Nhiều Nơi Đang Bị Hạn Nặng
Nắng nóng gay gắt và kéo dài đã làm cho nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh bị khô cạn, dẫn đến nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới, có nguy cơ bị chết khô. tại nhiều địa phương, nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc đang bị thiếu trầm trọng.
Phù Mỹ - hạn hán nghiêm trọng
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, nắng nóng kéo dài từ cuối vụ Đông Xuân 2013-2014 đến nay đã làm cho nhiều hồ nước trên địa bàn huyện bị khô cạn. Lưu lượng dòng chảy trên sông La Tinh và các suối cũng đang xuống rất thấp. Toàn huyện có 49 hồ chứa nước với dung tích thiết kế 42 triệu m3 nước, nhưng đến nay có 44 hồ chứa đã bị khô cạn. Lượng nước còn lại tại 9 hồ với khoảng 8,5 triệu m3 không đủ cung cấp nước cho cây trồng vụ Hè Thu.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Tổng diện tích cây trồng vụ Hè Thu trên địa bàn huyện là 7.800 ha, trong đó có 5.286 ha lúa. Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới bị thiếu hụt nghiêm trọng. Toàn huyện hiện có 1.505 ha cây trồng (trong đó có 1.147 ha lúa) ở các xã Mỹ Tài, Mỹ Thọ, Mỹ Lộc, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp… thiếu nước tưới trầm trọng. Bên cạnh đó, có 6.500 hộ dân tại các địa phương cũng đang thiếu nước sinh hoạt.
Mỹ Châu là một trong những địa phương đang bị hạn trên diện rộng. Ông Trần Phúc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, cho biết: Vụ Hè Thu năm nay, toàn xã gieo sạ 431 ha lúa. Phần lớn diện tích lúa ở địa phương đều lấy nước từ 4 hồ chứa nước: Đập Ký, Đội 10, Đồng Dụ, Hóc Môn, nhưng cả 4 hồ chứa đều đã khô cạn, nên đã có 144 ha lúa bị hạn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hàng trăm ha cây trồng cạn bị thiếu nước nghiêm trọng. Nắng nóng kéo dài cũng đã làm cho 901 giếng nước của người dân tại 9 thôn khô nước, nhiều hộ dân phải đi xin nước về sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Tư, nông dân ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, bộc bạch: “Nguồn nước từ các công trình thủy lợi không còn, gia đình tôi đã đóng giếng lấy nước ngầm để chống hạn cứu lúa. Thế nhưng mạch nước ngầm cũng bị “đứt”, không có nước tưới, cây lúa đã bị cháy vàng, chắc khó cứu được”.
Đề cập đến vấn đề chống hạn, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra cụ thể nguồn nước hiện có tại các hồ chứa nước và thông báo cho người dân biết để chủ động chống hạn.
Các địa phương, các đơn vị quản lý thủy nông tập trung nạo vét kênh mương, khơi dòng sông, suối, đắp các đập bổi để lấy nước tưới; vận động nông dân đóng giếng lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Hiện hồ Phú Hà ở xã Mỹ Đức còn khá nhiều nước (khoảng 3 triệu m3), chúng tôi sẽ xả nước hồ đưa về đầm Châu Trúc nhằm nâng mặt nước đầm, và tăng cường các trạm bơm trong khu vực này để bơm tưới cho cây trồng tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và thị trấn Bình Dương.
Huyện cũng đã chỉ đạo Ban quản lý các nhà máy nước trên địa bàn phát huy tối đa công suất nhà máy để cấp nước. Khu vực nào thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, chính quyền địa phương đề xuất, UBND huyện sẽ chỉ đạo lấy nước từ các nhà máy chở đến cấp cho dân.
Cát Trinh - 170 ha lúa thiếu nước tưới
Là địa phương bị hạn nghiêm trọng nhất ở huyện Phù Cát, hiện xã Cát Trinh đang dồn mọi nỗ lực chống hạn cứu lúa vụ Hè. Ông Phạm Thảo, nông dân ở thôn An Đức, cho biết: Vụ này tôi sạ 6 sào ruộng, nhưng đã gần 1 tháng nay không còn nước tưới tự chảy, nên phải khoan giếng bơm tưới cứu lúa. Nếu trời tiếp tục nắng khoảng 10 ngày nữa thì giếng cũng không còn nước, chắc phải bỏ lúa cho bò ăn.
Trong vụ Hè này, xã Cát Trinh sạ 212 ha lúa, trong đó có 170 ha được tưới từ hồ chứa Suối Chay, nhưng hồ đã khô cạn hơn 1 tháng qua, nên không còn nước để tưới. Ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho biết: Xã đã thành lập Ban chỉ đạo chống hạn; khảo sát tìm nguồn nước ngầm phục vụ chống hạn, từ nguồn kinh phí phát triển sản xuất và cấp bù thủy lợi phí.
Xã Cát Trinh cũng đã quy hoạch vùng và vận động một số hộ dân hy sinh một phần ruộng lúa của mình để lấy diện tích đào ao cùng bơm tưới, xã sẽ cấp bù lại diện tích này để sản xuất các vụ tiếp theo. Ngoài ra, xã còn đào 1 giếng lớn có đường kính 3 m ở xóm Gò Quy, thôn An Đức, lấy nước phục vụ sinh hoạt cho trên 100 hộ dân ở đây.
Tập trung cho việc chống hạn, xã Cát Trinh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để khoan 19 giếng đôi, mỗi giếng tưới khoảng 2 ha; đào 3 ao mỗi ao 150 m2, tưới khoảng 4 ha. Cộng với 28 giếng khoan năm trước được khơi thông trở lại, sẽ bảo đảm được nước tưới khoảng 70 ha, còn lại 100 ha, trong đó có một phần diện tích sẽ trong tình trạng thiếu nước, và một phần diện tích nhiều khả năng sẽ bị khô cháy.
An Tân - 71 ha lúa bị khô hạn
Toàn huyện An Lão hiện có 133 ha lúa và hoa màu vụ Hè Thu bị thiếu nước tưới, tập trung tại các xã An Trung, An Hòa, An Tân, An Quang, An Nghĩa và thị trấn An Lão… Trong đó xã An Tân là địa phương có diện tích cây trồng bị khô hạn nhiều nhất, chiếm đến 71 ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết: Vụ Hè Thu năm nay toàn xã đã gieo sạ 130 ha lúa và 36 ha cây trồng cạn các loại. Do nắng nóng kéo dài từ đầu vụ sản xuất đến nay nên tại địa phương đã xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ, nhiều diện tích lúa thiếu nước tưới.
Đặc thù ở xã An Tân là diện tích sản xuất nhỏ lẻ, phân tán trên nhiều cánh đồng, phần lớn là ruộng bậc thang, lượng nước tưới tiêu hao lớn, được tưới chủ yếu từ các đập dâng, đập bổi. Do vậy, những năm xảy ra nắng hạn kéo dài bị thiếu nước tưới là điều khó tránh khỏi.
Ông Lê Thanh Bình, nông dân ở thôn Thanh Sơn, sản xuất 7 sào lúa Hè Thu, lúa gần một tháng tuổi nhưng đã nhiều ngày qua bị đứt nguồn nước tưới, ruộng nứt nẻ từng mảng lớn, lúa bắt đầu khô héo. Ông Bình bức xúc: “Chưa năm nào nắng nóng, khô hạn như năm nay. Nhiều diện tích ruộng trong thôn không còn nguồn nước nào để tưới. Nhiều người gieo mạ nếp rồi nhưng ruộng vẫn bỏ không vì không có nước để làm đất, xuống giống”.
Trước tình hình hạn hán, UBND xã An Tân đã kiện toàn Ban chỉ đạo nông nghiệp xã, phân công thành viên đứng chân tại các thôn trực tiếp chỉ đạo chống hạn; vận động nông dân chủ động chuyển đổi một số diện tích thiếu nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn, sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt, sản xuất.
Xã đã chỉ đạo HTXNN kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi nhằm hạn chế tiêu hao trên dòng chảy và tưới tiêu hợp lý cho từng cánh đồng. Xã cũng sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí năm 2014 để mua máy bơm, khoan giếng, nạo vét kênh mương và huy động mọi nguồn lực chống hạn cho cây trồng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ