Tin nông nghiệp Nhiều lợi ích từ canh tác nông nghiệp hữu cơ

Nhiều lợi ích từ canh tác nông nghiệp hữu cơ

Tác giả Phương Duy, ngày đăng 11/10/2017

Nhiều lợi ích từ canh tác nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, tuy nhiên, điều đáng buồn là những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao hầu như chưa có mặt trên thị trường thế giới. Mặt khác, phương thức canh tác của nông dân từ trước đến nay là lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, biến môi trường và đất canh tác ngày càng xấu đi, áp lực sâu bệnh ngày càng trầm trọng... Canh tác nông nghiệp hữu cơ đã được đặt ra và là hướng đi mang lại nhiều lợi ích.

Hướng phát triển hợp lý

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Gương  (ĐH Cần Thơ), các nghiên cứu tại ĐH Cần Thơ cho thấy, canh tác hướng hữu cơ đem lại nhiều lợi ích. Cánh đồng trồng lúa 3 vụ, bón thêm phân hữu cơ tăng độ phì nhiêu, cải thiện đất và ổn định năng suất tốt hơn. Trên vườn cây ăn trái, nếu giảm đạm hóa học và phân lân, tăng phân hữu cơ sẽ  giúp cây trồng  phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ kết hợp nấm Trichoderma sẽ kiểm soát bệnh hại tốt hơn. Canh tác theo hướng hữu cơ là hướng đúng, trong đó rất cần nhiều sản phẩm hữu cơ - sinh học đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cái khó hiện nay là sản phẩm hữu cơ làm ra chưa gắn được với thị trường.

TS. Đỗ Trung Bình (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) cảnh báo, canh tác nông nghiệp hiện nay bón quá nhiều phân, thuốc hóa học làm đất gánh chịu tổn hại lớn và áp lực sâu bệnh ngày càng tăng. Điển hình ở Tây Nguyên, những vườn tiêu bón càng nhiều phân thuốc hóa học thì bệnh càng tăng. Canh tác áp dụng hữu cơ trước mắt giúp cải thiện môi trường, đất, nâng cao chất lượng nông sản. Còn để sản suất ra sản phẩm hữu cơ có thương hiệu, được chứng nhận để kinh doanh thì ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Chưa có hệ thống quản lý chất lượng nên người mua không thể nhận biết đó là sản phẩm hữu cơ. Việc cấp chứng nhận hữu cơ hiện có giá cao (từ 70 -  100 triệu đồng)…

Canh tác hữu cơ có làm giảm năng suất?

TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ thích hợp ở vùng có điều kiện và có thị trường. Việt Nam đang khuyến cáo sản xuất theo hướng GAP vì phù hợp và dễ làm hơn sản xuất theo hướng hữu cơ. Quan trọng nhất là tập huấn để nông dân sử dụng phân, thuốc ở mức an toàn, là bước tạo điều kiện cho canh tác hữu cơ về sau.

Nhiều nhà khoa học và cả nông dân băn khoăn khi chuyển qua canh tác theo hướng hữu cơ thì năng suất có đảm bảo? Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thị Gương cho biết, các báo cáo trên thế giới cho rằng khi chuyển sang canh tác hữu cơ hoàn toàn thì năng suất giảm 20%, tuy nhiên, năng suất sẽ tăng dần những năm về sau. Theo chuyên gia Nhật về canh tác hữu cơ, nếu đầu vào đảm bảo chất lượng tốt thì năng suất không giảm. Từ kinh nghiệm sản xuất thực tế, anh Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc điều hành trang trại hữu cơ Zota (Lâm Đồng) cho rằng, canh tác rau màu hữu cơ năng suất không thua kém canh tác  kiểu truyền thống dùng phân, thuốc hóa học. Quan trọng là biện pháp canh tác và nguyên liệu phục vụ canh tác chất lượng tốt. TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, canh tác hữu cơ tất yếu sẽ giảm chi phí thuốc BVTV. Còn về năng suất, nếu canh tác đúng thì năng suất từ bằng hoặc cao chứ không thấp hơn.

Cần áp dụng rộng rãi

GS. Mai Văn Quyền cho rằng, lợi ích của canh tác hữu cơ là cần thiết để hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cao giá trị nông sản cho Việt Nam, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Còn theo GS. Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội BVTV Việt Nam, cần phân biệt áp dụng canh tác hữu cơ cho mọi loại cây trồng với canh tác hữu cơ hoàn toàn để lấy chứng nhận hữu cơ (organic). Ở Việt Nam, nếu canh tác theo hướng thứ hai thì nên chọn đối tượng cho hiệu quả kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu. Còn áp dụng canh tác hữu cơ bằng cách tăng cường bón phân hữu cơ thay thế hoặc giảm phân hóa học, giảm thuốc BVTV thì cần áp dụng trên tất cả cây trồng. Các nghiên cứu đã chứng minh nếu bổ sung hữu cơ cho đất thì sẽ giảm được sâu bệnh hại vì bệnh hại cây trồng phần lớn có nguồn gốc từ đất, chủ yếu là do lạm dụng nhiều hóa học. Đất càng thoái hóa, càng nghèo hữu cơ thì áp lực bệnh hại càng nặng nề và việc dùng hóa học lại càng không thể giải quyết.

Ông David Gould, cố vấn chuỗi giá trị IFOAM, chuyên gia nông nghiệp hữu cơ cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ rất cần thiết, là nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững. Những sản phầm hữu cơ được chứng nhận cần thị trường tốt để nông dân thấy được lợi ích.

Ông Võ Minh Khải, giám đốc Công ty CP TM&SX Viễn Phú (sản xuất gạo hữu cơ tại Cà Mau) cho biết, nếu có điều điện canh tác hữu cơ hoàn toàn (cấp chứng nhận quốc tế) không lo đầu ra vì thị trường thế giới tiềm năng rất lớn. Nông dân hiện nay rất sợ canh tác có sử dụng  phân thuốc hóa học nhưng chuyển sang canh tác hữu cơ hoàn toàn  thì cần chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật…


Làm phân than sinh học từ mọi phế liệu nông - lâm nghiệp Làm phân than sinh học từ mọi phế… Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 10 - 16/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong…