Nhiều nông dân treo ao chờ vụ nuôi tôm mới
Những căn chòi canh xiêu vẹo, những cánh quạt nằm chỏng chơ trên bờ vuông, ao nuôi tôm ngập sâu trong nước hay khô cạn đáy… Đó là những hình ảnh dễ thấy ở những vùng vốn có thế mạnh về nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong ảnh: Nhiều người dân bỏ trống ao nuôi tôm để chờ vụ nuôi mới. Ảnh: C.L
Sau thời gian nắng nóng kéo dài, những cơn mưa lớn lại đột ngột xuất hiện làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm của người dân. Sự thay đổi thất thường của thời tiết làm cho các yếu tố môi trường như độ mặn, độ kiềm, độ pH trong ao nuôi bị biến động. Từ đó, làm thay đổi hệ sinh thái ao nuôi, làm sức đề kháng, hệ miễn dịch tôm nuôi giảm, tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn, vi-rút phát triển và gây bệnh. Ở TX. Giá Rai, trung tuần tháng 10/2016, đã có 900ha tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và tôm nuôi kết hợp bị thiệt hại do thời tiết bất lợi.
Để hạn chế những tác động xấu, các hộ nuôi tôm đã treo ao để chờ thời tiết thuận lợi mới thả tôm nuôi vụ mới. Anh Nguyễn Minh Tân (xã Tân Thạnh, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Từ đầu năm tới nay, tôi mới nuôi 1 vụ tôm nhưng không thành công vì tôm bị bệnh, phải thu hoạch sớm. Tôi định cải tạo lại ao để thả tôm nuôi thì trời lại mưa suốt nên đành treo ao chờ qua hết mùa mưa mới bắt đầu nuôi tôm”.
Việc treo ao trong thời gian dài sẽ làm nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi tôm, việc bỏ trống ao nuôi một thời gian trong năm sẽ tạo điều kiện cho đất có thời gian “nghỉ ngơi”, phục hồi lại độ phì nhiêu. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp vụ nuôi kế tiếp hiệu quả. Ông Huỳnh Văn Ninh (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) nói: “Nếu trong một năm nuôi tôm mà không cải tạo đất, cho đất có thời gian phục hồi thì khó có thể nuôi tôm thành công”.
Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi được bà con và ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm. Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế việc tôm bị bệnh do thời tiết.
Ông Trương Văn Triều, Phó trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Để giúp người nuôi tôm chủ động sản xuất, nhất là vào mùa mưa, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con các biện pháp phòng và điều trị bệnh trên tôm nuôi. Đồng thời khuyến cáo bà con chậm xuống giống hoặc nuôi tôm với mật độ thưa để thuận tiện chăm sóc cũng như chủ động phòng chống bệnh cho tôm nuôi”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ