Tin nông nghiệp Những đại gia chân đất nơi biên giới Bình Phước

Những đại gia chân đất nơi biên giới Bình Phước

Tác giả Hồng Thủy, ngày đăng 28/02/2018

Những đại gia chân đất nơi biên giới Bình Phước

Nhiều nông dân ở vùng biên giới Lộc Ninh, Bình Phước đã ý thức được rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững để làm giàu, thì ngoài áp dụng KHKT, còn phải cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, năng động, nhạy bén với thị trường.

Mô hình vườn mít của lão nông Trần Minh Chánh

Lão nông... gàn

Năm 1999, lão nông Trần Minh Chánh, ở ấp 6, xã Lộc Hòa, Lộc Ninh mua lại gần 22ha cà phê, xà cừ với giá chỉ 50 ngàn đồng/ha. Tổng số tiền mua là 5 triệu đồng. Sau đó ông phá sạch cà phê, xà cừ để trồng tiêu. Ban đầu ông “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen các loại cây ngắn ngày, như lúa, bắp, nuôi cá...

“Trồng cây tiêu không phải dễ ăn. Bao lần phải bứt từng dây tiêu trồng lại mà xót”, ông nhớ lại. Nhưng cũng vì vậy, ông nảy ra phương thức trồng đa cây, đa con, lấy cây này nuôi cây kia và mít Thái lá bàng là lựa chọn số 1.

Năm 2008, sau khi nghiên cứu kỹ, ông quyết định đầu tư trồng hơn 10ha mít Thái lá bàng, bất chấp việc gia đình phản đối kịch liệt. Ông bảo: “Tôi có lòng tin và nghiên cứu thị trường rất kỹ trước khi quyết định chứ không phải làm bừa. Như các anh thấy đấy, tôi đang đi đúng hướng”.

Theo ông Chánh, đây là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái (cây trưởng thành có thể cho 80 - 120 trái). Mỗi trái nặng khoảng 6 - 12kg, nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14 - 15kg. Mít Thái lá bàng có ưu điểm là ra trái quanh năm, ít sâu bệnh. Múi ngọt đậm, giòn, thơm nên được thị trường ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi hơn 1 tỷ đồng từ mít cộng với nguồn lợi cả tỷ đồng từ hồ tiêu.

“Cây mít ít sâu bệnh nhưng không nên chủ quan. Mình phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Khi xịt phải trộn thêm thuốc bám dính để hạn chế sự di chuyển của sâu bệnh”.

Ông Chánh cho biết, ban đầu, do không nắm được giá mít trên thị trường nên ông bị thương lái ép giá. Có lúc, thương lái chỉ trả 1.400 đồng/kg, ông năn nỉ nâng lên 1.500 đồng/kg cũng không được.

Sau đó, tình cờ thông tin về giá mít 1.400 đồng/kg của ông được đưa lên các phương tiện truyền thông. Mấy ngày sau, một nhà máy chế biến mít ở tỉnh Bình Dương cho nhân viên tìm đến tận vườn của ông mua số lượng lớn với giá 4.000 đồng/kg.

“Nhờ báo chí mà hiện giờ tôi có hơn chục địa chỉ thu mua thường xuyên nên không phải lo đầu ra nữa. Trong nông nghiệp cứ làm theo chủ quan của mình là thất bại. Kinh nghiệm mà không đúng khoa học chỉ có vứt”, ông Chánh khẳng định.

Vì vậy, mỗi khi nghe tin ở đâu có tập huấn, chuyển giao KHKT nông nghiệp là ông tìm tới. Trang trại tiêu, mít Thái lá bàng của ông hiện là mô hình điểm trình diễn mà hội nông dân các cấp trong tỉnh giới thiệu tới hội viên.

Hiện ông mới dựng thêm 10 ngàn nọc tiêu, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm và chăm sóc theo quy trình hữu cơ sinh học. Ông cũng đào ao lên liếp, trồng 1,2ha cây ăn trái, như măng cụt, sầu riêng... đang cho thu hoạch.  

Ước mơ thương hiệu nông hộ

19 năm trước, anh Nguyễn Anh Thái từ tỉnh Phú Thọ chuyển vào định cư trên vùng đất biên giới thuộc xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Sau nhiều năm gắn bó với nghề nông, từ việc trồng tiêu, điều đến nuôi heo, cá anh từng trải qua. Năm 2014, anh chuyển sang nuôi gà. Con giống có lúc anh lấy từ Phú Thọ, khi thì tuyển ở Thanh Hóa, lúc Bình Định, Đồng Nai.

Mô hình nuôi gà chăn thả sạch của gia đình anh Nguyễn Anh Thái

Ngay từ lứa nuôi đầu tiên, anh Thái đã xác định đầu ra bền vững là giải pháp tốt nhất để người chăn nuôi trụ vững với nghề. Để làm được điều đó, anh mang gà của mình đến các nhà hàng, quán ăn cho khách thưởng thức miễn phí cả tháng trời. Gà của anh nuôi từ 3,5 - 4 tháng mới xuất chuồng nên thịt chắc, ngon, thơm, được khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó các nhà hàng, quán ăn chấp nhận đặt mua ổn định với giá bao tiêu sản phẩm 60.000 đồng/kg. Mỗi con cộng thêm 15.000 đồng tiền công chế biến.

“Sau 3 - 4 tháng nuôi, tiền công chăm sóc, thuốc thú y, thức ăn, hết khoảng 40.000 đồng/kg thể trọng. Nếu bán với giá 40.000 đồng/kg coi như lỗ. Bởi vậy, mình phải tìm mối bán với giá 60.000 đồng/kg mới hy vọng có lãi”, anh Thái nói.

Từ một, hai nhà hàng ban đầu, hiện nguồn thịt gà của gia đình anh đã được cung cấp cho hầu hết các nhà hàng, quán ăn của huyện Lộc Ninh. Thương hiệu gà Anh Thái ở Lộc Thạnh được hình thành. Có thương hiệu, việc nuôi gà đã mang lại doanh thu ổn định cho gia đình anh bình quân mỗi ngày 12 triệu đồng. Đây là khoản thu mà nhiều nông dân ở vùng biên giới này mơ ước. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình anh Thái lời ít nhất 4 triệu đồng.

“Mỗi ngày tôi bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn khoảng 200kg thịt, tương đương 100 con gà. Giá bao tiêu sản phẩm 60.000 đồng/kg. Để có chừng ấy lượng thịt sạch giao khách hàng, mỗi tháng tôi phải nhập về 3.000 con gà giống, chia thành 4 chuồng và tự tay chăm sóc.

Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết, thực tế người chăn nuôi còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi rất khó lường. Khi đàn gia cầm mắc phải dịch bệnh, có cán bộ thú y đổ lỗi cho con giống, người cung cấp con giống lại đổ thừa cho vacxin kém chất lượng.

Chưa dừng ở đó, người làm công thường mang tâm lý làm cho xong chuyện mà không nghĩ đến chất lượng, hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Hậu quả sau cùng là người chăn nuôi chịu. Từ lý do này, nhiều người tự tay chăm sóc, mua thuốc rồi tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của mình sau một thời gian tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Anh Thái cho rằng, với nhiều bất trắc như thế nên khi có cơ hội tăng đàn nâng cao thu nhập, người chăn nuôi đơn lẻ như anh không dám mạo hiểm. “Đơn cử như câu chuyện mua bán với siêu thị Co.op Mart chẳng hạn. Chất lượng mình đảm bảo nhưng số lượng thì không đủ đáp ứng. Tôi từng nghĩ đến việc mời các bạn chăn nuôi gà chất lượng cao ở thị xã Bình Long hợp tác làm ăn với siêu thị nhưng chưa thực hiện. Tự mình mở rộng sản xuất chưa đủ tiềm lực, nên hiện tại vẫn chưa thể thực hiện ước mơ làm ăn tập thể, bền vững”, anh Thái nói.

“Vừa rồi, cán bộ ngân hàng nông nghiệp và Siêu thị Co.op Mart từ TP.HCM tìm đến tận nơi đặt mua với giá 160.000 đồng/kg, điều kiện họ đặt ra là gà phải nuôi đủ 5 tháng, có giấy chứng nhận ATVSTP, phải đảm bảo cung cấp mỗi tuần 5 tấn thịt gà. Ngân hàng sẵn sàng đầu tư vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhưng hiện tôi chưa dám nhận lời, vì còn nhiều thứ phải chuẩn bị, đầu tư”, anh Thái cho biết.

Quan điểm chung của những nông dân sản xuất giỏi mà chúng tôi gặp là: “Sản xuất nông hộ muốn cạnh tranh để vươn đến thị trường tiêu thụ rộng lớn, phải tuân thủ quy trình khoa học, sản phẩm phải có chứng nhận sản phẩm sạch, hay nói cách khác là có thương hiệu.

Nhưng, thực tế hiện nay là người nông dân không biết, không đủ khả năng để có mảnh giấy này. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT cho từng sản phẩm. Khi mỗi sản phẩm của các nông hộ có thương hiệu việc xây dựng thương hiệu tập thể sẽ không khó”.


Viễn cảnh tươi sáng chờ cô gái trẻ 'vật lộn' với gà ác Viễn cảnh tươi sáng chờ cô gái trẻ… Cây dược liệu trên đất 30A Cây dược liệu trên đất 30A