Những câu hỏi thường gặp liên quan đến thức ăn cho heo
1. Làm sao để đánh giá được chất lượng của thức ăn?
Sự ra đời của thức ăn công nghiệp là xu hướng phát triển chung của ngành chăn nuôi, số trại chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp ngày càng nhiều hơn và trong tương lai thức ăn công nghiệp sẽ phát triển nhanh.
Khi chọn thức ăn ta cần chú ý đến 2 yếu tố chính, đó là chất lượng và giá thành.
Chất lượng thật sự của thức ăn chỉ có thể được thể hiện chính xác nhất thông qua quá trình sử dụng, thông qua năng suất và chất lượng của sản phẩm Chăm nuôi (như năng suất sinh sản, mức tăng trọng, chất lượng thịt,…).
Tuy nhiên, về mặt cảm quan ta có thể đáng giá sơ bộ chất lượng thức ăn trước khi đưa vào cho đàn heo ăn thông qua một số yếu tố sau:
- Uy tín của nhà sản xuất thức ăn trong lĩnh vực chăn nuôi.
- Nguồn gốc một số nguyên liệu đặt biệt để làm thức ăn (như bột cá, premix vitamin – khoáng,…).
- Hình thức của thức ăn: thức ăn có mùi thơm đặc trưng của nguyên liệu, không hôi mùi khét hoặc mốc, nếu thức ăn dạng viên thì các viên phải rời nhau, có kích thước tương đối điều nhau, không quá cứng,…thức ăn dạng bột phải tươi xốp, không đóng cục,…
Tóm lại: Những cảm quan ban đầu về chất lượng thức ăn chỉ là một yếu tố nhỏ để quyết định sử dụng thử loại thức ăn đó.
Khi sử dụng thì chất lượng của thức ăn sẽ được thể hiện thông qua năng suất và hiệu quả kinh tế cuối cùng của một giai đoạn nuôi nào đó.
2. Phòng tránh stress trên heo khi chuyển đổi thức ăn
Khi ta chuyển loại thức ăn thì màu sắc, mùi vị, độ min và chất lượng của thức ăn cũng có thể thay đổi.
Những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến mức ăn và quá trình tiêu hoá thức ăn của heo. Nếu ta thay đổi thức ăn đột ngột thì mức ăn sẽ thay đổi và phân heo sẽ biến đổi, thể hiện sự bất thường của quá trình tiêu hoá.
Điều này là một trong những stress trong chăn nuôi, nó ảnh hưởng đến năng suất của đàn heo.
Để phòng ngừa hiện tượng trên ta nên thực hiện việc thay đổi thức ăn trong vòng ít nhất là 4 ngày với lượng thức ăn cũ và mới như sau:
- Ngày 1: 75 % thức ăn cũ + 25 % thức ăn mới.
- Ngày 2: 50 % thức ăn cũ + 50 % thức ăn mới.
- Ngày 3: 25 % thức ăn cũ + 75 % thức ăn mới.
- Ngày 4: 100 % thức ăn mới.
Tuy nhiên, trong thực tế tuỳ theo biểu hiện của đàn heo mà ta có thể kéo dài thời gian thay đổi thức ăn cho phù hợp.
Thông thường ta nên kéo dài số ngày sử dụng thức ăn của ngày thứ 2 ( có 50% cũ + 50% mới) trong vòng 2-3 ngày (tức là tổng thời gian thay đổi thức ăn kéo dài trong 6-7 ngày).
Cách làm như trên được áp dụng cho tất cả các trường hợp nào có liên quan đến sự thay đổi thức ăn. Một số trường hợp thay đổi thức ăn thường gặp như:
- Khi tập ăn cho heo con.
- Khi chuyển từ thức ăn heo con sang thức ăn heo lứa.
- Khi chuyển từ thức ăn heo lứa sang thức ăn heo thịt.
- Khi chuyển từ thức ăn viên sang thức ăn bột.
- Khi chuyển từ thức ăn của công ty này sang sử dụng thức ăn của công ty khác,…
Tóm lại: Nếu ta xác định được việc chuyển đổi thức ăn là một tác động gây stress đối với heo thì ta nên có biện pháp chuyển đổi phù hợp, hạn chế tác hại xấu.
3. Điều kiện để bảo quản thức ăn nhằm hạn chế thức ăn bị giảm chất lượng, hạn chế nhiễm nấm mốc.
Thức ăn đã được pha trộn bao gồm rất nhiều những thực liệu có những thành phần khác nhau. Nếu bảo quản không tốt thì một số dưỡng chất của thức ăn sẽ bị hao hụt rất nhiều và thức ăn cũng là môi trường tốt cho nấm mốc phát triển.
Trong điều kiện thực tế của các trại chăn nuôi thì việc bảo quản thức ăn cần chú ý một số điểm sau:
- Nơi trữ thức ăn phải khô ráo, thoáng mát.
- Bao thức ăn phải để cao cách mặt nền và cách vách khoảng 30 - 40cm (3-4 tấc).
- Ngăn chặn chuột, kiến, mọt, mối, gián,… vào nơi trữ thức ăn.
- Cần chú ý những bao thức ăn bị rách (vì nấm mốc rất dễ nhiễm vào thức ăn ngay chỗ bao rách).
-Thông thường theo định kỳ nhân viên làm vệ sinh hốt các thức ăn rơi vãi trong kho, do tiết kiệm hoặc giảm số hao hụt thức ăn người ta trộn thức ăn rơi vãi này lại với thức ăn mới cho heo ăn, rất nhiều trường hợp được ghi nhận heo chết và bệnh hoặc ảnh hưởng sinh sản trên đàn heo nái mà đôi khi có nhân viên kỹ thuật không rõ nguyên nhân gì, thực ra là do các độc tố nấm mốc phát triển trên thức ăn rơi vãi này.
- Định kỳ khoảng 15-20 ngày thực hiện dọn dẹp, vệ sinh, sát trùng và diệt côn trùng.
Nên sử dụng những loại thuốc có độ an toàn cao, như thuốc Virkon ( thuốc sát trùng, pha 10 gram/4lít nước), thuốc solfac (thuốc diệt ruồi, mọt,mối, kiến, gián,…pha 10 gram/5 lít nước, có thể sử dụng để phun trực tiếp lên bao thức ăn trong quá trình bảo quản).
- Không để những bao chứa thức ăn cũ (bao không) chung với nơi trữ thức ăn (vì rất dễ nhiễm nấm mốc từ bao không sang bao có thức ăn).
Tóm lại: Bảo quản thức ăn từ khi sản xuất cho đến khi sử dụng là một quá trình, thông qua nhiều giai đoạn trung gian (như ở kho của nhà máy, ở các đại lý thức ăn gia súc, ở trại chăn nuôi…).
Nếu thức ăn được bảo quản tốt ở tất cả các giai đoạn trên thì chất lượng thức ăn sẽ ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ