Mô hình kinh tế Những Giải Pháp Công Nghệ Mới Hỗ Trợ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Bền Vững

Những Giải Pháp Công Nghệ Mới Hỗ Trợ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Bền Vững

Ngày đăng 30/12/2013

Những Giải Pháp Công Nghệ Mới Hỗ Trợ Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Bền Vững

Tôm thẻ chân trắng hiện là đối tượng con nuôi chủ lực của vùng nuôi mặn lợ của tỉnh Nam Định với tổng diện tích 486ha bởi dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và thị trường tiêu thụ rộng.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, ngoài việc tạo điều kiện mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; kiểm soát chất lượng các sản phẩm đầu vào, Sở NN và PTNT còn phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách vùng nuôi để chỉ đạo sản xuất và nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại rủi ro trong sản xuất cho người nuôi.

Giải pháp "Thiết kế hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi trồng thủy sản" của kỹ sư Trần Ngọc Hải Bình, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nghiên cứu, ứng dụng thành công đã giúp các hộ nuôi khắc phục tình trạng khí độc hydro sunfua trong ao nuôi có thể khiến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hydro sunfua là một loại khí độc phổ biến được hình thành từ chất thải của tôm, thức ăn dư thừa và một số tạp chất khác tích tụ lâu ngày ở đáy ao, gặp thời tiết bất lợi, vi sinh vật yếm khí phát triển gây bệnh cấp và mãn tính cho tôm.

Trước đây, các hộ nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh vẫn xử lý hiện tượng này bằng phương pháp nạo vét chất thải, hút bùn bẩn ở đáy ao, dùng men vi sinh hoặc hóa chất xử lý đáy ao. Tuy nhiên cách làm này chi phí cao và cũng chỉ khắc phục tạm thời tình trạng ngộ độc đáy ao. Trăn trở trước thiệt hại của bà con nông dân, kỹ sư Trần Ngọc Hải Bình đã nghiên cứu và tìm ra biện pháp khắc chế khí độc trong ao nuôi bằng hệ thống "thoát khí độc".

Hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi thủy sản hoạt động trên nguyên tắc thu gom chất thải lại để hút khí thải và bổ sung ôxy cho ao nuôi nhằm khống chế sự phát triển của vi sinh vật yếm khí dưới đáy ao gây nên hydro sunfua, thông qua hệ thống ống tuýp đục lỗ được nối từ đáy ao lên trên mặt ao.

Hệ thống thoát khí được lắp đặt ngay từ đầu vụ nuôi tại vị trí các máy quạt nước, dòng chảy có tác dụng gom tụ chất thải thành đống, khí độc thoát lên theo hệ thống thoát khí, đồng thời, đáy ao luôn được bổ sung ô xy nên không xuất hiện vi khuẩn khử lưu huỳnh tạo ra khí độc hydro sunfua.

Ưu điểm của giải pháp này là đã chủ động thoát khí độc, tạo môi trường tốt cho tôm phát triển từ đầu vụ nuôi và hạn chế thấp nhất việc phải xử lý khi ao tôm có sự cố, không ảnh hưởng đến tôm, đầu tư không lớn. Kỹ sư Bình cho biết, hiệu quả kinh tế ở những ao ứng dụng giải pháp công nghệ này cao hơn rất nhiều so với các ao đối chứng tại vùng nuôi tôm công nghiệp của các xã Giao Phong và Bạch Long (Giao Thủy) và vùng nuôi chuyên canh của huyện Yên Hưng (Quảng Ninh).

Đặc biệt những yếu tố bất lợi đối với tôm nuôi trong tháng đầu và tháng thứ hai như nhiễm dịch bệnh do môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, ao thiếu ô xy đều không xảy ra trên ao nuôi có sử dụng hệ thống thoát khí độc; tôm lớn nhanh, không bị nhiễm độc, vỏ sáng, thịt chắc, cho năng suất cao.

Ngoài giải quyết khó khăn về khử độc đáy ao hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho hộ nuôi, hệ thống thoát khí độc trong ao nuôi thủy sản còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi vì ít phải sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Đây là bước đột phá trong việc hình thành các vùng nuôi thuỷ sản an toàn dịch bệnh theo quy trình VietGAP.

Với ý tưởng thuần hóa con tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước có độ mặn thấp tạo cơ sở để mở rộng diện tích nuôi tôm ở các huyện ven biển và khắc phục sự cố tôm “sốc” vào thời điểm có mưa nhiều khiến độ mặn trong ao giảm đột ngột, kỹ sư Đinh Văn Thuân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN và PTNT) đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong môi trường nước có độ mặn dưới 10 phần nghìn”.

Trong điều kiện nuôi bình thường, con tôm thẻ chân trắng thích nghi với độ mặn của nước là 30 phần nghìn. Để thuần hóa con tôm trong môi trường nước lợ, ngoài việc chuẩn bị kỹ ao nuôi và các điều kiện khác đáp ứng đúng quy trình kỹ thuật và an toàn dịch bệnh, kỹ sư Thuân đã tiến hành thuần hóa con tôm ngay từ trại giống trong môi trường nước có độ mặn 10 phần nghìn.

Tôm giống đưa từ trại giống về, ngâm cả bao giống trong ao nuôi khoảng 15 phút để thuần hóa (thích nghi) nhiệt độ nước trong bao và ao nuôi. Quá trình thuần hóa tại ao nuôi được tiến hành theo các quy trình: mỗi ngày bơm một lượng nước ngọt trong ao chứa đã được khử trùng bằng Chlorine và quạt nước liên tục trong 3 ngày vào ao ương để giảm dần độ mặn (độ mặn giảm trong một ngày không quá 3 phần nghìn) cho đến mức 5 phần nghìn thì dừng cấp nước ngọt.

Khi hoàn tất giảm độ mặn thì chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm có độ mặn 5 phần nghìn với mật độ 60 con/m2. Mọi quy trình chăm sóc, quản lý thức ăn giống như cách nuôi tôm thông thường. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 70%; tôm thương phẩm đạt 15 g/con và năng suất đạt 6,3 tấn/ha.

Ngoài ra, sức khỏe tôm nuôi ổn định, không bị sốc, chết hàng loạt khi mưa nhiều. Giải pháp này áp dụng đối với hầu hết vùng nuôi có độ mặn thấp dưới 10 phần nghìn với quy trình kỹ thuật đơn giản, vật tư và cơ sở hạ tầng vùng nuôi đều phù hợp với trình độ và điều kiện thâm canh của người nuôi tôm trong tỉnh.

Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước có độ mặn thấp áp dụng thành công tại tỉnh ta đã mở ra cơ hội trong việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi vùng nước lợ của tỉnh. Kỹ sư Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã nghiên cứu giải pháp nhằm bảo vệ vòng ngoài trang trại nuôi tôm, tránh những tác hại không đáng có do các loại côn trùng, chim, chuột, chó, mèo và những tình thế thời tiết khắc nghiệt của vùng ven biển.

Đó là giải pháp cải tiến hệ thống lưới quây xung quanh ao nuôi tôm bằng tường bê tông hoặc gạch xây với tiêu chuẩn cách mép ao 10-25cm, cao từ 40-45cm so với mặt bờ; khoảng cách giữa mép bờ ao đến tường chắn được láng xi măng bóng và lượn tròn để cắt bước sóng đánh thẳng nhằm giảm áp lực cho tôm trong ao nuôi; khi sóng, gió quá to tôm không bị thất thoát, thiệt hại do văng ra ngoài ao. Trên mặt tường chắn, có thiết kế lỗ cắm cọc để dựng khung, lợp mái cho toàn ao nuôi hoặc cắm cọc chăng lưới tùy vào yêu cầu kỹ thuật ở từng thời điểm nuôi.

Hệ thống ngăn chặn động vật gây hại và giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai đối với trang trại nuôi tôm theo phương pháp thâm canh đã giúp các chủ trang trại dễ quản lý ao nuôi, thao tác kỹ thuật chăm sóc tôm dễ hơn; ngăn chặn được hầu hết các loại động vật gây hại và người lạ tiếp xúc trực tiếp với ao tôm.

Bên cạnh đó, người nuôi có thể thực hiện các biện pháp điều tiết nâng mức nước ao nuôi, dựng khung phủ lưới, bạt để ổn định nhiệt độ cho ao nuôi. Giải pháp đặc biệt hữu ích trong việc bảo vệ đàn tôm khi có bão xảy ra. Giải pháp đã được áp dụng tại hầu hết các trang trại nuôi tôm thâm canh của vùng nuôi Giao Phong (Giao Thủy) và đang được nhân rộng ra các vùng nuôi khác của tỉnh.

Với sự đam mê nghiên cứu khoa học với tình cảm và trách nhiệm vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngành Nông nghiệp đã mang đến cho người nuôi tôm thẻ chân trắng những giải pháp hữu ích về quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc và kỹ thuật cải tạo ao nuôi, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh.


Ngành Cá Tra Đang Thoái Trào Ngành Cá Tra Đang Thoái Trào Kết Quả Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Thương Phẩm Kết Quả Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu…