Nhọc nhằn nghề cào nghêu
Mưu sinh trên bãi nghêu
Theo những người dân nơi đây thì nghề cào nghêu có từ những năm đầu sau giải phóng.
Và từ đây công việc cào nghêu thuê bắt đầu hình thành.
Đến với bãi biển Tân Thành vào một ngày nắng sớm, thủy triều bắt đầu rút về tận phía đằng xa.
Những bông hoa muống biển đua nhau khoe sắc như thì thầm nhắn nhủ đến với những người cào nghêu lời chúc sẽ có 1 ngày bội thu.
Đây cũng chính là thời điểm những người thợ cào nghêu chuẩn bị ra bãi cào nghêu để bắt đầu 1 ngày làm việc mới.
Để có thể ra được bãi cào nghêu, người thợ cào phải lội bộ hơn 2 cây số, cũng có khi do quãng đường quá xa họ phải di chuyển bằng ghe.
Bãi biển Tân Thành với đặc trưng là cát đen pha bùn, chính vì vậy quãng đường từ đất liền ra đến nơi cào nghêu rất lầy lội và khó đi.
Dưới cái nắng từng lúc một gay gắt, từng đoàn người tay bưng rổ, lưng mang gùi nối tiếp nhau trong trạng thái khẩn trương “bì bõm” dưới làn nước đặc quánh lại vì bùn, cứ thế nối đuôi nhau đi ra tận ngoài xa.
Có người vì sợ trễ, không cào được nhiều nghêu nên đã tranh thủ chạy thật nhanh mặc cho dưới chân là những vỏ nghêu, vỏ ốc nằm la liệt.
Đến được bãi cào nghêu, hàng trăm đàn ông và phụ nữ nhanh chóng lao vào công việc.
Họ phân bố rải rác khắp bãi nghêu, nhìn từ xa trông như những đốm đen di động.
Ai nấy cũng làm việc một cách khẩn trương, ráo riết để mong sao có thể cào được thật nhiều nghêu và cho kịp con nước.
Mặc cho nắng và gió trên đầu, họ vẫn miệt mài với công việc cào nghêu của mình.
Hòa cùng với những tiếng “lõm bõm”, “lẹt xẹt” do việc cào nghêu mang lại thì những tiếng cười nói, chọc ghẹo nhau của những chị em phụ nữ cũng góp phần làm sinh động thêm bức tranh đầy màu sắc trên bãi nghêu.
Cô Phạm Thị Tuyết (53 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) thủ thỉ: “Phải cào cho nhanh để kịp con nước.
Cái nghề này cũng không có gì khó cả, có điều là hơi vất vả thôi.
Dân lao động mà!”.
Dụng cụ cào nghêu được cấu tạo khá đơn giản, giống như một chiếc liềm dùng để cắt lúa, phần lưỡi cào được làm bằng sắt, phần cán thì được làm bằng gỗ.
Dụng cụ thì rất nhỏ gọn.
Tuy nhiên, công việc thì lại rất vất vả do đôi tay phải liên tục cào xới dưới lớp cát dày để tìm bắt những con nghêu.
Có gần 30 năm trong nghề cào nghêu, cô Mai Thị Kim Phượng (56 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Tôi cào nghêu từ thời còn con gái tới bây giờ.
Sau khi lấy chồng, tôi vẫn tiếp tục đi cào, nghề này phải nói là khá cực nhọc, ngày nào cũng phải đi cào, “bán mình” cho biển.
Do phải ngồi cào liên tục thành ra rất đau lưng, tay chân cũng mỏi nhừ”.
Tiền công sau những buổi cào nghêu được tính bằng số lượng nghêu cào được nhân với giá tiền mà chủ bãi nghêu thuê cho mỗi ký, chính vì vậy mọi người ở đây ai cũng tỏ ra sốt sắng.
Đôi tay cào, xới liên tục, đôi bàn chân cứ thế di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, cặp mắt liên tục quan sát xem chỗ nào có nghêu nhiều để đến cào.
Đấy là công việc xuyên suốt của họ từ đầu cho đến lúc cân nghêu.
“Việc cào nghêu này thì ngày nào cũng làm, do phụ thuộc vào con nước, thế nên có khi hôm nay cào ban ngày, ngày mai lại cào ban đêm.
Ban ngày thì trời nắng nóng thâm rát cả thịt da, còn ban đêm thì lạnh dữ lắm!” - chị Nguyễn Thị Tần (ngụ xã Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) cho biết.
Ổn định cuộc sống
Trước kia khi chưa có nghề cào nghêu, đời sống của người dân ven biển Tân Thành gặp rất nhiều khó khăn, đất đai bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, cây lúa chỉ làm được 1 vụ.
Nghề cào nghêu xuất hiện đã góp phần ổn định cuộc sống của nhiều người dân nơi đây, đẩy lùi nghèo đói.
Nghề cào nghêu là công việc quanh năm, chính vì vậy những người thợ cào nơi đây có được một nguồn thu ổn định nhờ từ việc đi cào nghêu mỗi ngày.
Thủy triều bắt đầu mấp mé, đây là thời điểm những người cào nghêu kết thúc công việc của mình.
Sau hàng giờ ngâm mình dưới làn nước biển, cuối cùng thành quả từ việc cào nghêu mang lại cũng đền đáp công sức mà họ bỏ ra.
Từng rổ nghêu đầy ắp, trắng nõn được những người thợ cào mang đến chiếc ghe cân đang chờ sẵn.
Dưới cái nắng từng lúc như thiêu đốt, hàng trăm người hối hả bưng, vác thành phẩm của mình đến chỗ cân nghêu.
Họ đứng tạo thành một hàng dài - những người dân biển với nụ cười chân chất, ánh mắt tràn đầy niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.
Trên những khuôn mặt rám nắng, in dấu tích của thời gian, ai nấy cũng tỏ ra phấn khởi khi đứng trước thành quả lao động của mình.
Chị Nguyễn Thị Út (35 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) 2 tay bê rổ nghêu mặt hướng về phía chiếc ghe cân, nói với chúng tôi: “Bữa nay, chủ sân nghêu chỉ trả công 2 ngàn rưỡi/kg thôi.
Cào cả buổi trời mà chỉ khoảng hơn 20 kg, với giá 2 ngàn rưỡi thì chắc được 60 - 70 ngàn đồng.
Nặng nhọc là vậy, nhưng được cái ngày nào cũng có đồng ra đồng vô”.
Những người cào nghêu chờ đến lượt mình để cân nghêu.
Phần đông những người cào nghêu ở đây thì việc cào nghêu chỉ là nghề phụ của họ.
Khi mà miếng vườn, mảnh ruộng không thể giúp cuộc sống của họ ổn định thì nghề cào nghêu được xem như là “cứu cánh” giúp cuộc sống của họ ngày càng no ấm hơn.
Trung bình mỗi ngày những người cào nghêu kiếm được khoảng 100 ngàn đồng.
Số tiền tuy không nhiều nhưng đối với họ đó là cả quá trình lao động cực nhọc, nhờ đó mà có cái để trang trải cuộc sống.
Đối với một số người không có đất sản xuất phải đi làm mướn, thì nghề cào nghêu được xem là nghề chính của họ, giúp họ nuôi sống bản thân và lo cho gia đình.
“Vợ chồng tôi quanh năm đi làm mướn, ai thuê gì thì làm cái đó.
Chồng tôi cũng đi cào nghêu thuê như tôi.
Nghề này gắn bó với tôi hơn 10 năm nay, giúp tôi lo cho mấy đứa con ăn học” - cô Tuyết bộc bạch.
Kết thúc 1 ngày cào nghêu, từng nhóm người nối tiếp nhau trở về nhà sau 1 ngày làm việc vất vả.
Họ mang trên vai gánh nặng mưu sinh, nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền cứ thế đè nặng lên đôi vai của họ.
Họ chính là những bông hoa muống biển giữa đời thường, với nghị lực phi thường cùng bản chất “chịu thương chịu khó” hàng ngày vẫn khoe sắc, dẫu trước mắt là những khó khăn, vất vả.
Mỗi chuyến cào nghêu là một hành trình thắp sáng những ước mơ, một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ