Thống kê chăn nuôi Nhìn lại tình hình chăn nuôi tháng 6/2018

Nhìn lại tình hình chăn nuôi tháng 6/2018

Tác giả PV, ngày đăng 06/07/2018

Nhìn lại tình hình chăn nuôi tháng 6/2018

Với giá lợn hơi đang ở mức cao, người chăn nuôi vẫn đang ở mức có lãi. Tuy nhiên, để chủ động tham gia thị trường và giá bán ổn định, các hộ chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt vào lúc này.

Xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế là rào cản lớn cho xuất khẩu thịt lợn (Ảnh: Internet)

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn hơi trong nước sau khi tăng mạnh trong tháng 5/2018 đã biến động giảm nhẹ trong tháng 6, đến ngày 24/6 dao động phổ biến ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5. Hiện tại với giá lợn hơi đang ở mức cao người chăn nuôi vẫn đang ở mức có lãi.

Tuy nhiên, để chủ động tham gia thị trường và giá bán ổn định, các hộ chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt vào lúc này bởi giá mua lợn giống hiện nay khá cao. Hơn nữa, nguồn dữ trữ và cung ứng từ các trại nuôi của các doanh nghiệp lớn còn đáng kể nên người chăn nuôi chủ động tham gia vào các hợp tác xã, sản xuất liên kết theo các chuỗi, đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định và có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Giá lợn hơi đang ở mức cao, người chăn nuôi có lợi

Các loại thịt khác (thịt bò, gà) không có nhiều biến động. Thịt gà nguồn cung vẫn khá dồi dào so với nhu cầu khiến giá gà thịt công nghiệp lông màu tại trại ở các tỉnh phía Nam giảm. Giá bình quân tại trại của loại gà này ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ giảm lần lượt 20,9% và 21,4% so với tháng 5/2018, xuống còn 31.800 đồng/kg và 30.800 đồng/kg. Chăn nuôi gia cầm thuận lợi do dịch bệnh không xảy ra, giá bán dao động ổn định ở mức có lãi cho người chăn nuôi là những yếu tố khiến đàn gia cầm phát triển.

Tổng cục Thống kê ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2017. Giá các loại thịt bò trong nước không thay đổi nhiều do nguồn cung và nhu cầu ổn định.

Trong tháng 6/2018, thị trường thịt thế giới có nhiều biến động khi Mehico tuyên bố sẽ áp mức thuế 20% đối với chân và thịt lợn vai, các sản phẩm thịt lợn tươi và đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc cũng ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt lợn nhập từ Mỹ, khiến thịt lợn của Mỹ phải đối mặt mức thuế nhập khẩu lên đến 71% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 6/7/2018. Do Mehico và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn nhất, Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa thịt lợn trong thời gian tới và giá thịt lợn sẽ giảm mạnh ở Mỹ.

Tại Úc, nguồn cung nội địa dư thừa và sức tiêu thụ ở mức thấp đã làm giá thịt lợn tại nước này giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử (người chăn nuôi nước này đang chịu lỗ 50 AUD/1 con lợn), một số hộ thậm chí còn đối mặt với việc tiêu hủy đàn lợn vì không thể tìm được thị trường tiêu thụ. Giá thịt lợn thế giới dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn có xu hướng tăng như trên. Tuy nhiên, đây có thể là điểm cần lưu ý vì trong khoảng hai năm gần đây, ngành chăn nuôi nhiều nước đã vất vả, khó khăn vì tình trạng dư cung, ví dụ như ở Việt Nam, Trung Quốc và mới đây là Úc, sắp tới có thể thêm Mỹ.

Theo khuyến cáo của Cục chế biến và phát triển thị trường Nông sản, nguồn cung các mặt hàng thịt tại các thị trường thế giới như Mỹ, EU, Australia đang tăng. Đồng thời, xu hướng bảo hộ thương mại trên thị trường quốc tế đang là một rào cản lớn cho xuất khẩu thịt. Trong nước, mặc dù giá thịt lợn đang ở mức có lãi cho người chăn nuôi, nhưng cần chủ động kiểm soát quy mô đàn tránh tình trạng dư cung trong thời gian tới.

Nguồn cung mặt hàng gia cầm (gà) có xu hướng tăng trưởng tốt, có thểhướng đến xuất khẩu để gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, cần tăng cường phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở đàn gia cầm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6 năm 2018, ước đàn bò có 5,58 triệu con, tăng 2,2%, trong đó bò sữa có 310 nghìn con, tăng 5,6%; đàn gia cầm khoảng 378 triệu con, tăng 5,2%; đàn lợn có 26,42 triệu con, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. So với 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3,49%; trong đó, thịt bò đạt 185,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; thịt gia cầm đạt 608 nghìn tấn, tăng 6,1%; sữa đạt 470 nghìn tấn, tăng 8,2%; trứng đạt 6,27 tỷ quả, tăng 11,3%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi đạt 9.053 nghìn tấn, tăng 5,7%.


Tổng quan về ngành chăn nuôi gà của Việt Nam Tổng quan về ngành chăn nuôi gà của… Thị trường nguyên liệu - thức ăn chăn nuôi thế giới ngày 6/7: Giá đậu tương giảm Thị trường nguyên liệu - thức ăn chăn…