Nhiều Nông Dân Vẫn Còn Lấy Lúa Thương Phẩm Để Làm Giống
Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...
Trong nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Chư Jút, nhiều hộ nông dân ở các xã như Chư K’nia, Đắk D’rông, Đắk Wil… có không ít hộ nông dân vẫn sử dụng nguồn giống lúa giữ lại từ mùa trước (tạm gọi là lúa thương phẩm) để gieo cấy.
Ông Sùng Văn Vừ ở thôn 17, xã Đắk D’rông cho biết: "Mặc dù nhiều lần được cán bộ nông nghiệp huyện về hướng dẫn áp dụng giống mới và tôi nhận thấy sử dụng giống mới là rất tốt, nhưng do địa bàn thôn ở quá xa trung tâm, không có đại lý bán giống nên không thể tìm đâu ra được các giống lúa theo hướng dẫn của cán bộ”.
Không chỉ ở những cánh đồng vùng sâu, vùng xa của xã Đắk D’rông, ngay như tại cánh đồng thôn 1 xã Chư K’nia chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 km, đường sá thuận lợi nhưng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn lấy lúa thương phẩm làm giống. Tuy nhiên, những ruộng lúa gieo sạ bằng giống tự để chỉ cho năng suất 3 -3,5 tấn/ha.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì so với trước đây, trình độ thâm canh lúa nước của nông dân trên địa bàn huyện, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng lên đáng kể, nhưng trước thực trạng vẫn còn một số hộ nông dân sử dụng giống theo cách truyền thống là lấy lúa thương phẩm từ vụ trước để gieo cấy vụ sau đã làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lương thực hàng năm của địa phương.
Còn tại huyện Krông Nô, địa phương được xem là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của tỉnh thì tình trạng một bộ phận người dân sử dụng lúa thương phẩm làm giống vẫn diễn ra. Các hộ dân này chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ và di cư từ phía Bắc vào sinh sống chủ yếu ở Nâm N’đir, Buôn Chóah, Đắk Nang, Quảng Phú… Qua tìm hiểu, đa số những ruộng lúa sử dụng giống tự để lại năng suất lúa bình quân rất thấp so với bình quân chung của tỉnh.
Lý giải nguyên nhân này, nhiều người cho rằng do lợi nhuận làm dịch vụ cung cấp lúa giống không lớn nên tư thương ít quan tâm. Trong khi các cơ quan chức năng còn chưa có biện pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ cho bà con. Vì vậy, nguồn cung cấp lúa giống ở các xã vùng sâu, vùng xa gần như bỏ ngỏ.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các thôn, bon, buôn vùng xa ở huyện như Chư Jút, Krông Nô mà ngay tại các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song… những địa phương được chú trọng triển khai nhiều chương trình khuyến nông tình hình cũng diễn ra tương tự.
Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần có biện pháp giúp bà con nông dân tiếp cận thuận lợi với nguồn lúa giống, từng bước loại bỏ tập quán sản xuất lạc hậu này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ