Những câu hỏi đặt ra với việc tiêm chích trị bệnh cho cây có múi
Tiêm chích thuốc (nông dược hoặc kháng sinh) để trị bệnh cho cây đã được áp dụng từ lâu ở cả trong và ngoài nước.
Gốc cam bị chích thuốc
Trên cây sầu riêng, tiêm thuốc để trị bệnh thối gốc, nứt thân, chảy mủ đã được áp dụng từ hàng chục năm qua ở ĐBSCL.
Trên cây bưởi, sử dụng thuốc kháng sinh (Tetracyline, Penicillin) để trị vàng lá gân xanh đã được các nhà khoa học ở Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu từ năm 2012.
Trước đó, ở nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Philippines, Indonesia... đã áp dụng biện pháp chích kháng sinh vào thân để trị bệnh cho cây cam nhưng đều không đem lại hiệu quả cao (Muqing Zhang và CTV, 2015).
Theo Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI, 2017), tiêm kháng sinh Tetracycline vào thân cây ở Nam Phi giúp cây cam mật phục hồi một phần. Nhưng việc tiêm Tetracycline phải lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây độc cho cây khiến cây phát triển không tốt. Vì vậy, biện pháp này đã giảm dần trong thời gian gần đây. Chương trình áp dụng Tetracycline để trị bệnh VLGX trên cả nước Indonesia được báo cáo là thất bại.
“Sáng kiến” của nhà vườn ở ĐBSCL trong việc chích cây là ngoài việc sử dụng thuốc kháng sinh (để trừ vi khuẩn VLGX), thuốc trừ bệnh cây (để trị các loại nấm gây vàng lá - thối rễ), còn phối hợp thêm chất kích thích tăng trưởng; phân bón lá trung, vi lượng với hy vọng giúp cây phục hồi và tăng sức chống chịu bệnh. Trong thực tế, giải pháp tiêm chích của nhà vườn đã đem lại hiệu quả nhất định nên nhiều nhà vườn khác làm theo và đã lan rộng như hiện nay.
Tiêm chích thuốc cho cây có để lại dư lượng?
Nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy ở thời điểm 8 tháng sau khi tiêm không phát hiện dư lượng kháng sinh trên lá bưởi. Trong khi đó, nghiên cứu của Wayne N. Dixon Richard Gaskalla và CTV (2015) cho biết trái của cây cam mật được tiêm Penicillin để lại dư lượng ở 80 ngày sau khi tiêm.
Thông thường, nhà vườn tiêm chích cho cây sau khi thu hoạch trái, trước khi tạo cơi đọt mới nên thời gian từ khi tiêm đến khi thu hoạch trái là trên 8 tháng. Tuy vậy, cũng có trường hợp nhà vườn cho trái liên tục (gối vụ) thì thời gian từ khi tiêm đến khi thu hoạch trái chỉ khoảng trên dưới 60 ngày.
Tuy nhiên, trên trái cây có múi (cam, quýt, bưởi) ở ĐBSCL dư lượng kháng sinh còn tồn tại bao nhiêu ngày kể từ khi tiêm thì chưa có báo cáo nào công bố. Vì vậy, thời gian cách ly từ khi tiêm kháng sinh, tiêm nông dược đến khi thu hoạch trái là bao nhiêu ngày cũng chưa được khuyến cáo chính thức cho từng loại cây có múi.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm kháng sinh, tiêm nông dược để trị bệnh cho cây có múi, đặc biệt là trên cây cam sành khiến người tiêu dùng dè dặt khi mua cam đã góp phần làm giá cam giảm sâu, thu nhập của nhà vườn giảm mạnh.
Để bảo vệ lợi ích kinh tế cho nhà vườn lẫn bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, các câu hỏi: Có nên tiêm kháng sinh, nông dược để trị bệnh cho cây có múi? Loại thuốc nào được phép tiêm? Liều lượng ra sao? Thời gian cách ly bao lâu là an toàn? Đó là những vấn đề đang cần lời giải đáp sớm!
Dự kiến trong tháng 9/2018, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức cuộc tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các viện, trường và bà con nhà vườn trồng cây có múi trong tỉnh.
Mục tiêu của cuộc tọa đàm nhằm từng bước giải đáp các câu hỏi đặt ra đối với việc tiêm chích trị bệnh cho cây có múi đang được áp dụng tự phát trong thực tiễn sản xuất cây có múi ở ĐBSCL; qua đó, đưa ra khuyến cáo chính thức để người sản xuất và người tiêu dùng đều an tâm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ