Tin nông nghiệp Nhạy bén chọn lựa cây trồng mùa hạn

Nhạy bén chọn lựa cây trồng mùa hạn

Tác giả Ánh Nguyên, ngày đăng 19/05/2018

Nhạy bén chọn lựa cây trồng mùa hạn

Chỉ cần nhạy bén trong chọn lựa cây trồng ở từng thời vụ, nắm vững kỹ thuật sản xuất, nông dân có thể ứng phó được với thời tiết khô hạn hiện nay.

Những vùng đất gò cao ở vùng Bảy Núi, thiếu nước tưới, nông dân chọn một số cây trồng chịu được hạn như: đậu xanh, đậu phộng... để canh tác

Nắng nóng kéo dài nhưng vườn chanh bông tím có diện tích 12.000m2 của chú Lê Văn Kiển (ấp An Phú, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới,  An Giang)  vẫn xanh mướt, trĩu quả. Dù đang nghịch mùa (tháng 11 đến tháng 3 âm lịch), nhưng do biết cách chăm sóc nên mỗi tháng, vườn chanh của chú Kiển cho thu hoạch từ 10-12 tấn.

Hiện nay, thương lái mua chanh tại vườn với giá 28.000 đồng/kg, dự kiến có thể tăng thêm 1.000-2.000 đồng. Theo chú Kiển, so với canh tác các loại rau màu thì trồng chanh nhẹ công hơn và cho thu nhập ổn định, nhất là lúc thời điểm nghịch mùa.

“Nếu muốn chanh ra trái nhiều vào mùa nghịch cần dưỡng cây cho thật khỏe, xịt thuốc kích thích, những tháng còn lại cứ để ra trái tự nhiên nên nhẹ chi phí phân thuốc”- chú Kiển chia sẻ.

Tuy nhiên, lượng trái ít, nhiều còn tùy thời điểm và cách chăm sóc của từng người. “Sau gần 4, 5 năm, giá chanh mới quay lại mức cao bà con trồng chanh ở địa phương ai nấy cũng phấn khởi”- chú Kiển bày tỏ.

Ngoài lượng chanh tại vườn, thời gian gần đây chú Kiển còn thu mua mỗi ngày từ 3-4 tấn chanh ở các địa phương lân cận giao về cho chợ đầu mối tại Tiền Giang. thu nhập từ đó cũng tăng thêm, không bị thương lái ép giá.

Tuy không phải là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng nha đam có ưu thế dễ trồng, lại tận dụng được khoảng trống xung quanh nhà. Trước đây, nha đam được trồng trong chậu chỉ để làm kiểng, trang trí cho đẹp khoảnh sân, nhưng hiện nay đã được nhân giống bán kiểng, chiết lá bán tươi...

Đặc biệt, nhiều hộ còn bỏ công làm lời với món nước nha đam đường phèn - một loại thức uống giải nhiệt được ưa chuộng vào mùa nắng. dù không là cây có giá trị kinh tế nổi bật nhưng lại có nhu cầu tiêu thụ mạnh từ các thương lái, nhất là trong những tháng nắng nóng.

Hiện tại, nhiều hộ dân ở xã Bình Long (Châu Phú,  An Giang) đang mạnh dạn phát triển mô hình trồng nha đam trong thùng xốp hoặc thùng nhựa. Theo bà Nguyễn Thị Thu (ấp Chánh Hưng, xã Bình Long) nha đam là cây trồng ưa nắng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chỉ dùng phân hữu cơ trong quá trình chăm sóc.

Ngoài cung cấp cây con, cây lớn có chậu, bà Thu còn chiết bán lá và nấu nước nha đam đường phèn bán tại chỗ. Bình quân 1 ngày, bà Thu kiếm được 250.000 đồng từ việc bán lá tươi và nước nha đam. Thời điểm bán cây lớn hàng loạt cho thu nhập đến 500.000 đồng/ngày. Thông thường, các hộ dân bắt đầu trồng nha đam vào mùa mưa để cây con dễ phát triển, nhưng khi lớn cây nha đam cần nắng để bắt đất và cứng cáp, bẹ to, dày, mọng nước và rất đẹp mắt...

Nhờ nguồn nước từ trạm bơm đã tạo thuận lợi cho nhiều nông dân ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên,  An Giang)  sản xuất lúa hè thu, nhất là trong những tháng mùa hạn. Tuy nhiên, ở một số diện tích đất gò cao, hạn chế về nước tưới thì bà con đã có hướng chuyển đổi sang một số cây trồng chịu hạn như: khoai mì, đậu phộng, đậu xanh, dưa gang...

Với gần 4.000m2 đất gò cao, anh Chau Sam Áp (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo,  Tri Tôn,  An Giang) đã làm đất xong và chuẩn bị xuống giống đậu phộng. Theo anh Áp, do diện tích đất nằm ở gò cao, nguồn nước khó khăn nên khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, bà con chuyển sang trồng các loại rau màu chịu hạn.

“Trồng đậu phộng khoảng 3 tháng cho thu hoạch. Trong thời gian đó, chỉ cần tưới khoảng 6 lần nước là đủ, nếu có một vài cơn mưa nhỏ thì càng tốt, giúp tiết kiệm thêm chi phí, lợi nhuận tăng thêm”- anh Áp chia sẻ.

Năm rồi, dù giá đậu phộng không cao, nhưng anh Áp vẫn thu được lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công. Trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu nhạy bén trong chọn lựa giống canh tác chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, là những loại cây trồng thích ứng với biến đổi thất thường của thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương và quan trọng là nắm chắc kỹ thuật sản xuất sẽ giúp nông dân mang lại hiệu quả khả quan.


Nâng cao giá trị xoài xứ núi Nâng cao giá trị xoài xứ núi Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên “vùng nếp” Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên “vùng…