Những lưu ý khi chăm sóc cây sầu riêng mùa hạn mặn tại Tiền Giang
Tiền Giang trồng nhiều loại cây ăn trái giá trị cao, trong có có cây sầu riêng. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, nước mặn xâm nhập theo sông Tiền vào sâu trong nội đồng đã ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của các kênh rạch. Sự sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nguồn nước ngọt tưới.
Vườn sầu riêng bị thiệt hại khi thiếu nước tưới
Thời gian qua, các cơ quan chức năng và người trồng sầu riêng đã có nhiều biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra. Các cơ quan chức năng thường xuyên quan trắc đo độ mặn trên sông rạch thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời đóng đập hoặc cống nếu nước bắt đầu có nhiễm mặn; Trang bị cho mỗi xã, phường sản xuất nông nghiệp 1 máy đo mặn để đo và báo cáo độ mặn hàng ngày, thông báo cho người dân biết được tình hình nhiễm mặn; Tổ chức tập huấn phòng chống hạn mặn trên cây trồng vật nuôi cho người dân; Hỗ trợ nước tưới 1,5 tháng cho bà con trồng sầu riêng với mức hỗ trợ 80m3/ha trồng sầu riêng/tháng cho sầu riêng trên 5 năm tuổi.
Bên cạnh đó, một số hộ dân có điều kiện và gần đường vận chuyển đã tự mua nước ngọt (trước khi được hỗ trợ nước miễn phí) về tưới tiết kiệm để duy trì cây sầu riêng phát triển; Một số hộ dân tự đào giếng khoan để lấy nước ngọt tưới sầu riêng; Thực hiện ngưng tưới khi nước mặn cao hơn mức cho phép; Tủ gốc giữ ẩm cho cây.
Cần có hệ thống ao lót bạt chứa nước trong mùa hạn mặn
Tuy nhiên dự báo thời gian tới, tình hình hạn mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, người trồng sầu riêng phải chú ý một số những việc không nên thực hiện như sau:
- Hạn chế việc khoan giếng vì hệ lụy lâu dài của việc làm này là nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt, xảy ra hiện tượng sụt lún đất, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến nguồn nước cho sinh hoạt.
- Không để trái, hoa trong mùa hạn mặn vì không có nước tưới nuôi trái, hoa, cây sẽ mau suy kiệt.
- Không sử dụng phân hóa học bón gốc trong giai đoạn này.
Người trồng sầu riêng nên thực hiện những biện pháp sau:
Một là, nếu diện tích vườn trên 3.000m2 nên tự trang bị máy đo độ mặn để đo độ mặn của nước mỗi khi khi cần tưới cây.
Hai là, ngăn chặn tất cả nguồn nước mặn xâm nhập vào vườn sầu riêng của mình khi nước mặn đến.
Ba là, cần có hệ thống ao lót bạt chứa nước trong mùa hạn mặn, đủ tưới trong 2,5- 3 tháng. Nên dự trử ít nhất 500 m3 nước ngọt (tăng giảm tùy theo số năm tuổi của sầu riêng) để tưới cho 01 ha sầu riêng (chuẩn bị vào cuối tháng 1 dương lịch hàng năm, trước khi nước mặn về 7-10 ngày). Cần phải sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp;
Bốn là, để cỏ, lục bình, rơm rạ... đậy gốc cây sầu riêng để giảm bốc hơi nước.
Năm là, nên bón vôi, phân hữu cơ, lân, kali trong giai đoạn hạn mặn; nên sử dụng phân qua lá hoặc một số chế phẩm tăng cường khả năng chịu mặn của cây.
Sáu là, nếu hạn mặn xảy ra hàng năm và không thực hiện được những điều như trên, chắc chắn cây sầu riêng sẽ chết, người trồng nên cần nhắc thay đổi giống cây trồng khác chịu mặn hơn để thay thế cho cây sầu riêng.
Tủ rơm đậy gốc sầu riêng để giảm thoát hơi nước
Trên đây là một số gợi ý để góp phần hạn chế khó khăn về nguồn nước tưới cho cây sầu riêng trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bà con nông dân trồng sầu riêng trong mùa hạn mặn.
Trung tâm DVNN thị xã Cai Lậy, Tiền Giang
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ