Ca cao Những biện pháp nâng cao năng suất ca cao trong giai đoạn kinh doanh

Những biện pháp nâng cao năng suất ca cao trong giai đoạn kinh doanh

Tác giả Nguyễn Trung Hiếu - Trạm Khuyến nông Châu Thành, ngày đăng 30/09/2016

Những biện pháp nâng cao năng suất ca cao trong giai đoạn kinh doanh

Những biện pháp chính để nâng cao năng suất ca cao kinh doanh như sau:

1. Điều chỉnh cây che bóng:

Cắt các cành sà, cành vươn xa làm ảnh hưởng sự phát triển tán ca cao, đảm bảo bộ tán cây ca cao nhận được tối thiểu 60% ánh sáng để cây quang hợp tốt, tổng hợp dinh dưỡng nuôi cây, hoa, quả.

2. Tỉa cành cây ca cao:

Mục đích của việc tỉa cành tạo tán là:

- Tạo tán cây cân đối, tránh đỗ ngã, dễ đi lại chăm sóc và thu hoạch.

- Giảm cạnh tranh dinh dưỡng, tập trung dinh dưỡng nuôi thân và trái.

- Dể phòng trừ sâu bệnh, giúp vườn ca cao có năng suất cao và bền vững.

Tỉa cành giai đoạn kinh doanh:

- Tỉa chồi vượt mọc ra từ gốc ghép, thân chính.

- Tỉa các cành sâu bệnh, để tránh lây lan mầm bệnh cho trái và thân.

- Tỉa các cánh có xu hướng hướng vào thân chính.

- Tỉa các cành nhỏ bên trong thân và cành cấp 1 để vườn thông thoáng.

- Khống chế chiều cao của vườn cây từ 3,5m trở lại bằng cách thường xuyên hạm ngọn.

Lưu ý: Nên thực hiện việc tỉa cành tạo tán vào đầu mùa mưa (tháng 4 -5 dương lịch), không tỉa quá mạnh tây trong một lần tỉa; tạo bộ tán đều, thoáng, đủ ánh sáng, còn nhiều lá và lá nhận được ánh sáng; không nên để ánh sáng chiếu nhiều vào thân sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đậu trái.

3. Bón phân cho cây ca cao:

Cây ca cao giai đoạn này cần nhiều kali nhất, đến đạm, lân. Ngoài ra nhu cầu về trung và vị lượng đối với ca cao cũng khá cao, đặc biệt là canxi. Lượng phân bón tùy thuộc vào điều kiện đất đai và sản lượng ca cao thu hoạch.

- Loại phân bón cho giai đoạn này là: NPK 10-10-15 hoặc 12-12-17

- Lượng phân bón: 200 - 320gr/cây/lần bón.

- Số lần bón: 6 lần/năm, bón vào các tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11.

- Cần bón vôi hàng năm để cung cấp canxi cho cây trồng lượng bón từ 500 -1000kg/ha. Hoặc có thể bổ sung các loại phân có hàm lượng canxi để tăng khả năng đậu trái, tăng phẩm chất hạt.

Cách bón: đánh rảnh quanh tán cây rồi lấp đất lại, nếu mặt vườn có nhiều lá thỉ chỉ cần cào lá ra rồi bỏ phân theo vành tán rồi lấp lá lại.

* Lưu ý: Không nên bón phân lá tủ gốc, chỉ bón phân trong mùa khô nếu đảm bảo nước tưới, nên bổ sung thêm các phân bón lá có các trung lượng (Ca, Mg, S) và vi lượng (Fe, Mn, Zn, Cu, B, Mo) để tăng khả năng đậu trái.

4. Quản lý sâu bệnh: 2 đồi tượng gây hại nặng làm giảm năng suất trên vườn ca cao là bọ xít muỗi, và bệnh thối thân, cháy lá, thối trái do nấm Phytophthora gây ra, nếu quản lý tốt 2 đối tượng này không chỉ làm tăng năng suất ca cao, vườn cây sẽ bền vững hơn.

a. Bọ xít muỗi:

* Hình thái :

- Bọ trưởng thành giống con muỗi lớn, màu xanh, con cái dài 4-5 mm, con đực nhỏ hơn.

- Bọ tuổi nhỏ màu vàng nhạt.

* Đặc diểm gây hại:

- Hoạt động vào sáng sớm và chiều mát, ngày âm u hoạt động cả ngày.

- Bọ xít muỗi thường gây hại nặng trong mùa mưa, trên các vườn rậm rạp, ít cắt tỉa, đặc biệt ở các vườn có cây che bóng quá dày.

- Đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 2-4 quả trên búp hoặc trên gân lá, trứng đẻ sâu trong biểu bì để lộ ra 2 sợi lông dài.

- Bọ trưởng thành và bọ non chích hút chồi non, cành non và trái, các vết chích bị thâm đen. Bị hại nặng búp và lá non xoăn lại, khô héo, trái non kém phát triển bị héo khô, trái lớn phát triển dị dạng, ít hạt và dễ bị nấm hại xâm nhập.

* Biện pháp quản lý :

- Vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa bỏ các cành nhánh vô hiệu.

- Tỉa cây che bóng cho vườn thông thoáng.

- Nuôi kiến đen (loài Dolichoderus thoradicus) trong vườn ca cao có khả năng làm giảm sự tác hại của bọ xít muỗi.

- Phun thuốc vào sáng sớm khi cây ra lá non, chồi non mới nhú và đậu trái non : Fastac 5EC ; Cyper 5EC ; Mospilan 3EC, Sumithion 50EC, Karate 2,5EC. Phun lại lần 2 cách lần 1: 12 ngày để diệt lứa tiếp theo.

b. Bệnh thối thân, cháy lá, thối trái

* Tác nhân :

- Do nấm Phytophthora palmivora.

 - Nấm P.palmivora có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần sự ẩm ướt để sinh sản, phát triển và gây hại. Bệnh phát triển, lây lan mạnh trong mùa mưa, nhiệt độ không khí trên dưới 30ºC ở những vườn ẩm thấp, đọng nước.

* Triệu chứng gây hại :

- Đây là bệnh quan trọng nhất trên cây ca cao. Bệnh xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, trái.

- Trên thân cách mặt đất khoảng 1m, xuất hiện các vết bệnh sậm màu hơi ướt, sau chuyển sang nâu đỏ, vỏ bị bệnh nứt ra và chảy nhựa vàng. Lâu ngày, vết bệnh lan khắp vòng thân và ăn sâu vào phần gỗ, lá héo và rụng. Ở những cây nhiều tuổi, bệnh có thể hại cả trên cành. Cây bị bệnh lá héo, rụng, cành bị khô, cây có thể chết.

- Trên lá, vết bệnh màu xanh tái hơi ướt xuất hiện đầu tiên trên mép và chóp lá, sau lan rộng vào phía trong phiến lá, chuyển màu nâu, lá bị cháy khô từng mảng.Trong điều kiện ẩm ướt trên vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng.

- Trên vỏ trái xuất hiện những chấm màu nâu lan rất nhanh, sau chuyển qua đen và từ từ bao kín mặt trái. Trái non đen khô cứng và vẫn dính trên cây. Trái gần thu hoạch bị thối một phần hoặc cả quả, quả bị rụng, hạt lép, giảm sản lượng.

 * Biện pháp quản lý:

- Tỉa cành hợp lý tạo thông thoáng, giảm độ ẩm dưới tán lá.

- Tạo bóng râm thích hợp để đủ ánh sáng trong vườn ca cao.

- Tăng cường bón phân hữu cơ giúp tăng khả năng chóng chịu của cây ca cao, có thể kết hợp phân hữu cơ với nấm Tricoderma cho vườn ca cao để nấm hoạt động và tiêu diệt các mầm bệnh.

- Hái bỏ, chôn các trái bệnh để tránh bào tử phát tán do gió, nước mưa, côn trùng.

- Thường xuyên kiểm tra nhất là vào mùa mưa để phòng trừ bằng thuốc: Ridomyl Gold, Mataxyl 25WP hoặc Aliette 80WP, Agri – Fos 400.

Hy vọng với những thông tin kỹ thuật này, bà con chăm sóc vườn ca cao đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất cây cao gia đình và góp phần giúp cây ca cao phát triển bền vững trong thời gian tới.


Kỹ thuật bón phân cho cây ca cao Kỹ thuật bón phân cho cây ca cao Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Ca Cao Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Ca Cao