Mô hình kinh tế Nhiều hạn chế khi áp dụng vietgap trong nuôi trồng thủy sản

Nhiều hạn chế khi áp dụng vietgap trong nuôi trồng thủy sản

Ngày đăng 21/08/2015

Nhiều hạn chế khi áp dụng vietgap trong nuôi trồng thủy sản

Theo kết quả khảo sát từ nhiều hộ dân tại các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy hiệu quả áp dụng quy trình VietGAP không cao. Khi triển khai, người nuôi gặp nhiều khó khăn hơn như: cần nhiều công lao động và chi phí đầu tư cao hơn, nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm từ VietGAP chưa thật sự rõ ràng, thậm chí giá bán bằng với sản phẩm khác nuôi không áp dụng VietGAP.

Anh Nguyễn Đăng Nhân, chủ hộ tôm lâu năm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, gia đình anh rất hào hứng và tham gia ngay vào áp dụng quy trình trên từ năm 2013. Để đáp ứng theo các yêu cầu và điều kiện của phía công ty đánh giá chứng nhận, gia đình anh đã phải bỏ ra khá nhiều chi phí cho việc đầu tư, cải tạo công trình, làm thêm nhà vệ sinh, từ đó làm chi phí vụ nuôi tăng lên... Tuy nhiên, điều bất hợp lý là khi thu hoạch tôm thương phẩm, giá bán không cao hơn các hộ nuôi xung quanh, thậm chí là ngang giá khi xuất bán thương phẩm.

Còn theo anh Nguyễn Văn Chính, người quản lý trực tiếp tại Cơ sở nuôi thủy sản Mạnh Cường, các thủ tục hồ sơ, sổ sách của VietGAP quá rườm rà, thậm chí có những điều, khoản trong bộ quy phạm VietGAP chỉ thật sự hợp lý và phù hợp với những hộ "có điều kiện", trong khi đại đa số người nuôi tại địa phương đều là nuôi ở mức nhỏ lẻ và trung bình, chưa kể đến cơ sở hạ tầng tại đây còn thiếu đồng bộ, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Nhiều hộ nuôi tôm còn phản ánh, có một số loại phí chưa thật sự hợp lý trong đánh giá chứng nhận và gia hạn của VietGAP, chẳng hạn như phí đánh giá giám sát giữa kỳ, phí gia hạn của phía công ty đánh giá chứng nhận còn khá cao, giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong vòng 2 năm...

Để khắc phục thực trạng trên, ông Lê Tòng Văn, chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, chi cục đã tham mưu Sở NN & PTNT xây dựng 3 mô hình áp dụng tiêu chuẩn nuôi áp dụng VietGAP tại huyện Xuyên Mộc, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đánh giá, chứng nhận theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chi cục cũng đã tổng kết, rút kinh nghiệm và có hướng đề xuất với Sở nông nghiệp kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, chỉnh sửa các bất cập nêu trên. Vấn đề còn lại là ý thức của người nuôi trồng thủy sản trong việc làm quen với cách thức và phương thức sản xuất mới, hiện đại và quy củ, sự cầu thị của các cơ quan đánh giá chứng nhận VietGAP, ngoài ra Nhà nước cần có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà” trong nông nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và các bất cập từ những chính sách để từ đó có các giải pháp phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP đại trà, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.


Hiệu quả mô hình nuôi lươn sinh sản Hiệu quả mô hình nuôi lươn sinh sản Tổng cục Thủy sản triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá Tra Tổng cục Thủy sản triển khai hệ thống…