Tôm thẻ chân trắng Những điều cần biết về EMS trong nuôi tôm

Những điều cần biết về EMS trong nuôi tôm

Tác giả Linh Nguyễn - Theo Thefishsite, ngày đăng 26/02/2021

Những điều cần biết về EMS trong nuôi tôm

Dưới đây là lời khuyên về cách tránh những thiệt hại lớn do hội chứng tôm chết sớm (EMS) – một trong những căn bệnh tàn phá nhất đối với nghề nuôi tôm trong thập kỷ qua.

Năm 2018, FAO báo cáo rằng sản lượng NTTS thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD doanh thu từ nông trại. Sản lượng giáp xác là 9,4 triệu tấn, trị giá 69,3 tỷ USD và 52,9% trong số đó đến từ TTCT (Litopenaeus vannamei)

Khi NTTS phát triển và ngành công nghiệp tìm kiếm sự ổn định để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, thì việc phòng ngừa, dự báo và quản lý dịch bệnh có liên quan hơn bao giờ hết. Một trong những bệnh phức tạp nhất trong nuôi tôm, đặc biệt là nuôi TTCT, là hội chứng tôm chết sớm (EMS), còn được gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

Kể từ khi được phát hiện vào năm 2009, EMS/AHPND đã là một trong những thách thức chính đối với người nuôi tôm. Sau khi được phát hiện ở Trung Quốc, EMS đã lây lan sang nhiều quốc gia Đông Nam Á. Do tỷ lệ chết cao, nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi EMS/AHPND đã giảm đáng kể sản lượng và doanh thu xuất khẩu.

Học hỏi từ Thái Lan

Là quốc gia sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Thái Lan vẫn đang phục hồi sau đợt bùng phát EMS/AHPND. Nông dân ở Thái Lan đã bắt đầu chuyển đổi phương thức canh tác để chống lại vi khuẩn Vibrio spp. và ngăn ngừa một đợt bùng phát khác.

Thiết kế trang trại thâm canh mới đã được phát triển nhằm mục đích duy trì đáy ao sạch sẽ. Thiết kế này dựa trên hệ thống tuần hoàn và dòng chảy, với 4 thành phần quan trọng:

  • Tăng các khu xử lý nước
  • Kích thước ao nuôi thương phẩm nhỏ hơn
  • Cống trung tâm/toilet
  • Tăng cường sục khí

Tỷ lệ hồ chứa trong ao nuôi thương phẩm đã được thay đổi đáng kể từ 20% : 80% lên 60% : 40%. Việc tăng thể tích các hồ chứa cung cấp nhiều nước hơn và giúp thay nước nhiều hơn, giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và quản lý chất lượng nước. Được hỗ trợ nuôi ghép cá rô phi hoặc cá măng sữa, nước từ các khu vực tiền xử lý được chuyển sang ao cá rô phi hoặc cá măng sữa, được thả với mật độ 1 – 2 kg/m2. Cả hai loài đều có thể giúp duy trì chất lượng nước tốt và cải thiện chất lượng trầm tích bằng cách ăn các chất thải hữu cơ trong nước.

Sau đó, nước được chuyển sang ao nuôi thương phẩm, có lót bạt nhựa HDPE để tránh xói mòn đáy ao do sục khí cao. Kích thước ao nuôi thương phẩm được giảm xuống để tối ưu hóa quá trình ôxy hóa; đồng thời tận dụng hiệu quả chuyển động của nước để đẩy bùn cát về phía hố xiphong. Diện tích bề mặt giảm từ 8.000 m2 xuống 1.500 m2, hoặc thậm chí nhỏ nhất là 500 m2, được bù đắp bằng cột nước sâu tới 3 m để cung cấp mật độ nuôi lớn hơn.

Trong khi đó, hố xiphong được tận dụng để gom cặn vào một chỗ để có thể loại bỏ dễ dàng. Diện tích bề mặt được khuyến nghị cho hố xiphong là 5 – 7% tổng diện tích ao và đáy ao phải có độ dốc 25 – 30 độ  và được lót bằng nilon để bùn dễ rơi vào bên trong hơn. Cần sục khí không ngừng để đảm bảo đẩy cặn bẩn xuống hố. Năng lượng cho sục khí có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ sâu và diện tích ao, nhưng thông thường là khoảng 70 – 100 hp/ha.

Khi chu trình kết thúc, nước sẽ được chuyển trở lại khu vực tiền xử lý. Điều này được thực hiện để giảm lượng nước tiêu thụ có lượng mầm bệnh cao. Do đó, nó làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh từ các nguồn bên ngoài, cũng như khối lượng nước thải đầu ra và làm tăng tính bền vững của trang trại.

Các phương pháp để kiểm soát EMS/AHPND

Không có cách khắc phục nhanh chóng cho EMS/AHPND, một khi trang trại bị nhiễm bệnh, cần phải có kế hoạch quản lý cân bằng cẩn thận. Trong trường hợp xấu nhất, nông dân nên chuẩn bị thu hoạch tất cả các ao trong thời gian ngắn. Tất cả các thành viên trong nhóm phải cam kết thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt và giai đoạn khử trùng kỹ lưỡng để quản lý dịch bệnh và tránh bùng phát trong tương lai.

An toàn sinh học là một khái niệm để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh tật và ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua các ranh giới. Hai cách tiếp cận chủ đạo trong thực hành an toàn sinh học là các biện pháp phòng ngừa, loại trừ mầm bệnh và các biện pháp đối phó loại bỏ mầm bệnh. Chúng ta có thể quản lý EMS/AHPND bằng cách ngăn chặn sự lây lan xa hơn của nó và tạo điều kiện tốt hơn để tăng sức đề kháng của tôm.

Dưới đây là một số phương pháp tốt nhất để kiểm soát EMS/AHPND đối với các trang trại bị nhiễm bệnh, bao gồm tất cả các bước sản xuất:

Chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất

PL cần có nguồn gốc từ tôm bố mẹ không nhiễm AHPND. Sức khỏe tổng quát của PL nên được kiểm tra trước khi thả giống, bao gồm cả các thử nghiệm căng thẳng.

Tất cả các thiết bị phải được khử trùng trước khi thả giống. Sử dụng nhiều chất khử trùng giúp loại bỏ tất cả các vật trung gian truyền bệnh.

Ao nuôi thương phẩm nên lót bạt nhựa HDPE để dễ vệ sinh và kiểm soát.

Trước khi thả, phải phơi khô hoàn toàn ao. Nước cũng phải được điều hòa trong 10 – 15 ngày trước khi thả tôm.

Kế hoạch an toàn sinh học kỹ lưỡng nên được thực hiện và xem xét sau mỗi chu kỳ.

Bảo vệ trang trại khỏi các loài bên ngoài, chẳng hạn bằng cách sử dụng các thiết bị bảo vệ cua.

Để tránh nhiễm trùng, nên thả giống đồng thời ở một khu vực. Nên thả vào nước có Vibrio dưới 1×103 CFU/ml, tức là nơi các loài này chiếm ít hơn 1% tổng nồng độ vi khuẩn.

Giảm thiểu EMS trong quá trình nuôi thương phẩm

Các thông số chất lượng nước, bao gồm mức độ pH, độ kiềm, độ mặn, ôxy hòa tan (DO), nitơ amoniac và hydro sunfua, cần được theo dõi thường xuyên.

Nên theo dõi sức khỏe tôm 3 ngày/lần, bao gồm kiểm tra chuột rút và gan tụy.

Chế độ cho ăn nên được điều chỉnh để tránh cho ăn quá nhiều và nên cho ăn thức ăn có hàm lượng protein trên 30%.

Các chất cặn nên được hút thường xuyên.

Cần duy trì sục khí thích hợp.

Probiotics nên được sử dụng thường xuyên và tăng cường ở những nơi xảy ra căng thẳng hoặc khi thay nước.

Thống nhất chế độ đầu ra và lấy nước với tất cả các trang trại trong khu vực để giảm việc truyền mầm bệnh giữa các trang trại.

Khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh, nên sử dụng xét nghiệm xác nhận trong phòng thí nghiệm.

Các giải pháp EMS dài hạn: cơ sở hạ tầng và công nghệ

Duy trì các thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp trong trang trại sẽ giúp bảo trì an toàn sinh học và phòng chống mầm bệnh dễ dàng hơn, mang lại lợi nhuận tài chính ổn định hơn. Cơ sở hạ tầng cần thiết để duy trì an toàn sinh học và bảo vệ chống lại mầm bệnh bao gồm tấm lót HDPE, trạm rửa chân, xe và tay, cũng như hàng rào và lưới để ngăn người và động vật xâm nhập vào trang trại.

Cơ sở hạ tầng quan trọng khác bao gồm đầu vào và đầu ra nước chuyên dụng, cống trung tâm, ao tiền xử lý với thể tích ít nhất 30% ao nuôi thương phẩm, sau xử lý, sục khí 10 hp/1.000 m2 với dòng chảy tốt, giai đoạn ương, cơ sở lưu trữ và một phòng thí nghiệm cơ bản tại chỗ để xét nghiệm nước cơ bản.

Tiến lên từ EMS

EMS có thể là một căn bệnh nguy hiểm nhưng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an toàn sinh học nghiêm ngặt và đánh giá quản lý trang trại thường xuyên có thể giúp chống lại dịch bệnh và giảm tác động của nó. Ngành tôm phải có sự chủ động, phòng ngừa đối với EMS/AHPND cũng như đối với tất cả các mầm bệnh. Bằng cách lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và kiểm soát tốt nhất, nông dân có cơ hội cao hơn để sản xuất các vụ mùa thành công, ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ dịch bệnh cao.


Điều trị bệnh phân trắng trên tôm bằng chiết xuất túi mực ống Điều trị bệnh phân trắng trên tôm bằng… Quy trình gây màu nước làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng Quy trình gây màu nước làm thức ăn…