Tin nông nghiệp Những giống mới cho vùng Bắc Trung Bộ

Những giống mới cho vùng Bắc Trung Bộ

Tác giả Văn Dũng, ngày đăng 11/10/2017

Những giống mới cho vùng Bắc Trung Bộ

Bắc Trung Bộ là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước nhưng cũng có nhiều lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng.

Sắn STB1 năng suất vượt trội

Nhận thấy tiềm năng này, Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung Bộ (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đã tập trung nghiên cứu và bước đầu có nhiều thành công trong công tác giống.

Trước hết phải kể đến giống lúa BoT1. Đây là giống lúa triển vọng được bà con nông dân đánh giá cao, giống né tránh thiên tai vụ HT, đang được mở rộng diện tích SX và được gieo trồng trên nhiều chân đất khác nhau.

BoT1 cứng cây, trổ thoát, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất bình quân 65 - 70 tạ/ha trong vụ xuân, hạt gạo dài, khi ăn có vị thơm. Giống được hội đồng Bộ NN-PTNT công nhận cho phép SX thử từ năm 2015. Hiện BoT1 đã được trồng thử tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế với quy mô trên 500ha. Năng suất trong vụ xuân đạt trên 60 tạ/ha vụ mùa đạt 55 - 60 tạ/ha.

Lạc L20 là giống chịu hạn, năng suất 3,5 - 5 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh và chịu hạn tốt đang được nông dân trong vùng ưa chuộng, tiếp tục mở rộng diện tích. L20 đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống cây trồng mới cho vùng Bắc Trung Bộ. Diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 3.000ha/năm tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Bưởi hồng Quang Tiến có năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, diện tích trồng hiện nay trong khu vực khoảng 50 ha, được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử. Bưởi hồng Quang Tiến được trồng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, quy mô hơn 100ha và đang có xu hướng tăng mạnh, hằng năm số lượng giống tiêu thụ 1,5 – 2 vạn cây giống.

Bưởi hồng Quang Tiến cho hiệu quả kinh tế cao

Đây là giống bưởi cho hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây có múi. Trong giai đoạn đầu kinh doanh giống bưởi hồng Quang Tiến có hiệu quả 100 – 150 triệu đồng/ha. Các năm sau (sau 5 năm thu hoạch trở đi) hiệu quả đạt 400 – 500 triệu đồng/ha.

Giống quýt PQ sinh trưởng, phát triển khỏe, sau 3 năm trồng chiều cao đạt 353,3cm đường kính tán đạt 296,5 m, đường kính gốc đạt 8,4cm. PQ thích nghi tốt trên vùng đất đỏ bazan, đất phù sa cổ, đất phiến thạch. Khối lượng bình quân từ 160 - 180 gram/quả. Vỏ quả khi chín có màu vàng, hoặc vàng xanh, phẩm chất khá, độ Brix đạt 11 - 13%, hàm lượng VTMC đạt 30,2 - 37,7mg/100g. Quả có độ đồng đều cao; tỷ lệ quả loại 1 và loại 2 chiếm 96,26%, năng suất bình quân đạt 25 - 30 tấn/ha/năm, cá biệt có vườn đạt 50 tấn/ha/năm, thời gian thu hoạch quả từ tháng 1 đến tháng 3. Hiệu quả kinh tế cao bình quân đạt 250 - 400 triệu đồng/ha/năm. Có vườn đạt 900 – 950 triệu đồng/ha/năm.

Giống quýt PQ đã Bộ NN-PTNT công nhận giống cây trồng chính thức cho sản xuất tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Hiện được trồng phổ biến tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Trị với diện tích hơn 500ha. Hằng năm số lượng giống tiêu thụ 5.000 - 1 vạn cây giống.

Giống quýt PQ thích nghi tốt trên vùng đất đỏ bazan

Giống mía VĐ 00-236 chín trung bình có hàm lượng đường khá cao (CCS ≥ 12%), năng suất đạt 94 - 104 tấn/ha. Ưu điểm của giống này là mọc mầm khoẻ, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao, tốc độ vươn lóng nhanh, ít nhiễm sâu đục thân, bị bệnh trên lá nhẹ, trổ cờ ít, bị đổ ngã nhẹ, khả năng lưu gốc tốt. Giống được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử, hiện được trồng tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa với quy mô gần 1.000ha.

Sắn STB1 là giống có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất củ tươi cao (43,3 - 52,5 tấn/ha), hàm lượng tinh bột đạt khoảng 30%. So với giống sắn KM94 đang được trồng phổ biến tại các địa phương với năng suất trung bình 30 - 35 tạ/ha thì STB1 có năng suất cao hơn hẳn. Giống được cho phép sản xuất thử, đang được trồng phổ biến tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, diện tích hàng năm khoảng 60 - 70ha, số lượng giống tiêu thụ hằng năm khoảng 400.000 hom. Hiệu quả của giống ước tính giá trị khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.


Công nghệ tự động hóa sẽ thay lao động nông nghiệp trong tương lai Công nghệ tự động hóa sẽ thay lao… Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đô thị Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp…