Mô hình kinh tế Nhân Tố Mới Trong Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp

Nhân Tố Mới Trong Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp

Ngày đăng 01/05/2014

Nhân Tố Mới Trong Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

Bứt phá trên đồng ruộng

Vụ lúa Đông xuân 2013-2014 đang dần khép lại. Điều đáng nói là ngoại trừ nỗi lo về giá cả, đầu ra hạt lúa thì hiếm thấy nhà nông nào than phiền là thiếu nhân công thu hoạch, thùng suốt nữa. Vì phần lớn ruộng lúa của họ đều được máy GĐLH và máy kéo giải quyết cùng lúc các công đoạn cắt, suốt, rồi vận chuyển lúa ra tận bờ đê cân cho thương lái.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Vụ Đông xuân vừa qua, ước tính có trên 95% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy GĐLH, bao gồm số lượng máy được huy động từ các nơi khác về địa bàn tỉnh.

Nông dân Võ Quang Tiên, đang canh tác 2ha lúa ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, thừa nhận: “Từ ngày có máy GĐLH, bà con mình đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian, chi phí thu hoạch lúa hơn trước rất nhiều”. Bởi theo tính toán của ngành chuyên môn tỉnh, trước đây, để thu hoạch 1ha lúa cần đến 40-45 ngày công lao động. Còn bây giờ, nhờ sử dụng máy GĐLH mà chỉ tiêu tốn 21-25 ngày công.

Qua đó, không chỉ giúp giảm thiểu áp lực nhân công vào mỗi khi thu hoạch rộ cho các địa phương, mà người trồng lúa tăng thêm lợi nhuận khoảng 2-4 triệu đồng/vụ. Đáng kể là có thể tiết giảm được 2-3% lượng lúa thất thoát sau thu hoạch.

Lão nông Nguyễn Văn Khá, ở ấp 5, tham gia canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: Trước đây, bà con trong khu vực này sản xuất theo tập quán truyền thống, nghĩa là “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nên năng suất chừng 2-3 tấn/ha là cùng.

Kể từ ngày Nhà nước phát động phong trào làm đê bao, thủy lợi nội đồng; còn nhà khoa học đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, kể cả việc khuyến cáo bà con cày ải, cải tạo mặt ruộng bằng phẳng và tăng độ tơi xốp, màu mỡ cho đất bằng máy xới, máy trục trước khi gieo sạ. Nhờ vậy mà từ 1 vụ ban đầu đã tăng lên 3 vụ, năng suất lúa của các vụ trong năm cũng từng bước tăng lên đột biến.

Kết quả ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hậu Giang đã có sự chuyển biến khá tích cực. Tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất gần như đạt 100%; còn khâu tưới tiêu thì hoàn toàn được thực hiện bằng động cơ.

Nếu như năm 2010 chưa có máy GĐLH thì đến nay toàn tỉnh có 281 máy, khả năng đáp ứng thu hoạch khoảng 60% diện tích canh tác lúa. Ông Lê Văn Đời khẳng định: “Cơ giới hóa là một trong những giải pháp quan trọng cho mục tiêu hạ giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác lúa cho nhà nông hiện nay”.

Những sáng kiến hữu ích

Không đơn giản là phát huy hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất bằng những thiết bị máy móc vốn có, không ít nhà nông ở Hậu Giang còn tiến dần đến mục tiêu làm chủ công nghệ bằng cách phát minh, sáng chế ra các loại máy nông cụ khá hữu ích trong khâu làm đất, xuống giống, và thu gom sản phẩm sau thu hoạch.

Trước hết phải kể đến “kỹ sư” nông dân Tư Sáng (Nguyễn Văn Sáng), ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh. Từ lâu, ông Tư Sáng trở nên nổi tiếng với việc sáng chế ra các loại máy “có một không hai”, góp phần giải phóng sức lao động cho nhà nông. Đó là máy cào lúa, xúc lúa vô bao phục vụ trong lò sấy và ngoài sân phơi.

Gần đây nhất, ông Tư Sáng tiếp tục mày mò chế tạo ra máy sạ lúa có công suất từ 80-200 công đất/ngày. Ông Sáng chia sẻ: “Chiếc máy sạ lan này có ưu điểm hơn hẳn so với máy kéo hàng, không tốn nhiều thời gian châm lúa giống.

Bồn chứa có thể đựng được 2 giạ lúa giống, đủ để gieo sạ 2-3 công nên rất phù hợp cho sản xuất cánh đồng lớn, hợp tác xã hay những nông dân làm trang trại”. Trong khi giá bán dự kiến khoảng 22-24 triệu đồng/chiếc, nếu người mua đã có sẵn dàn máy xới tay thì giá giảm đi phân nửa.

Một “kỹ sư” chân đất khác chính là ông chủ xưởng cơ sở cơ khí Cao Phi Hổ, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Ông Hổ là “cha đẻ” của chiếc máy xới trục liên hợp.

Ưu điểm nổi bật của máy là xới và trục cùng lúc, hoặc hoạt động như một máy trục, xới khác nhau. Thông qua chiếc máy “2 trong 1” của ông Hổ, người trồng lúa có thể rút ngắn được thời gian, giảm chi phí ở giai đoạn làm đất khoảng 40.000 đồng/công, thay vì 140.000 đồng/công so với việc sử dụng từng máy xới, trục riêng lẻ như trước. Chưa kể là mặt đất sẽ được làm tơi xốp, san bằng phẳng nên giúp hạt lúa nảy mầm dễ dàng hơn.

Chính nhờ tiện ích thiết thực, lại thêm giá trị khoảng 65 triệu đồng/máy, thấp hơn 50% chi phí khi chọn mua 2 máy xới và trục mà chiếc máy đa năng kể trên ngày càng thu hút được sự quan tâm sử dụng của bà con khắp trong và ngoài huyện.

Ông Lê Văn Đời đánh giá: Xuất phát từ thực tiễn canh tác mà đã khơi nguồn sáng tạo cho một số nông dân trong tỉnh mày mò chế ra các loại máy nông cụ hữu ích, dễ áp dụng và có khả năng nhân rộng thêm. Từ đó, góp phần phát huy, khơi dậy tiềm năng sáng kiến vốn có của nông dân Hậu Giang nói chung.

Thực tế là trong thời gian qua, không ít nông dân nhờ chủ động ứng dụng sáng kiến đơn giản mà đã tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng toàn diện hơn. Chẳng hạn như lắp đặt miếng ván vào máy xới tay để san lấp mặt ruộng bằng phẳng thay cho máy chan đất bằng thiết bị tia lazer đắt tiền…


Năng Suất Tôm Đạt 250 Kg/ha Từ Loại Hình Luân Canh Lúa - Tôm Năng Suất Tôm Đạt 250 Kg/ha Từ Loại… Lời Hơn 1.500 Đ/kg Lúa Lời Hơn 1.500 Đ/kg Lúa