Mô hình kinh tế Những cánh chim đầu đàn của ruộng đồng

Những cánh chim đầu đàn của ruộng đồng

Ngày đăng 08/10/2015

Những cánh chim đầu đàn của ruộng đồng

Những gương mặt này sẽ “trình làng” trong Chương trình giao lưu nghệ thuật, tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” diễn ra vào tối 14.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Kể từ năm 2013, Chương trình bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” (gọi tắt là Chương trình) đã bước sang tuổi thứ 3.

Năm 2015, Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi được xem là 1 trong những hoạt động nổi bật của T.Ư Hội NDVN kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập; chào mừng Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Sự lựa chọn khó khăn

Theo nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức chương trình, khởi động từ đầu tháng 7.2015, sau hơn 1 tháng triển khai hoạt động, Chương trình đã nhận được 110 hồ sơ ứng cử viên từ 63 tỉnh, thành phố gửi về tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”.

110 hồ sơ ứng cử, đề cử đều đáp ứng được 4 nhóm tiêu chí mà Chương trình đặt ra.

Đó là, nhóm 1: Nông dân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp;

Nhóm 2: Nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; 

Nhóm 3: Nông dân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia;

Nhóm 4: Nông dân có sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Một cuộc họp của Ban tổ chức chương trình bình chọn.

Từ 110 hồ sơ các ứng cử viên, ngày 5.8.2015, Hội đồng bình chọn T.Ư của Ban tổ chức Chương trình đã họp phiên chung khảo.

Với tinh thần làm việc trách nhiệm cao, công tâm, các thành viên Hội đồng bình chọn đã bỏ phiếu tìm ra 63 ứng cử viên xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”.

Ông Nguyễn Văn Liễu- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ:

“Mặc dù đã 3 năm ở cương vị thành viên Hội đồng bình chọn chung khảo, nhưng tôi vẫn có cảm giác khó khăn khi phải lựa trong số hơn 100 ứng cử viên để chọn ra 63 người xứng đáng nhất.

Đối với những tỉnh, thành phố có từ 2 ứng cử viên trở lên, tôi phải cân nhắc ở từng góc độ, xem xét những ưu tiên để chọn ra người xứng đáng hơn...”.

Nhân tố mới, mô hình mới

  Trong số 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” có 55 người là nam giới (87,3%), 8 người là nữ giới (12,7%); có 8 người là đồng bào dân tộc thiểu số (12,7%).  

Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN, Trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng bình chọn chung khảo, cho biết: Năm 2015, Chương trình tiếp tục nhận được  đề cử, giới thiệu những gương nông dân xuất sắc đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc và có sáng kiến, sáng chế hữu ích, hiệu quả.

Nhiều nhân tố mới, mô hình mới đã được giới thiệu qua Chương trình năm 2015.

Về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” đã xây dựng được những mô hình tiên tiến, phát huy được thế mạnh nông nghiệp của mỗi vùng miền, thế mạnh nông sản Việt Nam.

Điển hình như mô hình 30ha nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ sinh học của ông Võ Văn Sơn (Ninh Thuận).

Hay như mô hình trồng 30ha cây ăn quả đặc sản chôm chôm, bưởi da xanh, quýt ngọt của ông Nguyễn Thanh Tâm (Bình Phước).

Về hiệu quả kinh tế, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi có doanh thu lớn như mô hình thuần hóa, lai tạo vịt trời của ông Nguyễn Đăng Cường (Bắc Ninh) dự kiến năm 2015 đạt doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đồng.

Trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”, nhiều người nổi bật với thành tích đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như ông Nguyễn Thanh Hải ở Bạc Liêu. Thương học trò thiếu trường, lớp, trong khi địa phương còn khó khăn, gia đình ông Hải đã hiến 7.500m2 đất để xây trường học, nhà văn hóa cộng đồng.

Ở lĩnh vực sáng tạo, sáng chế, cải tiến kỹ thuật cũng xuất hiện nhiều nhân tố mới, cách làm hiệu quả như phát minh lò tiêu hủy chất thải đa chiều của ông Trương Minh (Quảng Ngãi); thiết kế, chế tạo đăng ký bảo hộ bản quyền bộ bông xới máy nông nghiệp Kubota của ông Dương Quốc Thái;

Ông Trương Văn Điền (Đồng Tháp) phát minh, hoàn thiện quy trình sinh sản, ương giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha…

Nổi bật trong nhóm tiêu chí nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là ông Giàng Cháng Lử đến từ tỉnh Hà Giang.

Miệng nói, tay làm, chân đi, ông Lử luôn gắn kết với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tuần tra biên giới; tổ chức các mô hình như “Tổ tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ an ninh trật tự”, “Tiếng kẻng an ninh”, “3 không” (không cháy nổ, không tệ nạn và không để xảy ra trộm cắp”, “3 chủ động” (chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh, chủ động tố giác tội phạm)...

Nhìn lại 3 năm Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, xét ở nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” chính là những cánh chim đầu đàn. 


Ớt xiêm rừng tí hon đắt gấp 25 lần ớt thường có gì đặc biệt? Ớt xiêm rừng tí hon đắt gấp 25… Mốt chơi chó Nhật đẻ trứng Mốt chơi chó Nhật đẻ trứng