Tin thủy sản Những lưu ý sử dụng men vi sinh hiệu quả

Những lưu ý sử dụng men vi sinh hiệu quả

Tác giả Hoàng Yến - Tổng hợp, ngày đăng 24/05/2021

Những lưu ý sử dụng men vi sinh hiệu quả

Men vi sinh được sử dụng vô cùng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản không chỉ về xử lý môi trường, mà còn hỗ trợ sức khỏe, cải thiện tiêu hóa của vật nuôi… Tuy nhiên, để sử dụng men vi sinh một cách có hiệu quả nhất nhằm phát huy được hết tác dụng thì không phải người nuôi nào cũng biết.

Thành phần chính

Chế phẩm vi sinh thường được tạo nên từ các chủng vi khuẩn có lợi tham gia sử dụng và phân hủy các hợp chất hữu cơ như: Bacillus sp., Nitrobacter sp., Nitrosomonas sp., Clostridium sp, Lactobacillus sp, L.acidophillus, Streptococcus sp., Sacharomyces sp… Các loại enzyme hữu cơ, xúc tác cho quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Lypase, Amyllase, Chitinnase… Và chất dinh dưỡng sinh học để kích hoạt sinh trưởng ban đầu hệ vi khuẩn.

Men vi sinh gồm có dạng nước và dạng bột (hay dạng viên), trong đó dạng bột sẽ có mật độ vi khuẩn có lợi cao hơn (≥ 109 CFU/g) và dạng nước được chứa trong các thùng nhựa có mật độ vi khuẩn thấp hơn (≥ 107 CFU/ml).

Chủng loại, tác dụng

Về chủng loại các chủng vi sinh vật được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hiện nay được chia làm 3 nhóm:

Nhóm vi sinh vật sống như vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, Lactobacillus, Saccharomyces… thường dùng trộn vào thức ăn, giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột, tăng cường chuyển hóa và hấp thu thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Tiết ra một số chất kháng sinh, enzyme để kìm hãm hay tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường ruột tôm nuôi và tăng sức đề kháng cho tôm.

Nhóm các vi sinh vật có tính đối kháng hoặc cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Bacillus licheniformis, Bacillus sp… được dùng cải thiện nền đáy ao nuôi, cạnh tranh mạnh mẽ chất dinh dưỡng, năng lượng và giá thể với các loài vi khuẩn có hại, tảo độc từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi tôm.

Nhóm các vi sinh vật cải thiện chất lượng môi trường như vi khuẩn Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces, Bacillus, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis… dùng xử lý nước ao và nền đáy. Trong đó, một số chủng vi sinh vật sẽ làm tăng hàm lượng ôxy, ổn định pH, phân hủy mùn bã hữu cơ, khử phèn, diệt tảo độc.

Người nuôi cần xác định mục đích sử dụng chế phẩm sinh học về thời gian dự định dùng cho ao nuôi, như để cải thiện chất lượng nước, ổn định, cải thiện môi trường (giảm các chất hữu cơ dư thừa), tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi… để chọn đúng chủng loại men cần dùng.

Đảm bảo môi trường

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng men vi sinh: Thời gian đánh men vi sinh tốt nhất vào khoảng 8 – 10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng ôxy hòa tan cao; không cấp chế phẩm sinh học vào ao khi trời mưa. Nếu dùng chế phẩm sinh học trong ngày có nhiệt độ nước ao thấp, nên nuôi cấy chế phẩm sinh học trong nước ấm với nhiệt độ từ 30 – 35oC trước khi cấp vào ao nuôi.

Ôxy hòa tan: Vi khuẩn hiếu khí phải đảm bảo lượng ôxy hòa tan đầy đủ có hiệu quả sử dụng. Khi ôxy hòa tan thấp sẽ sử dụng kém hiệu quả.

Độ kiềm, độ mặn: Nước có độ kiềm từ 80 – 150 mg/l CaCO3 thì pH ổn định, nước có độ kiềm ≤50 mg/l CaCO3 khiến pH dao động dẫn tới hiệu quả sử dụng vi sinh thấp. Độ mặn quá cao có thể gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh.

Liều lượng

Chỉ sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi bán thâm canh và thâm canh thủy sản. Cần sử dụng lặp lại nhiều lần và định kỳ trong một chu kỳ nuôi. Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ sẽ mang lai hiệu quả cao nhất. Sử dụng định kỳ thường xuyên.

Đầu vụ, định kỳ 7 – 10 ngày sử dụng một lần, từ giữa đến cuối vụ 3 – 4 ngày sử dụng một lần. Liều lượng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng quá nhiều liên tục sẽ gây mất cân bằng sinh thái, vật nuôi dễ bị kích ứng stress. Sử dụng quá ít, hiệu quả sẽ không cao hoặc không mang lại hiệu quả.

Cách ủ

Để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nên tiến hành ủ vi sinh, việc ủ giúp hoàn nguyên bào tử và làm tăng mật số lợi khuẩn, bù đắp số lượng probiotic sụt giảm có thể xảy ra trong quá trình bảo quản, lưu hành sản phẩm. Tăng sinh men vi sinh có 2 cách, ủ yếm khí (đậy kín) và nhân sinh khối có cung cấp ôxy hòa tan, tùy theo nhóm vi sinh yếm khí hay hiếu khi mà người nuôi tiến hành ủ theo đúng cách.

Lưu ý khi sử dụng

Không dùng kháng sinh, các chất diệt khuẩn khi sử dụng men vi sinh

Kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn không những diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi trong ao. Do đó nếu mô hình nuôi sử dụng men vi sinh định kỳ, cần hạn chế sử dụng kháng sinh, nếu sử dụng kháng sinh thì sau ít nhất 2 ngày mới cấy lại men vi sinh cho ao.

Sử dụng men vi sinh kết hợp với prebiotic

Prebiotic là thức ăn của các loài vi khuẩn, loài được coi là có lợi cho sức khỏe và miễn dịch của vật chủ – do đó prebiotics được bổ sung vào chế độ ăn để điều chỉnh sự tăng trưởng và hoạt động của các loài vi khuẩn cụ thể trong ruột. Có thể sử dụng cùng lúc men vi sinh và các prebiotics thương mại như mannan oligosacarit (chiết xuất của nấm nem) hoặc ủ trước khi sử dụng như các dạng EM tỏi hoặc EM chuối.

Bảo quản

Nên bảo quản chế phẩm sinh học tránh nơi có ánh nắng trực tiếp vì sẽ làm chết các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học. Nếu sử dụng không hết gói thì nên gói kỹ phần còn lại nhằm tránh ẩm để không bị đóng cục.

Một chế phẩm sinh học tốt cần phải đáp ứng các yêu cầu như: Là sản phẩm sống hoặc duy trì hoạt tính ở quy mô kỹ nghệ; không mang mầm bệnh và độc tố; tạo ra tác dụng có lợi trên vật chủ; có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường ruột của vật chủ hoặc trong môi trường ao nuôi; duy trì tính ổn định để sử dụng được sau một thời gian tương đối lâu trong điều kiện bảo quản thông thường và điều kiện ngoài hiện trường.


Chinh phục thị trường tôm Trung Quốc Chinh phục thị trường tôm Trung Quốc Na Uy giúp Việt Nam phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp Na Uy giúp Việt Nam phát triển ngành…