triệu đồng" - ông Vương phấn khởi khoe.
Những ngày này, có dịp đến thăm các vườn bưởi của xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ chúng tôi được chứng kiến không khí tấp nập của các thương lái đến đặt mua bưởi về bán Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Đỗ Đình Lục cho biết, toàn xã có trên 54ha bưởi Diễn với hơn 200 hộ tham gia sản xuất. Nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh mới, đó là sử dụng túi nilon bao bọc quả và kỹ thuật vệ sinh gốc, phun tưới nước, chặt tỉa cành nên các vườn bưởi đều đạt năng suất cao; mẫu mã đẹp, vỏ nhẵn, sáng bóng, vị ngọt dịu, thanh mát và được nhiều người ưa chuộng. Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/quả, nhiều hộ trồng bưởi có thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha, trừ các khoản chi phí cho thu lãi 200 - 300 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu.
Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, việc xây dựng và nhân rộng mô hình theo Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao là phù hợp với xu thế, thị trường và mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô. Thực hiện đề án, năm 2013, Trung tâm đã xây dựng các mô hình sản xuất tại 29 xã của 15 huyện ngoại thành với quy mô 500ha, trong đó, tập trung vào 4 loại cây chủ lực: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng.
Ông Nguyễn Bá Sướng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, để tạo động lực thúc đẩy bà con nông dân tham gia các mô hình, ngoài hỗ trợ về vật tư phân bón, giống cây trồng, Trung tâm còn tập huấn, phổ biến kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, nhất là kỹ thuật bảo quản quả sau thu hoạch. Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng và nhân rộng diện tích cây ăn quả, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ